Mary Ann Cotton – ‘độc phụ’ giết người hàng loạt đầu tiên ở nước Anh
Trong suốt một thập kỷ vào giữa thời đại Victoria, người phụ nữ có tên Mary Ann Cotton này đã ra tay đầu độc hàng loạt người chồng của mình để lấy tiền bảo hiểm cũng như bất kỳ ai dám cản đường cô - bao gồm cả 11 người con ruột.
Năm 1872, người phụ nữ góa chồng Mary Ann Cotton muốn kết hôn lần thứ năm. Những người chồng trước của cô hầu như đều chết trong hoàn cảnh bí ẩn và cô bắt buộc phải chăm sóc đứa con riêng bảy tuổi của chồng mình – Charles Edward Cotton. Giờ đây, đứa con nhỏ này chính là vật cản cô tái hôn với người khác. Cotton giận dữ nói: “Tôi sẽ không chịu đựng như thế này lâu nữa đâu.”
Một thời gian sau, đứa trẻ 7 tuổi Charles đã chết. Nghi ngờ vì sự trùng hợp này, cảnh sát London đã mở cuộc điều tra, khám nghiệm tử thi và đã phát hiện ra chất độc thạch tín trong dạ dày của cậu bé đáng thương.
Ngay sau đó, có một người quen tiết lộ rằng, Charles không phải là người đầu tiên chết khi sống cùng Cotton. Trong số năm người chồng của cô, thì có bốn người chết trong những hoàn cảnh đáng ngờ, trong đó có nhiều con riêng của Cotton. Điều này chứng tỏ, cảnh sát Anh đang gặp phải một kẻ chuyên giết người hàng loạt.
Mary Ann Cotton – Kẻ giết người hàng loạt đầu tiên của nước Anh
Sinh năm 1832 tại hạt Durham, Anh, Mary Ann Cotton làm y tá và thợ may quần áo trước khi kết hôn với William Mowbray vào năm 1852.
Nhưng vào năm 1856, gia đình trẻ đã phải trải qua nỗi đau quá lớn, khi bốn trong số năm người con của họ chết vì xuất huyết dạ dày. Người chồng Mowbray ngay sau đó đã mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ để dự phòng cho bản thân và đứa con còn lại trong trường hợp nếu anh qua đời sớm.
Sau đó, vào những năm 1860, sự lo lắng của Mowbray đã trở thành sự thật khi ông cũng qua đời vì xuất huyết dạ dày. Cotton nhận bảo hiểm, rồi bỏ đứa con còn lại cho mẹ mình nuôi và đi kết hôn với một người đàn ông tên là George Ward. Chưa đầy một năm sau, anh ta cũng qua đời và Cotton lại nhận được một khoản tiền bảo hiểm khác.
Nhưng Cotton không ở một mình lâu. Năm 1867, cô kết hôn lần thứ ba và tên anh ta là James Robinson. Cotton ép buộc người chồng này của mình phải mua một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ nhưng anh ta không đồng ý, đặc biệt là sau khi bốn người con của họ cũng lần lượt qua đời.
May mắn cho Robinson vì đã ly hôn với Cotton và trở về cuộc sống độc thân của mình. Nhưng tiếc thay, người chồng mà Cotton kết hôn lần thứ tư lại không được may mắn như vậy.
Khi nhận tiền bảo hiểm nhân thọ vì cái chết của người chồng thứ tư, cô ta đã mang thai đứa con của người chồng thứ năm. Nhưng cuối cùng, người này cũng chết trong hoàn cảnh đáng ngờ.
Tóm lại, Cotton đã giết khoảng 21 người, trong đó có 11 người con của mình. Bà ta đã làm điều đó bằng cách nào?
Làm thế nào góa phụ Cotton có thể thoát khỏi tội giết người?
Cotton tỏ ra rất khôn ngoan trong tội ác của mình. Cô ta đã sử dụng thạch tín – một chất khi vào cơ thể sẽ có các triệu chứng giống như bệnh xuất huyết dạ dày. Đặc biệt, trước những năm 1830, người nhiễm loại độc này phần lớn không thể phát hiện ra. Cho đến khi, nhà hóa học James Marsh cho ra đời một thí nghiệm nhằm phân biệt ra loại độc này trong cơ thể con người.
Ngoài ra, ngộ độc thạch tín là một chuyện thường xảy ra vào thời Victoria, nơi mọi người tiếp xúc với chất độc hàng ngày. Đồ chơi trẻ em, giấy dán tường và ngay cả toa tàu cũng chứa thạch tín.
Vào năm 1858, khi Cotton vẫn còn chung sống với người chồng đầu tiên của mình, 15 người đã chết vì vô tình ăn kẹo chứa thạch tín. Mà ngày nay, người ta gọi vụ thảm sát khi ấy là “Chất độc ngọt ngào ở Bradford”.
Không có gì lạ khi các vụ ngộ độc thạch tín xảy ra ngẫu nhiên trong đời sống nhưng với 20 người chết một cách đáng ngờ trong ngôi nhà của Cotton thì dường như không thể giải thích là một vụ tai nạn nữa.
Việc xét xử và xử tử ‘độc phụ’ giết người hàng loạt – Mary Ann Cotton
“Một sự nghi ngờ đáng sợ” là tiêu đề nóng của tờ Biên niên sử Bắc Wales xuất hiện vào năm 1872. “Mary Ann Cotton – một góa phụ đang bị giam giữ tại West Auckland, bị buộc tội đầu độc đứa con riêng 7 tuổi của chồng. Người phụ nữ trẻ Cotton này đã có ba người chồng, 15 người con và họ cũng đã chết một cách bất thường khi sống cùng cô”.
Phiên tòa xét xử Cotton bắt đầu vào năm 1873 sau khi cô sinh đứa con cuối cùng trong tù. Trong quá trình xét xử, bên công tố đưa ra bằng chứng cho thấy đứa trẻ 7 tuổi, Charles Cotton chết vì xuất huyết dạ dày do uống trà nhiễm độc thạch tín của mẹ kế.
Luật sư bào chữa của Cotton lại cho rằng, đứa trẻ đã chết vì thạch tín có trong đồ chơi mà bé hay chơi hằng ngày. Nhưng điều kỳ lạ là hai mươi người khác cũng đã chết như thế?
Cuối cùng, cảnh sát đã phải khai quật thi thể người chồng cuối cùng của Cotton để phá án. Sau đó, một bài báo đã đưa tin: “Cảnh sát đã tìm thấy những triệu chứng không thể nhầm lẫn của chất độc thạch tín trong thi thể các nạn nhân”.
Các bồi thẩm đoàn đã dành một giờ để họp bàn trước khi đưa ra kết luận Cotton có tội. Vào ngày 24 tháng 3 năm 1873, Mary Ann Cotton, kẻ giết người hàng loạt được phát hiện đầu tiên ở Anh đã bị treo cổ vì tội ác dã man của mình.
Một nhà báo mô tả đã hiện trường vụ treo cổ như sau: “Bà Cotton với khuôn mặt cau có dữ dội và tỏ thái độ không sợ hãi, thậm chí là thách thức đám đông. Bà ta liên tục lẩm bẩm trong miệng với những từ ngữ khó hiểu và cuối cùng là sự yên lặng đáng sợ… người phụ nữ độc ác này đã về với cõi vĩnh hằng.”
Vào năm 1998, một cựu nhân viên FBI tuyên bố “Trên thế giới không có nữ sát nhân hàng loạt.”
Và anh ấy đã hoàn toàn sai lầm khi Mary Ann Cotton xuất hiện. Không chỉ thế, bà ta cũng không phải là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử hiện đại giết người hàng loạt mà còn có những cái tên nổi tiếng khác như Elizabeth Bathory và Amelia Dyer .
Ngày nay, các nhà tâm lý học chỉ ra rằng những nữ sát nhân giết người hàng loạt thường có mục tiêu và động cơ khác với với những gã đàn ông có cùng tội ác.
Ví dụ tiêu biểu như Mary Ann Cotton, bà ta chỉ nhằm vào những người trong gia đình với mục đích là vì tiền và cách thức giết người thường là đầu độc.
Mary Ann Cotton chỉ bị kết án chính thức vì cái chết của con riêng của chồng – Charles. Tuy nhiên, tổng số nạn nhân của bà ta có thể lên tới 21 người.
Mặc dù danh tiếng của Cotton không sánh bằng “Jack đồ tể” – kẻ sát nhân tàn bạo chấn động một thập kỷ sau nhưng số người chết dưới tay “ả độc phụ” này chắc chắn nhiều hơn. Vì thế, Mary Ann Cotton đã trở thành một trong những kẻ sát nhất kinh hoàng nhất trong lịch sử nước Anh.