Ngành đào tạo

Ngành kỹ thuật cơ điện tử là gì? – Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm

Ngành kỹ thuật cơ điện tử là ngành rất "hot" hiện nay, vì nhu cầu công nghệ của các công ty trong và ngoài nước nên một kỹ sư cơ điện tử có rất nhiều cơ hội việc làm, mức lương có thể đạt được rất cao. Hãy cùng với Isinhvien tìm hiểu về ngành học kỹ thuật cơ điện tử, chương trình đào tạo và cơ hội việc làm của ngành này thế nào nhé

Ngành Kỹ thuật cơ điện tử là gì?

  • Ngành đào tạo: KỸ THUẬT CƠ ĐIỆN TỬ (Mechatronics Engineering)
  • Trình độ đào tạo: Đại học
  • Thời gian đào tạo: 5 năm
  • Ngành Kỹ thuật cơ điện tử (một số trường đại học có tên là Công nghệ Kỹ thuật cơ điện tử) là sự kết hợp của kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật điện tử và kỹ thuật máy tính; nhằm mục đích phát triển tối đa tư duy hệ thống trong việc thiết kế và phát triển, tạo ra những sản phẩm mới có những tính năng vượt trội. Robot chính là một sản phẩm tiêu biểu của ngành Kỹ thuật cơ điện tử.
  • Ngành này cho ra đời những sản phẩm thông minh ứng dụng công nghệ cao, không những sử dụng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp mà còn phát triển mạnh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Giúp tăng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, giảm thiểu lao động thủ công, giảm giá thành sản phẩm và giảm ô nhiễm môi trường.
Kỹ sư cơ điện tử
Kỹ sư ngành kỹ thuật cơ điện tử

Mục tiêu đào tạo của ngành Kỹ thuật cơ điện tử

Mục tiêu chung: Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ điện tử có mục tiêu đào tạo các kỹ sư Cơ điện tử có trình độ chuyên môn cao, hướng tới chuẩn quốc tế, có kỹ năng thực hành giỏi, có phẩm chất đạo đức và đạo đức nghề nghiệp tốt để có khả năng tự nghiên cứu, tự đào tạo, hoàn thiện và phát triển, xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho cá nhân và gia đình, đồng thời đóng góp thật nhiều cho xã hội.


Mục tiêu cụ thể: Kỹ thuật cơ điện tử trang bị cho sinh viên kiến thức về hệ thống sản xuất tích hợp máy tính, hệ thống khí nén – thủy lực, hệ thống điều khiển nhúng, đo lường và điều khiển thông minh; cùng những kiến thức về cảm biến, Robot. Môn học tiêu biểu ngành Kỹ thuật cơ điện tử gồm: các hệ thống cơ điện tử, đo lường và dụng cụ đo, thiết kế hệ thống số, mạch giao diện máy tính, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, truyền động cơ khí, kỹ thuật vi điều khiển và ghép nối ngoại vi.

Những tố chất cần có để học ngành Kỹ thuật cơ điện tử

Để có thể học và phát triển đối với ngành Kỹ thuật cơ điện tử thì các bạn phải có những tố chất:

  • Đam mê nghề cơ điện tử và công nghệ;
  • Am hiểu các kiến thức về vật liệu cơ khí, các đặc tính cơ học, cấu trúc và nguyên lý máy để thiết kế cơ khí;
  • Kiến thức về công nghệ thông tin;
  • Kỹ năng phân tích, tổng hợp;
  • Kỹ năng nghiên cứu, đánh giá tốt.

Học ngành Kỹ thuật cơ điện tử ra trường làm nghề gì?

Ngành kỹ thuật cơ điện tử trong thời kỳ công nghệ phát triển như hiện nay thì kỹ sư có thể đảm nhiệm cả 2 nhiệm vụ cơ khí và điện tử thì vô cùng cần thiết, nên việc làm của các kỹ sư cơ điện tử có thể đảm nhiệm như:


  • Kỹ sư thiết kế, chuyên vận hành hệ thống phần cứng và phần mềm điều khiển máy móc, thiết bị tự động, hệ thống sản xuất tự động.
  • Chuyên viên tư vấn công nghệ, thiết kế kỹ thuật, lập trình điều khiển, thi công và chuyển giao các dây chuyền, hệ thống tự động, bán tự động tại các công ty, doanh nghiệp về cơ khí, điện và điện tử.
  • Giám đốc kỹ thuật, Trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp liên quan đến cơ khí, điện tử.
  • Quản lý sản xuất bảo trì, duy tu sản phẩm tại các doanh nghiệp nước ngoài.
  • Cán bộ kỹ thuật cơ điện, phòng điều khiển, phòng công nghệ tự động điều khiển các dây chuyền sản xuất tự động trong các nhà máy như: sản xuất xi măng, nhà máy sữa, sản xuất giấy, phân bón.
  • Cán bộ quản lý chuyên vận hành bảo trì các hệ thống điện tử công nghiệp, robot công nghiệp trong các dây chuyền sản xuất tự động như: Lắp ráp ô tô, robot hàn tự động, robot lắp ráp linh kiện điện tử.
  • Cán bộ kinh doanh tham mưu, tư vấn kỹ thuật cho các nhà cung cấp dịch vụ và phát triển sản phẩm lĩnh vực cơ điện tử trong và ngoài nước.
  • Cán bộ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các viện nghiên cứu và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực công nghệ cơ điện tử.

Chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật cơ điện tử

Môn học đại cương

  1. Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin
  2. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  3. Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
  4. Ngoại ngữ cơ bản
  5. Giáo dục thể chất
  6. Giáo dục quốc phòng – an ninh
  7. Đại số
  8. Giải tích 1
  9. Giải tích 2
  10. Vật lý 1
  11. Vật lý 2
  12. Hóa học đại cương
  13. Tin học đại cương

Môn học chuyên ngành

  1. Hình học họa hình: Biểu diễn phẳng các đối tượng hình học bằng các hình chiếu thẳng góc. Vấn đề liên thuộc: xác định một phần tử trên một đối tượng. Xác định thấy khuất. giao của các đối tượng. Biến đổi hình chiếu và các bài toán về lượng: độ lớn thật, khoảng cách, góc… Các bài toán về tập hợp và mặt tiếp xúc.
  2. Vẽ kỹ thuật: Biểu diễn phẳng các vật thể (chi tiết máy) trên bản vẽ kỹ thuật. Đọc hiểu bản vẽ phẳng: 2D sang 3D. Biểu diễn quy ước các mối ghép và truyền động. Đọc hiểu được bản vẽ lắp mô tả thiết bị, nguyên lý hoạt động, lắp ráp, kết cấu hình học của từng chi tiết. Giới thiệu kỹ thuật đồ họa trên máy tính, thiết kế bản vẽ chi tiết, bản vẽ lắp 2D, 3D bằng phần mềm AutoCAD.
  3. Cơ học kỹ thuật 1: Các quy luật về chuyển động cơ học và tương tác cơ học (lực tác dụng) giữa các vật rắn, quan hệ giữa chuyển động cơ học và lực tác dụng. Môn học này gồm ba phần: Tĩnh học vật rắn, động học vật rắn, động lực học vật rắn. Cơ học kỹ thuật I có nội dung gồm các phần tĩnh học và động học. Tĩnh học nghiên cứu hệ lực và tác dụng của hệ lực lên vật rắn và hệ vật rắn, các phép tính về hệ lực, điều kiện cân bằng của vật rắn dưới tác dụng của hệ lực. Động học nghiên cứu phương pháp biểu diễn các chuyển động cơ học về mặt hình học, xác định các đặc trưng động học của chuyển động cơ học, mối quan hệ giữa các đại lượng đó, ứng dụng các phần mềm giải các bài toán tĩnh học và động học.
  4. Cơ học kỹ thuật 2: Động lực học vật rắn và hệ vật rắn, các định luật tổng quát của động lực học, các nguyên lý cơ học, va chạm, chuyển động tương đối, ứng dụng các phần mềm giải các bài toán động lực học.
  5. Sức bền vật liệu: Sức bền và tính dẻo của vật liệu, cấu trúc, biến dạng, ứng suất, lực cắt, mô men uốn, xoắn, quan hệ giữa biến dạng và dịch chuyển với các lực cắt, mô men. Khảo sát các mô hình thanh chịu kéo; nén; uốn; xoắn; thanh chịu lực phức tạp.
  6. Mạch tuyến tính 1: Phân tích mạch một  chiều và mạch hình sin, bao gồm các phần tử điện trở,  điện cảm và mạch dẫn điện và các nguồn độc lập; biến thế lý tưởng. Định lý mạch Thevenin và Norton và chồng mạch. Pha, trở kháng, cộng hưởng và nguồn xoay chiều. Phân tích mạch xoay chiều 3 pha.
  7. Mạch tuyến tính 2: Kỹ thuật phân tích mạch cho mạng với nguồn độc lập và phụ thuộc. Topo của mạng. Nguồn gốc và tác động hưởng ứng của mạch RLC. Hệ thống tần số, cực và điểm không. Các mạch đôi từ tính và mạng hai cổng. Cơ sở đại số tuyến tính, mô tả mạch sử dụng PSPICE và giải tích sử dụng MATLAB.
  8. Điện tử 1: Điốt lý tưởng. Điốt Zene và điều chỉnh. Phôtô điốt và pin mặt trời. Tính chất thiên áp và một chiều của transito lưỡng  cực. JFETs và MOSFETS. Các mạch tương đương xoay chiều tín hiệu nhỏ. Các bộ khuyếch đại transito đơn trạng thái. Hưởng ứng tần số thấp. Khuyếch đại phản hồi rời rạc.
  9. Điện tử 2: Mạch Op Amp, máy phát dạng sóng, bộ tạo dao động hình sin, bộ khuyếch đại tần số cao, bộ lọc tích cực, bộ điều chỉnh nguồn cấp, bộ cấp nguồn điện tử, mạch IC tuyến tính nâng cao.
  10. Thiết kế cơ khí: Cấu trúc cơ cấu, cách phân tích và tổng hợp các cơ cấu và máy thông dụng. Tính toán thiết kế chi tiết máy, tải trọng, ứng suất, chỉ tiêu về khả năng làm việc, độ bền của các chi tiết máy. Tính toán, thiết kế các chi tiết máy, các bộ truyền động, các máy trong điều kiện tải tĩnh và tải động. Khái quát về lý thuyết hư hỏng, độ tin cậy, sử dụng các bảng mã và tiêu chuẩn, thực hành thiết kế hệ thống chuẩn.
  11. Kỹ thuật điều khiển tự động: Giới thiệu về hệ thống điều khiển tự động, phương pháp thiết lập mô hình vật lý, mô hình toán, sơ đồ khối và hàm truyền của hệ điều khiển tự động tuyến tính. Phương pháp nghiên cứu động lực học hệ thống và các phương pháp khảo sát đánh giá chất lượng của hệ điều khiển tự động. Điều khiển số và điều khiển phi tuyến. Thiết lập và giải các bài toán điều khiển của một số mô hình thường gặp trong công nghiệp.
  12. Các hệ thống cơ điện tử: Giới thiệu khái quát về các hệ thống cơ điện tử, cấu trúc cơ bản của một hệ thống cơ điện tử: kết cấu cơ khí, hệ thống dẫn động, hệ thống điều khiển, thiết bị nghe nhìn, cảm biến, đo đạc. Phương pháp phân tích và tổng hợp một hệ thống cơ điện tử.
  13. Đo lường và dụng cụ đo: Khảo sát tình trạng ổn định và các hiện tượng động học với việc sử dụng các thiết bị tại phòng thí nghiệm dụng cụ đo lường. Chuẩn hoá dụng cụ đo, đáp ứng động học của dụng cụ đo, xử lý các dữ liệu thống kê: Dung sai và đo lường kích thước, đo các đại lượng áp suất, tốc độ, dòng chảy, ứng suất. Giới thiệu sensor, cơ cấu chấp hành và điều khiển.
  14. Công nghệ chế tạo máy: Các khái niệm cơ bản, chất lượng bề mặt gia công, độ chính xác gia công, chuẩn, lượng dư gia công, tính công nghệ trong kết cấu, chọn phôi và các phương pháp chế tạo phôi, các phương pháp gia công cắt gọt, phương pháp thiết kế qui trình công nghệ cơ khí, qui trình công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình, qui trình công nghệ chế tạo bánh răng, công nghệ lắp ráp. Công nghệ CNC, các quy trình công nghệ gia công có trợ giúp của máy tính (CIM).
  15. Cấu trúc dữ liệu và giải thuật: Giới thiệu chu trình phát triển của phần mềm và các yếu tố cấu thành hệ thống máy tính.  Các phương pháp tổ chức, lưu trữ thông tin trên máy tính thông qua các cấu trúc dữ liệu, lưu trữ dữ liệu thích hợp cho từng bài toán, từng loại máy tính và ngôn ngữ lập trình đã chọn. Cách chia một chương trình lớn thành các phân đoạn và giải thích vai trò của giải thuật trong kỹ thuật lập trình, cách xây dựng các giải thuật cho các bài toán cơ bản.
  16. Kỹ thuật vi xử lý: Cấu trúc bộ vi xử lý, biểu diễn số, dữ liệu, các chỉ dẫn bên trong bộ xử lý. Lập trình ngôn ngữ Assembly sử dụng số học, logic, kiểm thử và chỉ dẫn ra vào.
  17. Thiết kế máy  : Về thiết kế sơ đồ kết cấu máy, cấu trúc truyền dẫn, kết cấu, tính toán động học và động lực học máy, điều khiển tự động các cơ cấu: ổ chứa dao, gá và tháo dụng cụ trên trục chính máy phay CNC, cơ cấu thay dao tự động trên máy CNC…
  18. Thiết kế hệ thống số: Mở rộng nghiên cứu mạch số đối với thiết bị LSI và VLSI. Sử dụng mô phỏng trên máy tính trong phân tích hệ thống và kiểm định thiết kế. Bộ vi xử lý 8 bit và 16 bit, cấu trúc, tổ chức bus và giải mã địa chỉ, thiết kế các khái niệm cho bộ vi xử lý, gồm cả hệ thống tích hợp với bộ logic khả trình, mạch nối tiếp, quá trình ngắn mạch. Sử dụng mã để lưu trữ và truyền dữ liệu thông tin: tính chẵn lẻ, ASCII, xác định các sai số khác và hiệu chỉnh mã.
  19. Mạch giao diện máy tính: Việc sử dụng mô hình hóa trên máy tính để phân tích và thiết kế mạch; sử dụng công cụ CAD như PSPICE và Altera MAX+PLUS II. Bao gồm cả dạng sóng xung và số đối với họ mạch tích hợp (TTL, CMOS, ECL).  Nguồn cấp dùng cho cả hai hệ thống cỡ nhỏ và cỡ lớn, nguồn và các cấu trúc bus nối đất. Đường dẫn trình điều khiển  và bộ thu, chống kết đơn đối với các đường dẫn driver khác nhau. Phương pháp thiết kế thiết bị trạng thái tiên tiến và thủ tục thiết kế giao diện mạch và máy tính.
  20. Thực tập kỹ thuật: Sinh viên được đưa vào môi trường thực tế tại các cơ sở sản xuất, làm quen với sản xuất công nghiệp, cụ thể là trong lĩnh vực sản xuất cơ khí có các thiết bị và hệ thống cơ điện tử. Sinh viên có thể tiếp xúc, thử nghiệm, vận hành các máy và thiết bị cơ điện tử, rèn luyện kỹ năng thực hành. Trong thời gian thực tập tại cơ sở có thể trực tiếp tham gia vào quá trình  sản xuất một mặt hàng cụ thể.
  21. Thực tập tốt nghiệp: Sinh viên thu thập tài liệu kỹ thuật, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đồ án tốt nghiệp tại các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất. Chuẩn bị các số liệu, kiểm tra, thử nghiệm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc hoàn thành thiết kế đồ án tốt nghiệp.
  22. Đồ án tốt nghiệp: Sinh viên được giao đề tài tốt nghiệp với nội dung và mục tiêu cụ thể nhằm giải quyết khá trọn vẹn một vấn đề của khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành được đào tạo.  Sử dụng các kiến thức được trang bị để giải quyết các nội dung của đề tài tốt nghiệp theo mục tiêu đề ra. Sản phẩm của đồ án tốt nghiệp được thể hiện qua thuyết minh đồ án tốt nghiệp, các bản vẽ kỹ thuật, các chương trình, phần mềm.

Trên đây là những cái nhìn tổng quan nhất mà Isinhvien giới thiệu đến các bạn về ngành kỹ thuật cơ điện tử, hy vọng các bạn có thể định hướng con đường phía cho bản thân, để bước tiếp trên con đường sau này. Nhớ like và share để mọi người cùng biết đến ngành học này.


Để tìm hiểu thêm về các ngành nghề khác thì các bạn nhấn vào link Danh sách các ngành nghề hệ đại đuọc đào tạo ở việt nam hiện nay. Để tìm hiểu về các ngành nghề khác nhé!

Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close