Tìm hiểu ngành Ngôn ngữ Anh – Học gì? Cơ hội việc làm khi ra trường
Ngành ngôn ngữ Anh là gì? Ra trường dễ xin việc không? Review ngành Ngôn ngữ Anh?...là những câu hỏi được nhiều bạn học sinh và bậc phụ huynh quan tâm. Trong bài viết dưới đây, Isinhvien sẽ tổng hợp tất cả các kiến thức cơ bản để mọi người có cái nhìn tổng quan hơn về ngành học hấp dẫn này nhé!
Ngành Ngôn ngữ Anh là gì?
- Tên tiếng anh: English Studies
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thuộc khối ngành: Ngoại ngữ
- Thời gian đào tạo: 4 năm
- Mã ngành: 7220201
Ngành ngôn ngữ Anh là một ngành học chuyên nghiên cứu, sử dụng tiếng Anh để sinh viên có thể làm chủ và giao tiếp tiếng Anh thành thạo. Ngành ngôn ngữ Anh mang đến nhiều cơ hội cho các bạn trẻ mong muốn làm việc tại môi trường kinh tế hội nhập với các doanh nghiệp nước ngoài.
Mục tiêu đào tạo của ngành Ngôn ngữ Anh
Mục tiêu chung
Đào tạo cử nhân ngành ngôn ngữ Anh có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, phẩm chất chính trị, đạo đức, tác phong nghề nghiệp và sức khoẻ tốt để có thể làm việc có hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn có sử dụng tiếng Anh, đáp ứng được yêu cầu của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.
Mục tiêu cụ thể
- Cung cấp cho sinh viên kiến thức tương đối rộng về ngôn ngữ Anh, văn hoá, xã hội và văn học Anh-Mỹ;
- Rèn luyện và phát triển các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh ở mức độ tương đối thành thạo trong các tình huống giao tiếp xã hội và chuyên môn thông thường;
- Bảo đảm cho sinh viên đạt được trình độ nghiệp vụ đủ để hoạt động và công tác có hiệu quả trong các lĩnh vực chuyên môn như giảng dạy, công tác biên – phiên dịch, các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, kinh doanh, kinh tế và xã hội v.v.;
- Trang bị cho sinh viên kỹ năng học tập hiệu quả để có thể tự học tập nhằm tiếp tục nâng cao kiến thức và năng lực thực hành tiếng, bước đầu hình thành tư duy và năng lực nghiên cứu khoa học về các vấn đề ngôn ngữ, văn học hoặc văn hoá-văn minh của các nước Cộng đồng Anh ngữ.
Cơ hội việc làm ngành Ngôn ngữ Anh
Sau khi tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, bạn còn có cơ hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sư phạm ngoại ngữ, biên – phiên dịch, marketing, kinh tế đối ngoại, ngân hàng, du lịch…
Vậy học ngành ngôn ngữ Anh ra trường làm gì? Nếu tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh với kỹ năng ngoại ngữ tốt, bạn có thể dễ dàng xin được những công việc sau đây:
- Biên dịch viên tại các công ty liên doanh, doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan ngoại giao, tổ chức kinh tế, cơ quan truyền thông…
- Chuyên viên truyền thông trong các công ty nước ngoài như: Tổ chức sự kiện, nhân viên PR, trợ lý hay thư ký cho lãnh đạo người nước ngoài.
- Hướng dẫn viên tại các công ty về du lịch hay nhà hàng, khách sạn lớn 3 sao, 5 sao chuyên tiếp xúc và làm việc với người nước ngoài.
- Giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề chuyên nghiệp, hay cấp phổ thông trung học, trung tâm ngoại ngữ…
Những tố chất phù hợp với ngành Ngôn ngữ Anh
Để thành công trong các lĩnh vực liên quan đến ngành ngôn ngữ Anh, bạn cần có những tố chất và kỹ năng sau:
- Ngành ngôn ngữ Anh phù hợp với những cá nhân không thích các con số, tính toán tỉ mỉ mà yêu thích giao tiếp, làm việc nhóm với người nước ngoài.
- Những người đam mê ngoại ngữ, thích khám phá, tìm tòi sự mới mẻ về văn hóa nước bạn như Mỹ, Anh.
- Mong muốn làm việc trong môi trường hiện đại, toàn cầu hóa với những lãnh đạo cao cấp người nước ngoài.
- Đam mê làm giàu và muốn có thu nhập cao.
- Tự tin, năng động và có kỹ năng giao tiếp tốt.
Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh
Môn học đại cương
- Triết học Mác-Lênin
- Kinh tế chính trị Mác-Lênin
- Chủ nghĩa xã hội khoa học
- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Ngoại ngữ II**
- Tin học cơ sở
- Giáo dục Thể chất
- Giáo dục Quốc phòng
- Dẫn luận ngôn ngữ học
- Cơ sở văn hoá Việt Nam
- Tiếng Việt
- Ngôn ngữ học đối chiếu
- Phương pháp nghiên cứu khoa học
Môn học chuyên ngành
- Ngữ âm- Âm vị học
Sinh viên cần nắm được:
– Khái niệm cơ bản về ngữ âm và âm vị học;
– Những thuật ngữ cần thiết cho việc miêu tả âm thanh lời nói và hệ thống ký hiệu phiên âm tiếng Anh;
– Những đặc điểm cơ bản của phụ âm và nguyên âm tiếng Anh; các quy luật biến đổi của âm vị tiếng Anh;
– Những hiểu biết cơ bản về các yếu tố siêu đoạn tính để có thể tự hoàn thiện phát âm của bản thân, phát triển khả năng giao tiếp tiếng Anh và tạo tiền đề cho việc tự nghiên cứu một số vấn đề cụ thể trong lĩnh vực này.
– Có năng lực phát âm tốt và khả năng tự sửa âm cho bản thân để vận dụng trong công việc dạy học sau này.
2. Ngữ nghĩa học
Học phần cung cấp cho sinh viên những hiểu biết cơ bản về ngữ nghĩa học bao gồm kiến thức về nghĩa và các phương pháp nghiên cứu ngữ nghĩa học, để giúp họ có một kiến thức nhất định trong việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ. Phát triển năng lực nghiên cứu, bước đầu biết đánh giá phê phán một số lí thuyết ngữ nghĩa học. Sinh viên sẽ có cơ hội để phát triển một số thủ pháp nghiên cứu ngữ nghĩa học cụ thể.
Khi học học phần này, sinh viên cần nắm được:
– Khái niệm cơ bản về nghĩa, phương pháp phân tích thành tố nghĩa;
– Các cách nhìn truyền thống về ý nghĩa từ vựng và ý nghĩa ngữ pháp cũng như các kiến giải truyền thống về hiện tượng đa nghĩa, đồng nghĩa, đồng âm…;
– Các quan hệ ý (sense relations);
– Quan niệm về mệnh đề và cú pháp lô gíc;
– ý nghĩa của câu và của phát ngôn (bao gồm cả các cách nhìn nhận về hàm ngôn, tiền giả định..);
– Kỹ năng và phương pháp nghiên cứu đối với một số vấn đề cụ thể.
– Khả năng tư duy phê phán và bước đầu biết đánh giá các vấn đề của ngữ nghĩa học.
3. Ngữ pháp
Cung cấp cho sinh viên những hiểu biết cơ bản ở mức độ dẫn luận về ngữ pháp trong phạm vi từ pháp học và một số phương pháp nghiên cứu ngữ pháp tương ứng để giúp họ có một kiến thức nhất định trong việc giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ. Sinh viên sẽ được rèn luyện kĩ năng phân tích và đánh giá về một số vấn đề có liên quan.
Hoàn thành học phần này, sinh viên cần nắm được:
– Khái niệm cơ bản về Hình thái học và Cú pháp học;
– Những thuật ngữ cần thiết cho việc miêu tả cấu tạo từ loại và các cụm từ cơ bản trong tiếng Anh;
– Những đặc điểm cơ bản của Danh từ, Tính từ, Động từ và Trạng từ tiếng Anh, phương thức cấu tạo từ chủ yếu và thứ yếu;
– Biết phân biệt các khái niệm cụm từ đơn, cụm từ phức, cụm từ cơ sở.
– Khái niệm cơ bản về câu và cú, phân biệt được câu đơn câu ghép và câu phức;
– Những thuật ngữ cần thiết cho việc miêu tả cấu tạo câu đơn;
– Những khái niệm cơ bản về các thành tố của câu, quan hệ giữa các loại động từ và các kiểu câu/cú;
– Các loại kết hợp đẳng lập và chính phụ ở cấp độ ngữ và cú;
– Các loại cú: độc lập, chính phụ, biến vị và không biến vị;
– Những hiểu biết cơ bản chắc chắn để giúp sinh viên đi sâu nghiên cứu về các quan niệm có tính chất trường phái (sau này sẽ được học ở trình độ Thạc sỹ).
– Biết phân tích giải thích các hiện tượng ngữ pháp liên quan đến nội dung cú pháp và phát triển tư duy phê phán.
Chú thích: Học phần này có thể phát triển thêm khối lượng để thành 2 học phần Ngữ pháp 1, Ngữ pháp 2 tuỳ tình hình mỗi trường.
4. Văn học Anh – Mỹ
Truyền thụ kiến thức lịch sử văn học Anh – Mỹ nhằm giúp sinh viên cảm thụ và đánh giá được cái hay cái đẹp của văn học Anh- Mỹ, giá trị văn hoá xã hội của tác phẩm và bước đầu hiểu được việc sủ dụng ngôn ngữ văn học thông qua một số tác giả và tác phẩm được lựa chọn.
Kết thúc học phần, sinh viên có thể:
– Đọc và hiểu được ngôn ngữ tác phẩm nguyên bản;
– Biết phân tích và đánh giá một tác phẩm văn học, qua đó biết đánh giá một tác giả:
– Nắm được một cách hệ thống sự phát triển của văn học Anh- Mỹ;
– Hiểu được xã hội và thời đại của nước Anh phản ánh trong các tác phẩm.
Chú thích: Học phần này có thể phát triển thêm khối lượng để trở thành hai học phần Văn học Anh và Văn học Mỹ hoặc văn học của các nước sử dụng tiếng Anh khác, tuỳ tình hình mỗi trường.
5. Văn hoá Anh
Học phần nhằm tăng cường hiểu biết của sinh viên về đất nước và con người Anh, hệ thống giá trị, phong tục tập quán, xã hội, tôn giáo, hệ thống chính trị, kinh tế của Vương quốc Anh làm nền tảng để tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đó trong tiếp thu ngôn ngữ Anh, trong hoạt động giao tiếp liên văn hoá.
Kết thúc học phần sinh viên cần có:
- Kiến thức cơ bản về:
– Lịch sử, quá trình hình thành Vương quốc Anh hoặc một số nước trong khối Anh ngữ;
– Bản sắc dân tộc, giá trị văn hoá và các chính kiến của người Anh;
– Các phong tục tập quán, các ngày lễ hội chính;
– Hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục Anh;
- Kỹ năng đọc hiểu, phân tích, phê phán, nghiên cứu các vấn đề văn hoá-xã hội.
- Kỹ năng so sánh liên hệ với văn hoá và văn minh dân tộc thông qua các bài tập lớn hay tiểu luận.
6. Văn hoá Mỹ
Học phần nhằm tăng cường hiểu biết của sinh viên về đất nước và con người Mỹ, hệ thống giá trị, phong tục tập quán, xã hội, tôn giáo, hệ thống chính trị, kinh tế của Hợp chủng quốc Hoa kỳ, làm nền tảng để tìm hiểu và vận dụng những kiến thức đó trong tiếp thu ngôn ngữ, trong hoạt động giao tiếp liên văn hoá.
Kết thúc học phần sinh viên cần có:
- Kiến thức cơ bản về:
– Lịch sử, quá trình hình thành Hợp chủng quốc Hoa kỳ ;
– Hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục Mỹ;
– Bản sắc, hệ thống giá trị, tín niệm, văn hoá của con người Mỹ;
– Các phong tục tập quán, các ngày lễ hội chính;
- Kỹ năng đọc hiểu, phân tích, phê phán, nghiên cứu các vấn đề văn hoá-xã hội Mỹ.
- Kỹ năng so sánh, liên hệ với văn hoá và văn minh dân tộc thông qua các bài tập lớn hay tiểu luận.
7. Tiếng Anh 1
Học phần có thể được phân bố theo 4 kỹ năng như sau:
– Kỹ năng nghe
– Kỹ năng nói
– Kỹ năng đọc
– Kỹ năng viết
Mục tiêu cơ bản của học phần
Mục tiêu chung:
Sinh viên được nâng cao và biết sử dụng tiếng Anh có hiệu quả trong các tình huống giao tiếp và về một số chủ điểm thông thường. Đây là khối lượng tiếng Anh nằm trong khối lượng kiến thức chung cơ bản tiến tới mở rộng và nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành tiếng. Thông qua hoạt động học tập, sinh viên cần phát triển được các phẩm chất cần thiết như khả năng tự học, tự tìm hiểu kiến thức, biết chia sẻ với người khác.
Mục tiêu cụ thể:
– Củng cố kiến thức và kỹ năng thực hành tiếng cơ bản, nâng cao và mở rộng các kiến thức ngôn ngữ và các kỹ năng thực hành tiếng ở cấp độ trước trung cấp (Pre-intermediate Level).
– Sinh viên sẽ được trang bị vốn kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm và các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết theo một hệ thống chủ điểm gắn liền với hoạt động sinh hoạt thường nhật (xã hội, tự nhiên, văn hoá, kinh tế và môi trường, …)
– Hình thành và phát triển khả năng độc lập suy nghĩ và sáng tạo trong giao tiếp cũng như khả năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên trong khi học và sau khi tốt nghiệp.
– Trình độ kiến thức về tiếng Anh của sinh viên đạt được sau học phần Tiếng Anh 1 là cấp độ trước trung cấp. Sinh viên ở trình độ này có khả năng giao tiếp hiệu quả trong hầu hết tình huống thông thường với người bản ngữ và người nước ngoài nói tiếng Anh. Sinh viên có khả năng hiểu những thông báo ở nơi công cộng, hiểu nội dung các bài viết và sử dụng các cấu trúc để diễn đạt các khái niệm về không gian, thời gian…, hiểu được ý chính của bài đọc và thái độ của người viết. Sinh viên có khả năng viết để trao đổi thông tin, tường thuật các sự kiện, miêu tả người, vật, tả cảnh và diễn đạt, biểu lộ ý kiến, nhận định đối với các tình huống, sự việc, bày tỏ thái độ, tình cảm cá nhân… Sinh viên có khả năng vận dụng từ, ngữ và cấu trúc phù hợp và chính xác trong các tình huống giao tiếp thông thường. Sinh viên có khả năng nghe hiểu các thông điệp, thông báo công cộng, thông báo về các số liệu, sự kiện như thông tin về thời gian, ngày, tháng…, nghe và hiểu nội dung các cuộc hội thoại thông thường và hiểu được thái độ và ý định chính của người nói. Sinh viên có khả năng tự diễn đạt để thực hiện các chức năng ngôn ngữ ở các tình huống hội thoại như gọi điện thoại, thu xếp hẹn gặp, đặt mua hàng, đặt phòng khách sạn…, có khả năng đặt câu hỏi, hiểu và trả lời câu hỏi, có khả năng tham gia các tình huống hội thoại thông thường và diễn đạt cảm xúc của mình.
8. Tiếng Anh 2
Học phần có thể được phân bố theo 4 kỹ năng như sau:
– Kỹ năng nghe
– Kỹ năng nói
– Kỹ năng đọc
– Kỹ năng viết
Mục tiêu cơ bản của học phần
Mục tiêu chung:
Học phần Tiếng Anh 2 nhằm rèn luyện và củng cố các kỹ năng và kiến thức mà sinh viên đã đạt được ở học phần Tiếng Anh 1, đồng thời mở rộng và phát triển các kỹ năng và kiến thức ngôn ngữ đó, sao cho cuối học phần này sinh viên phải đạt được trình độ và năng lực ngôn ngữ ở trình độ Trên trung cấp (Upper-intermediate), sẵn sàng tiếp tục bước vào học tập ở giai đoạn nâng cao.
Mục tiêu cụ thể:
– Củng cố kiến thức và kỹ năng đã được học tập ở các học phần Tiếng Anh 1.
– Xây dựng và rèn luyện các kỹ năng học tập, đồng thời phát triển khả năng tự chủ trong quá trình học tập cho sinh viên.
– Trên cơ sở một hệ thống chủ điểm gắn liền với thực tế cuộc sống xã hội, kinh tế, văn hoá và khoa học, sinh viên sẽ được rèn luyện và phát triển các kiến thức về từ vựng ngữ pháp… và kỹ năng ngôn ngữ ở cấp độ trung cấp (Intermediate). Cụ thể là:
– Sinh viên có khả năng sử dụng các cấu trúc cơ bản của ngôn ngữ một cách tự tin, làm chủ được một khối lượng từ vựng thuộc nhiêù lãnh vực, vận dụng được các chiến lược giao tiếp phù hợp trong các tình huống giao tiếp khác nhau. Khả năng hiểu, phân tích ở cấp độ văn bản các thông tin chính và chi tiết, cấu trúc và bố cục của văn bản. Có khả năng lập văn bản thuộc các thể loại khác nhau, mô tả hoặc tường thuật được các sự kiện, sự việc, trình bày được quan điểm hoặc biện luận .
9. Tiếng Anh 3
Học phần có thể được phân bố theo 4 kỹ năng như sau:
– Kỹ năng nghe
– Kỹ năng nói
– Kỹ năng đọc
– Kỹ năng viết
Mục tiêu cơ bản của các học phần
Mục tiêu chung:
Học phần Tiếng Anh 3 nhằm nâng cao kiến thức mà sinh viên đã đạt được sau khi học xong các học phần Tiếng Anh 1 và 2 nhằm đạt cấp độ nâng cao (Advanced Level). Đây là lượng kiến thức tiếng Anh nằm trong khối lượng kiến thức chung mở rộng và nâng cao mà sinh viên cần phải nắm được để có đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp và tạo nền tảng cho việc phát triển nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, đáp ứng được yêu cầu của sinh viên và của xã hội.
Mục tiêu cụ thể:
– Củng cố kiến thức và kỹ năng thực hành tiếng cơ bản mà sinh viên đã được học ở các học phần Tiếng Anh 1 và 2.
– Nâng cao và mở rộng các kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng thực hành tiếng ở cấp độ nâng cao (Advanced Level). Sinh viên sẽ được trang bị vốn kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm và các kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết theo một hệ thống chủ điểm về xã hội, tự nhiên, văn hoá, kinh tế và môi trường ở cấp độ cao.
– Hình thành và phát triển khả năng độc lập suy nghĩ và sáng tạo trong giao tiếp cũng như khả năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên trong khi học và sau khi tốt nghiệp.
Vậy là trên đây, Isinhvien đã cung cấp đến bạn kiến thức tổng quan về ngành Ngôn ngữ Anh, bạn có thể xem thêm các ngành khác tại đây >> Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Chúc các bạn tìm được ngành học yêu thích! Nhớ like, comment hoặc share bài viết này đến các bạn khác nữa nhé!