Sao chổi là gì? Ý nghĩa thực sự của sao chổi
Sao chổi là gì? Từ thời xa xưa, sao chổi đã gắn liền với nhiều truyền thuyết sẽ mang lại vận rủi, điềm báo không tốt lành cho ai lỡ nhìn thấy chúng. Vậy, sự thật là gì? Cùng Isinhvien tìm hiểu tất tần tật về ngôi sao có tiếng đen đủi này nhé!
Thời La Mã, dân gian từng có câu sấm truyền rằng: “Đám lửa lớn từ trên trời đánh xuống trái đất” để miêu tả sự nguy hiểm của sao chổi. Vậy sao chổi là gì? Tại sao con người lại sợ hãi sao chổi đến thế?
Sao chổi là gì?
Một đêm không mưa, bạn đang ngồi ngoài sân thư giãn, bỗng một ngôi sao sáng chói, vút ngang trên bầu trời đen thẫm. Nó có hình dáng kỳ dị như đầu nhọn, đuôi to, trông như chiếc chổi quét nhà. Vì thế, mà chúng có cái tên không được mỹ miều, đầy tính dân gian là: Sao chổi.
Vậy sao chổi là gì?
Định nghĩa về sao chổi
Sao chổi là gì theo mắt nhìn của khoa học? Đây là một thiên thể bay bên ngoài không gian trái đất, gần như là tiểu hành tinh. Nó có cấu tạo chủ yếu từ băng chứ không phải đất đá như nhiều người lầm tưởng. Các nhà khoa học đã mô tả sao chổi giống như “một quả bóng tuyết bẩn” vì cho rằng nó toàn chứa metan, carbonic, nước đóng băng lẫn với bụi và các khoáng chất.
Nhưng những năm gần đây, các nhà khoa học lại phát hiện ra trong sao chổi còn có các nguyên tử ôxy, natri; các nhóm phân tử cacbonic, xyanogen (CN)2, amoniac (NH3), các hợp chất nitril, xyanua, v.v..; các ion C2+, N2+, CN2+, CO+,CO2+… Nhưng chúng ta không thể không coi sao chổi cũng là một loại thiên thể.
Có một học thuyết khác nữa đặt ra bác bỏ sao chổi là “sao”. Bởi người ta cho rằng sao chổi chỉ là 1 khối khí lạnh, chứa đầy bụi bẩn, mảnh vụn của vũ trụ. Vì thế, nhiều người cho rằng, nó còn được coi là “mẹ” của các vì sao băng rực sáng trên bầu trời. Bởi vì khi bị vỡ ra, sao chổi sẽ tạo thành từng đám sao băng và bụi vũ trụ rơi vào khoảng không. Tùy thời điểm và vị trí bị vỡ của sao chổi, người ta có thể quan sát được những đám sao băng từ trái đất.
Sau thời gian dài nghiên cứu với nhiều thiết bị tối tân, các nhà thiên văn học quyết định chia sao chổi thành 3 loại gồm: Ngắn hạn, dài hạn và sao chổi thoáng qua. Sao chổi ngắn hạn có chu kỳ quỹ đạo ít hơn 200 năm, sao chổi dài hạn có chu kỳ lớn hơn. Còn sao chổi thoáng qua có quỹ đạo parabol hoặc hypecbol, chúng bay qua mặt trời một lần và sẽ ra đi mãi mãi sau đó.
Cấu tạo của sao chổi
Theo nhiều nghiên cứu trong suốt lịch sử thiên văn học, đa số các sao chổi đều quay quanh mặt trời theo các quỹ đạo elip rất dẹt, được phân bố ngẫu nhiên bên ngoài không gian và được gọi là sao chổi chu kỳ. Cứ cách một thời gian nhất định chúng lại vận hành tới quỹ đạo tương đối gần mặt trời và trái đất nên chúng ta có thể dễ dàng nhìn thấy chúng.
Khi đi ngang qua mặt trời, phần băng ở đuôi của sao chổi bị sức nóng làm cho tan chảy và tạo thành chiếc đuôi dài mà mắt thường có thể nhìn thấy. Vì thế, càng gần mặt trời, đuôi sao chổi ngày càng ngắn đi do băng bị tan biến, thất thoát.
Vậy cấu tạo của sao chổi là gì? Nó bao gồm 3 phần như sau: Lõi chổi, sợi chổi và đuôi chổi. Lõi chổi được cấu tạo bằng những hạt tể rắn đậm đặc còn các sợi chổi chính là ánh sáng tỏa ra xung quanh. Hơn nữa, lõi chổi kết hợp với sợi chổi tạo ra phần đầu chổi. Đuôi chổi không phải có ngay từ lúc hình thành sao chổi, mà nó có được khi đi qua mặt trời, bởi những cơn gió mặt trời đã thổi bạt vào các phân tử của sao chổi và tạo thành chiếc đuôi rực sáng ở phía sau. Vì thế, kỳ diệu thay, có những chiếc đuôi của sao chổi kéo dài tới hàng triệu km.
Một sao chổi xung quanh đầu còn có lớp mây hydro đường kính tới gần 10 triệu km. Ở trái đất, chúng ta không nhìn thấy khối mây đó, mà phải dùng vệ tinh nhân tạo bay ra khỏi tầng khí quyển trái đất mới quan sát được.
Chu kỳ quay quanh mặt trời của mỗi sao chổi là khác nhau. Sao chổi Encke có chu kỳ ngắn nhất là 3,3 năm, tức là cứ cách 3,3 năm ta lại nhìn thấy nó một lần. Từ năm 1786, phát hiện ra sao chổi Encke đến nay, nó đã xuất hiện 50 lần. Có những sao chổi có chu kỳ quay dài hơn, mấy chục, thậm chí mấy trăm năm mới nhìn thấy chúng một lần. Có những sao chổi có chu kỳ quay dài tới mấy vạn năm, thậm chí lâu hơn nữa. Những sao chổi đó giống như “khách qua đường” xuất hiện một lần rồi không biết đến chân trời góc biển nào nữa. Sao chổi sáng rực Hyakutate, được nhìn thấy từ trái đất năm 1996, có chu kỳ ước khoảng 10.000 năm.
Nguồn gốc của sao chổi
Ở phần đầu, Isinhvien đã giải thích khái niệm sao chổi là gì rồi, vậy bạn có biết nguồn gốc của nó là từ đâu không? Cùng tìm hiểu ngay dưới đây nhé!
Được biết, mỗi năm ngoài vũ trụ, có hàng trăm sao chổi được tạo ra nhưng chỉ có những sao chổi lớn và có chu kỳ đặc biệt được chú ý, chẳng hạn như sao chổi Halley rất nổi tiếng với trái đất. Về sự tích đáng sợ của sao chổi Halley, Isinhvien sẽ nói rõ với các bạn ở phần ý nghĩa của sao chổi ngay dưới đây nhé!
Nguồn gốc của sao chổi đến nay vẫn là một bí ẩn của nhân loại nhưng theo quan điểm của Cơ quan hàng không châu Âu, sao chổi bắt nguồn từ đám mây Oort bên ngoài hệ mặt trời và là ranh giới giữa hệ mặt trời với các hệ hành tinh khác.
Sao chổi chứa đựng các vật chất của thời kỳ khai sinh hệ mặt trời, do vậy chúng dễ nhiên trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khoa học để trả lời câu hỏi quan trọng về quá trình tiến hóa của hệ mặt trời cũng như các hệ hành tinh khác trong vũ trụ – nơi mà con người vẫn có quá ít cơ hội được đặt chân đến và tìm hiểu.
Từ nhiều năm trước, để nghiên cứu nguồn gốc và nhân của sao chổi, Mỹ đã chi rất nhiều tiền để phóng tàu vũ trụ Deep Impact vào sao chổi Temple 1 để nghiên cứu trong thời gian dài. Các nhà khoa học ở Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hy vọng sẽ có được những thông tin về hệ mặt trời của chúng ta với cấu tạo hóa học đầu tiên của sự sống trên các hành tinh khác ngoài dãy ngân hàng rộng lớn kia.
Điều thú vị là, khi nhìn bằng mắt thường, sao chổi cũng có vẻ nhỏ bé khi bay ngang bầu trời nhưng nó lại có thể tích vô cùng to lớn mà không một hành tinh nào trong hệ mặt trời có thể so sánh được.
Sao chổi và sao băng khác nhau thế nào?
Nhiều người lầm tưởng sao chổi và sao băng có cấu tạo giống nhau nhưng thật ra không phải. Sao chổi là thiên thể có kích thước lớn, tương đương với các loại vệ tinh hoặc tiểu hành tinh. Sao chổi chuyển động xung quanh Mặt Trời. Khi tới gần Mặt Trời thì sự xuất hiện đuôi sáng do sự bốc hơi của các khí đóng băng trên bề mặt của nó.
Còn sao băng chỉ là vệt sáng nhỏ xuất hiện khi 1 thiên thạch lao vào khí quyển của Trái Đất và cháy sáng. Ngoài ra, sao Băng cũng có thể có nguồn gốc từ sao chổi. Bởi có nhiều mảnh vụn của sao chổi có thể bị vỡ ra và nằm trên quỹ đạo Trái Đất và điều quan trọng hơn là sao chổi không bao giờ lao nhanh qua.
Để thấy sao chổi dịch chuyển, con người có thể mất nhiều phút, nhiều giờ và thậm chí là vài ngày. Còn sao Băng chỉ đơn giản là 1 vệt sáng, đi rất nhanh và tắt cũng rất nhanh, đến đóng mắt ước còn không kịp cơ mà.
Ý nghĩa của sao chổi
Đứng trước một ngôi sao chổi có vẻ vô hại như vậy nhưng tại sao lịch sử con người lại luôn kiêng dè nó? Ý nghĩa thực sự của sao chổi là gì? Có thể phân tích theo 2 khía cạnh như sau:
Sao chổi trong quan niệm của con người
Không biết là trùng hợp hay ngẫu nhiên hoặc một thế lực tâm linh thần bí nào đó chi phối mà từ khi con biết đến sự tồn tại của sao chổi thì sự xuất hiện của nó thường gắn liền với những thảm họa, dịch bệnh,… nghiêm trọng. Chính vì lý do ấy mà người xưa cho rằng, sao chổi là điềm báo không tốt lành, bất hạnh, xui xẻo, khó khăn sắp ập đến.
Trong một sử thi cổ xưa nhất mà con người biết đến – Sử thi Gilgamesh (vị vua xứ Babylon năm 2.600 TCN), sao chổi đã được mô tả là một thứ khiến bầu trời rực cháy, làm không khí xuất hiện đầy lưu huỳnh và gây ra những trận lũ lụt, thiên tai cho con người.
Cuối thời Trung cổ, giáo sĩ Moses Ben Nachman – nhà hiền triết nổi tiếng người Do Thái, sinh sống tại Tây Ban Nha, từng mô tả sao chổi theo kiểu huyền bí là “Chúa trời lấy hai ngôi sao trên trời và ném chúng về phía địa cầu để tạo ra những trận lũ lụt nhấn chìm đất đai và con người”.
Trong lịch sử một số quốc gia phương Tây, thậm chí là phương Đông thì sao chổi được cho là một điềm báo xui xẻo của bậc “Đế Vương”. Theo tương truyền, khi sao chổi xuất hiện sẽ là lúc Vua của đất nước đó sẽ bị ám sát. Chính vì vậy mà Hoàng đế La Mã Nero đã cho hạ sát tất cả những người kế vị mình sau khi nhìn thấy một ngôi sao chổi bay ngang qua bầu trời.
Truyền thuyết Yakut của người Mông Cổ gọi những sao chổi là “yêu nữ” để kêu gọi mọi người cảnh giác trước bão lụt và những trận tàn phá khi sắp có sao chổi. Sao chổi cũng bị kết tội đã ảnh hưởng lên dòng Lịch sử. Người La Mã đã quan sát thấy một sao chổi “đuôi dài” vào ngày Cesar đại đế bị ám sát, năm 44 TCN.
Một trong những ngôi sao chổi nổi tiếng nhất lịch sử thế giới là điềm báo gieo rắc sự bất hạnh, xui xẻo cho toàn nhân loại chính là sao chổi Halley. Theo đó, khi ngôi sao chổi này xuất hiện đã bị quy tội là kẻ gây ra “cái chết đen” cho hàng nghìn người Châu Âu vào thế kỷ XIV (năm 1347 – 1350 ở Anh) – một trong những thảm kịch tự nhiên tệ hại nhất nhân loại. Thậm chí, giáo hoàng Calixte II đã ghê sợ “quả cầu băng” này đến mức làm phép tẩy trừ nó và cho rằng sao chổi là công cụ của quỷ dữ.
Một điều thú vị là Halley – ngôi sao chổi đầu tiên được phát hiện sẽ quay trở lại trái đất trong năm 2061 của thế kỷ 21. Đây là một thông tin rất hấp dẫn cho những ai trót đam mê ngôi sao chổi kỳ lạ, đầy đáng sợ này.
Tuy nhiên, bên cạnh một số quan điểm ở phía trên cho rằng sao chổi mang đến điềm báo chẳng lành thì Vua William I của Anh lại xem hiện tượng thiên văn này như một điềm may mắn của đời mình. Ông cho rằng, chính ngôi sao chổi Halley đã giúp mình giành được may mắn trong trận Hastings vào năm 1066.
Đến thời kỳ Phục Hưng, sao chổi vẫn là niềm đam mê lẫn nỗi sợ hãi. Năm 1571, nhà bác học và đồng thời là nhà phẫu thuật Pháp Ambroise Paré mô tả là đã trông thấy trong đuôi của sao chổi “những gươm giáo, máu me và quái vật”.
Sao chổi theo con mắt khoa học
Ngay từ thế kỷ 18, Isaac Newton đã cho rằng sao chổi là vật thể đang giúp ích cho sự tồn tại của trái đất, nó cung cấp độ ẩm cho trái đất – điều kiện để duy trì sự sống của muôn loài. Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về hiện tượng vũ trụ hấp dẫn và đầy bí ẩn còn chưa được khám phá.
Với cuộc cách mạng trong thiên văn học do Nicolas Copernic (1473-1543) khởi xướng với khẳng định trái đất xoay quanh mặt trời, các sao chổi mới mất dần đi định kiến là thông điệp của điềm gở để trở thành một thành phần của vũ trụ chịu sự chi phối của luật vạn vật hấp dẫn.
Từ khi khoa học ngày càng phát triển mạnh mẽ, sao chổi được chứng minh là hoàn toàn vô can với các thảm họa đã từng xảy ra với nhân loại. Tuy nhiên, Trái Đất của chúng ta vẫn đang phải đối mặt với những rủi ro hữu hình khác bởi những tác động của hiện tượng thiên văn này gây ra. Cụ thể là vào năm 1994, sao chổi Shoemaker-Levy 9 đã va vào sao mộc, thu hút sự quan tâm của các nhà thiên văn và báo chí trên khắp thế giới. Nhiều khả năng, sự việc đáng lo lắng này cũng sẽ xảy ra với hành tinh của chúng ta vào một ngày nào đó trong tương lai vì quỹ đạo di chuyển của sao chổi là hoàn toàn ngẫu nhiên.
Sau khi nghiên cứu , phân tích những mảnh vụn của sao chổi, nhiều nhà khoa học đã xác định thành phần hóa học trong sao chổi hoàn toàn giống với các thành phần tạo nên sự sống trên Trái Đất từ hàng triệu năm trước gồm: Nước, đất, đá, khí carbon,… Một số quan điểm cho rằng sao chổi đã đâm vào Trái Đất, góp phần tạo nên sự sống trên hành tinh xanh này. Rất có thể, sao chổi cũng chính là nguyên nhân khiến loài khủng long – bá chủ địa cầu thời ấy tuyệt chủng, thay đổi khí hậu Trái Đất, sản sinh sự sống mới là con người.
Những tác hại mà sao chổi gây nên
Dù các vụ nổ sao chổi không có khả năng gây ảnh hưởng tức thời, quá lớn đối với Trái Đất của chúng ta. Tuy nhiên, việc tích lũy dần các hạt bụi vũ trụ có kích thước lớn trên quy mô toàn cầu có thể tác động tới khí hậu Trái Đất trong tương lai gần.
Theo các nhà nghiên cứu thuộc trạm Davis – Australia tại Nam Cực cho rằng: “Bụi của sao chổi có tác động lớn đối với khí hậu trên Trái Đất“. Các nhà nghiên cứu đã phân tích những hạt bụi còn sót lại sau khi 1 sao chổi nổ tung. Những hạt bụi này có kích thước lớn hơn khoảng 1000 lần, so với tính toán của nhà khoa học.
Bề mặt nhiệt độ trên Trái Đất sẽ bị giảm nếu những tác động này diễn ra dưới hình thức bụi vũ trụ làm giảm khả năng hấp thụ lượng ánh sáng Mặt Trời. Ngược lại, nếu bụi vũ trụ làm tăng khả năng hấp thụ ánh sáng Mặt Trời thì nhiệt độ bề mặt Trái Đất sẽ tăng lên.
Hơn thế, bụi vũ trụ còn có khả năng tác động đến việc hình thành đám mây. Làm mỏng tầng ozone và thay đổi thành phần hóa học trong không khí. Theo chuyên gia, ước tính mỗi ngày có khoảng 40 tấn bụi vũ trụ rơi xuống Trái Đất.
Isinhvien hy vọng với những thông tin được chia sẻ ở trên sẽ khiến bạn có cái nhìn toàn diện hơn về sao chổi là gì? Ý nghĩa của sao chổi đối với nhân loại và khoa học. Nếu bạn là người yêu thích khám phá thế giới, nhớ thường xuyên theo dõi chuyên mục này ở trang chúng mình nhé!