Tổng quan ngành Kế toán – Học môn gì? Ra trường làm gì?
Ngành kế toán học gì? Ra trường làm gì? là câu hỏi được khá nhiều học sinh và phụ huynh quan tâm. Ở bài viết dưới đây, Isinhvien sẽ giúp bạn tìm hiểu tổng quan về ngành chưa bao giờ hết hot này, nhớ theo dõi nhé!
Ngành Kế toán là gì?
- Tên tiếng Anh: Accounting
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thuộc khối ngành: Kinh tế & Quản lý
- Thời gian đào tạo: 4 năm
Công việc của ngành Kế toán là ghi chép, thu nhận, xử lý và cung cấp các thông tin về tình hình hoạt động tài chính của một tổ chức, một doanh nghiệp, một cơ quan nhà nước, một cơ sở kinh doanh tư nhân… Đối tượng của Kế toán chính là sự hình thành, biến động của tài sản mà kế toán cần phản ánh, được thể hiện ở hai mặt là tài sản và nguồn vốn trong quá trình hoạt động của đơn vị.
Mục tiêu đào tạo của ngành Kế toán
Đào tạo cử nhân Kế toán có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; Nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế-xã hội, quản trị kinh doanh, qui trình công nghệ kế toán, kiểm toán, phân tích hoạt động kinh doanh; Có khả năng hoạch định chính sách kế toán, kiểm toán. Sinh viên tốt nghiệp làm việc ở các doanh nghiệp và các bộ phận chức năng kế toán kiểm toán tại các Bộ, Ngành và các cơ quan nhà nước khác.
Học ngành Kế toán ra trường làm gì?
Hiện nay, Kế toán là một bộ phận không thể thiếu trong bất cứ cơ quan, doanh nghiệp, hay một tổ chức nhà nước hay tư nhân nào. Do đó cơ hội nghề nghiệp ngành Kế toán vô cùng lớn và có triển vọng trong tương lai. Người học ngành Kế toán có rất nhiều lựa chọn và dễ dàng xin được việc làm tại các công ty, doanh nghiệp. Tốt nghiệp ra trường, các bạn có thể đảm nhận các vị trí như :
- Chuyên viên phụ trách kế toán, kiểm toán, giao dịch ngân hàng, thuế, kiểm soát viên, thủ quỹ, tư vấn tài chính;
- Nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên quản lý dự án, nhân viên phòng giao dịch và ngân quỹ;
- Kế toán trưởng, Trưởng phòng Kế toán, Quản lý tài chính;
- Thanh tra kinh tế, nghiên cứu tài chính;
- Giảng viên giảng dạy ngành kế toán;
- Với các công việc trên, sinh viên ngành Kế toán có thể khẳng định năng lực của mình tại:
- Các doanh nghiệp, các đơn vị hoạt động vì mục đích lợi nhuận như: công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, ngân hàng thương mại, công ty bảo hiểm;
- Các đơn vị công – các đơn vị hoạt động không vì lợi nhuận như: các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện;
- Các cơ quan quản lý nhà nước: bộ phận thuế, thống kê, kế hoạch đầu tư;
- Các trường Đại học, cao đẳng, trung tâm đào tạo kế toán;
Những tố chất phù hợp với ngành Kế toán
Để học tốt ngành Kế toán, bạn phải hội đủ những tố chất sau:
- Có khả năng tính toán tốt: đây là công việc gắn liền với những con số, sổ sách, chứng từ, hóa đơn nên nếu không có sự yêu thích, đam mê cũng như thành thạo sắp xếp, tính toán thì bạn không thể gắn bó lâu dài và dễ rơi vào tình trạng stress.
- Đề cao tính trung thực: một nhân viên kế toán chuyên nghiệp là người luôn đề cao tính khách quan, an toàn thông tin trong quá trình làm việc.
- Luôn cẩn thận và tỉ mỉ: do thường xuyên tiếp xúc, thao tác với vô số tài liệu liên quan đến tài chính, giấy tờ, vì vậy bạn phải cẩn thận trong việc giữ gìn tài liệu cũng như tính toán những con số để đảm bảo được tính chính xác, đầy đủ.
- Biết quản lý thời gian và chịu được áp lực công việc: Kế toán là một công việc đòi hỏi khả năng chịu áp lực công việc cao cho nên người làm công việc này phải là người có sức khỏe và tinh thần tốt. Song song đó, phải biết cách sắp xếp thời gian hợp lý để có thể hoàn thành công việc đúng tiến độ đề ra.
- Thông thạo tin học văn phòng và ngoại ngữ: để học tốt ngành kế toán, bạn phải thành thạo các phần mềm vi tính văn phòng, đặc biệt là Excel, Power Point và các phần mềm kế toán thông dụng. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đầu tư về ngoại ngữ. Đây là công cụ ngôn ngữ đắc lực để có thể giao tiếp với các đối tác, thành viên trong công ty là người nước ngoài hay đọc các tài liệu, viết báo cáo tài chính.
Ngành Kế toán học những môn gì?
Môn học đại cương
- Triết học Mác-Lênin
- Kinh tế chính trị Mác-Lênin
- Chủ nghĩa xã hội khoa học
- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Ngoại ngữ
- Toán cao cấp
- Lý thuyết xác suất và thống kê toán
- Pháp luật đại cương
- Tin học đại cương
- Giáo dục thể chất
- Giáo dục quốc phòng
Môn học chuyên ngành
- Kinh tế vi mô I: Giới thiệu các kiến thức cơ bản và cơ sở về hoạt động của nền kinh tế thị trường thông qua việc phân tích các quy luật kinh tế cơ bản như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. Học phần còn đề cập đến hành vi của các thành viên trong một nền kinh tế: người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Qua đó sinh viên sẽ được trang bị công cụ phân tích để hiểu và có thể áp dụng khi học các học phần tiếp theo.
2. Kinh tế vĩ mô I: Giới thiệu một số khái niệm cơ bản của kinh tế vĩ mô, bao gồm: Đo lường tổng sản lượng và mức giá của nền kinh tế; Mô tả hành vi của nền kinh tế trong dài hạn: các nhân tố qui định tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và lạm phát trong dài hạn; Giới thiệu những tư tưởng chính về tổng cung, tổng cầu và cân bằng kinh tế vĩ mô; Lạm phát và thất nghiệp trong ngắn hạn; Giới thiệu các vấn đề kinh tế vĩ mô của một nền kinh tế mở bao gồm cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái và các chính sách thương mại.
3. Tài chính – Tiền tệ: Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản như: Chức năng tài chính -tiền tệ và cấu trúc hệ thống tài chính trong nền kinh tế; Hoạt động của thị trường tài chính; Các tổ chức tài chính trung gian; Hoạt động khu vực tài chính nhà nước: ngân sách và chính sách tài khoá; Hoạt động khu vực tài chính doanh nghiệp: vốn, nguồn vốn, quản lý vốn; Hoạt động của hệ thống ngân hàng (Ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương) nhằm ổn định tiền tệ, cung ứng vốn, dịch vụ thanh toán cho nền kinh tế.
4. Nguyên lý thống kê kinh tế: Cung cấp một cách có hệ thống các phương pháp điều tra thống kê bao gồm việc thu thập thông tin ban đầu về các hiện tượng kinh tế-xã hội và việc xử lý các thông tin đã thu thập. Trang bị các phương pháp phân tích kinh tế-xã hội làm cơ sở cho dự đoán các mức độ của hiện tượng trong tương lai nhằm giúp cho việc ra quyết định ở tầm vi mô và vĩ mô.
5. Marketing căn bản: Học phần cung cấp những hiểu biết và kiến thức căn bản về những nguyên lý Marketing và sự vận dụng chúng vào thực tiễn doanh nghiệp như: hệ thống thông tin và nghiên cứu Marketing, Môi trường Marketing và thị trường các doanh nghiệp; Nhận dạng nhu cầu và hành vi khách hàng; Phương pháp luận nghiên cứu Marketing và nguyên lý ứng xử của doanh nghiệp với thị trường, gồm: các chiến lược thị trường, các chính sách Maketing căn bản và tổ chức quản trị Marketing của doanh nghiệp.
6. Luật kinh tế: Học phần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật và điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh, làm cơ sở cho việc nghiên cứu các luật chuyên ngành tài chính, ngân hàng, luật thương mại cũng như các chế độ pháp lý điều chỉnh cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản lý các loại hình doanh nghiệp.
7. Nguyên lý kế toán: Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về lý thuyết kế toán: Các khái niệm, bản chất, đối tượng, mục đích, chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của kế toán; Các phương pháp kế toán; Quá trình thu thập, ghi chép số liệu kế toán; Trình tự kế toán các quá trình kinh doanh chủ yếu; Các hình thức kế toán; Nội dung và các hình thức tổ chức công tác kế toán.
8. Kế toán tài chính I: Học phần cung cấp kiến thức chuyên ngành về kế toán tài chính doanh nghiệp: Các khái niệm và nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận; Nội dung tổ chức công tác kế toán các yếu tố của quá trình kinh doanh trong doanh nghiệp.
9. Kế toán quản trị: Học phần cung cấp những thông tin cơ bản về: Bản chất, chức năng, nội dung và các phương pháp của kế toán quản trị; Sự khác biệt và mối quan hệ giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị; Các kiến thức cơ bản về phân loại chi phí và giá thành trong kế toán quản trị. Trên cơ sở đó xây dựng các phương pháp tính giá, phương pháp lập dự toán, kiểm soát chi phí, phân tích chi phí trong mối quan hệ chi phí – khối lượng – lợi nhuận cũng như tạo lập và cung cấp thông tin thích hợp cho quá trình ra quyết định ngắn hạn và dài hạn của nhà quản trị.
10. Kiểm toán căn bản: Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về: Bản chất, chức năng, đối tượng và phương pháp của kiểm toán; Các hình thức kiểm toán và chủ thể kiểm toán; Các khái niệm cơ bản sử dụng trong kiểm toán; Quy trình và phương pháp kiểm toán; Tổ chức công tác kiểm toán và bộ máy kiểm toán.
Vậy là trên đây Isinhvien đã giúp bạn hình dung rõ hơn về ngành Kế toán rồi đấy, hy vọng sẽ giúp ích bạn trong quá trình chọn ngành học. Bạn có thể tham khảo thêm nhiều ngành khác tại đây >> Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Nhớ like, comment hoặc share bài viết này đến bạn bè của bạn nữa nhé!