Kỳ dị những ‘cỗ quan tài hình người’ 600 năm tuổi dựng đứng rên vách đá cao 2000m ở Peru
Sừng sững tại rìa vách đá Peru là những cỗ quan tài có hình thù kỳ lạ, lưu giữ một nền văn hóa đã mất từ thế kỉ 15. Đến nay, nó vẫn còn là bí ẩn đối với các nhà khảo cổ trên khắp thế giới!
Ở Karajia, gần thành phố Chachapoyas, có những ngôi mộ rất ấn tượng. Những cái quách cao hai mét làm bằng phôi gạch (loại gạch làm bằng đất và được phơi khô) đứng trên rìa một vách đá, một số vẫn còn vết tích những họa tiết bằng sơn nguyên thủy từ nhiều thế kỷ trước. Gương mặt trên quách có vẻ oai nghi nhìn xuống như thể đang thống trị khắp thung lũng xanh tươi trong tầm mắt vô tri.
Karajia là một trong những địa điểm khảo cổ còn lưu giữ dấu vết về nền văn minh đã mất của Chachapoya. Cách thành phố Chachapoyas khoảng 60km, nơi này có 7 cỗ quan tài nằm trên vách đá dựng đứng, cách mặt đất hơn 2.000 m. Những quách mai táng người chết của bộ tộc Chachapoya (có tên gọi “Purunmachos”) ở đây được công bố trên thế giới vào năm 1984, sau quá trình phát hiện của nhà khảo cổ học Federico Kauffmann.
Cách thành phố Chachapoyas miền Tây Bắc đất nước Peru khoảng 30 dặm, dưới thung lũng Utcubamba có một vách đá lởm chởm kỳ bí. Trận động đất năm 1928 khiến những ngọn đồi núi rung chuyển mạnh, đất đá rơi xuống dòng sông kèm theo những vật có hình thù ấn tượng.
Đó là các bức tượng đất hình người cao khoảng 7 feet (khoảng 2,5m) với phần đầu có hàm rộng gần giống như tượng trên đảo Phục Sinh (Chile).
Một thời gian ngắn sau cơn động đất, các nhà khoa học đã tìm ra thêm 7 chiếc quách khác đã “ngủ quên” nhiều thế kỷ nơi đây.
Sáu chiếc quách với quai hàm rộng, gương mặt uy nghi đứng trên vách núi đá cao nhìn xuống thung lũng. Những chiếc quách purunmachu hiếm hoi còn sót lại này đã được người Chachapoya đặt cẩn thận tại một vị trí gần như không thể tiếp cận được giữa lưng chừng vách núi.
Các thí nghiệm phân tích carbon được áp dụng và kết quả cho thấy những quách cổ này có từ giai đoạn 1470 – thời điểm mà cư dân Chachapoya phải chịu sự đàn áp của người Inca. Không có tài liệu cụ thể nào giải thích lý do cụ thể hình thức sơn táng này. Người ta chỉ có thể phỏng đoán rằng họ muốn những người chết được an nghỉ và siêu thoát khi ở gần bầu trời.
Mỗi quách chứa một xác ướp. Theo các nhà nghiên cứu, xác ướp của những người quan trọng được chôn cất trong các cỗ quan tài này. Thi thể người đã khuất được đặt trong tư thế bào thai, sau đó bọc trong một cái kén bằng thân cây mía dại và buộc lại bằng dây thừng. Cấu trúc này tiếp tục được bao phủ bởi đất sét và rơm dày làm vật liệu kết dính. Nguyên nhân hay mục đích của vật trang trí rùng rợn này vẫn còn là điều bí ẩn. Những tác phẩm bằng đất sét này đã tồn tại trên 600 năm.
Việc mai táng người chết trong những chiếc quách hình người rồi đặt trên các vách đá đã được người Chachapoya tiến hành phổ biến trong hàng nhiều thế kỷ, xuyên suốt lịch sử tồn tại của họ. Được đặt cẩn thận tại vị trí gần như không thể tiếp cận giữa lưng chừng vách núi, những chiếc quách Purunmachos này đã may mắn thoát khỏi sự phá hủy của những người xâm lược.
Mỗi quách được sơn màu trắng và trang trí màu vàng, đỏ, giúp xác định một số chi tiết trên cơ thể. Một số chiếc có mũ gắn sừng, mô phỏng gạc hươu, trong khi những chiếc khác có khảm hộp sọ người, được cho là chiến tích đáng tự hào của “chiến binh mây”.
Trên bờ phía tây của sông Utcubamba nhiều chiếc quách với kích thước khác nhau đã được tìm thấy. Người dân thường không được tiếp cận những chiếc quách kỳ lạ này mà chỉ có các nhà khảo cổ học đang quản lý nghiên cứu mới được tiếp cận chúng.