Chi tiết ngành Tài chính Ngân hàng – Học gì? Ra trường dễ xin việc không?
Ngành Tài chính ngân hàng học gì? Ra trường làm gì? Isinhvien sẽ giúp bạn giải đáp tất tần tật những câu hỏi này trong bài viết dưới đây để bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ngành học đầy tiềm năng này, cùng theo dõi nhé!
Ngành Tài chính – Ngân hàng là gì?
- Tên tiếng Anh: Finance and Banking
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thuộc khối ngành: Kinh tế & Quản lý
- Thời gian đào tạo: 4 năm
- Mã ngành tài chính ngân hàng: 7340201
Ngành Tài chính – Ngân hàng là một ngành khá rộng, bao quát toàn bộ các hoạt động liên quan đến giao dịch tiền tệ và kinh doanh thông qua ngân hàng. Cụ thể đó là tập trung các lĩnh vực liên quan đến tài chính như: Tài chính thuế, tài chính doanh nghiệp và tất cả các vấn đề cần đến công cụ tài chính để thanh toán các cước phí trong nước và quốc tế.
Mục tiêu đào tạo của ngành Tài chính – Ngân hàng
Đào tạo cử nhân Tài chính- Ngân hàng có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế- xã hội, quản trị kinh doanh và tài chính- ngân hàng; Có năng lực nghiên cứu, hoạch định chính sách và giải quyết vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực tài Tài chính- Ngân hàng. Sinh viên tốt nghiệp làm việc ở các cơ quan ngân hàng tài chính trung ương, đại phương hoặc doanh nghiệp.
Học ngành Tài chính – Ngân hàng ra làm gì?
Học ngành Tài chính – ngân hàng, bạn được trang bị những kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực Tài chính – ngân hàng, vì vậy, sau khi ra trường, bạn có nhiều cơ hội việc làm và dễ dàng xin việc tại nhiều vị trí của các đơn vị khác nhau. Cụ thể, các bạn có thể đảm nhiệm những công việc sau đây:
- Làm việc tại Ngân hàng hay Bộ Tài chính: Nhiệm vụ chủ yếu đó là giúp định hướng các chiến lược và các chính sách về tiền tệ cũng như chính sách tài khoá cho Chính Phủ.
- Chuyên viên quản lý tiền tệ cho công ty, doanh nghiệp và tài trợ thương mại, chuyên viên chuyên về tín dụng, chuyên viên thẩm định và quản lí rủi ro tín dụng
- Chuyên viên khách hàng: giúp giải quyết những thắc mắc của khách hàng liên quan đến Tài chính – ngân hàng, tư vấn hoạch định các chính sách của ngân hàng cho khách hàng nắm rõ và thực hiện.
- Chuyên viên tiếp nhận, hồ sơ tư vấn cho khách hàng tại ngân hàng lớn như VietinBank,VietcomBank, chuyên viên tại ngân hàng Đông Á,…
- Ngoài ra, nếu bạn có năng lực thì cử nhân Tài chính – ngân hàng có thể xin được tại các cơ quan với vai trò : Cán bộ thuế, làm chứng khoán, bảo hiểm.
Những tố chất phù hợp với ngành Tài chính – Ngân hàng
Ngành Tài chính – ngân hàng cần có nhất đó là sự đam mê với nghề, biết sáng tạo và năng động. Đặc biệt là cần có kỹ năng giao tiếp tốt, tư vấn thuyết phục được khách hàng và khiến khách hàng tin tưởng. Bên cạnh đó, để thành công trong ngành này, bạn cần có những tố chất sau:
- Khả năng tính toán nhanh chóng, có tư duy logic và tỉ mỉ trong công việc.
- Trung thực: Ở bất cứ đâu hay công việc nào bạn cũng cần tính trung thực cao trong công việc, và ngành ngân hàng lại càng đòi hỏi cao hơn hết.
- Thận trọng và chính xác tuyệt đối trong công việc. Vì chỉ một sai sót nhỏ về con số sẽ đẩy bạn vào những rắc rối.
- Dùng máy tính thành thạo: giúp nhanh chóng xử lý tốt yêu cầu của khách hàng.
- Có năng lực,biết tiến, biết lùi thỏa đáng trong quá trình giao dịch với khách hàng. Biết đàm phán và nhanh nhạy trong việc đoán ý đối tác.
- Có sức khỏe tốt, chịu đựng được áp lực cao và làm việc trong một môi trường đòi hỏi sự lịch sự, chuyên nghiệp.
- Ngoại ngữ: Làm việc trong ngành này, bạn sẽ luôn phải đối mặt với những thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành và thường xuyên tiếp xúc với người nước ngoài. Do đó, việc trau dồi cho bản thân vốn từ tiếng Anh là rất cần thiết.
Ngành Tài chính – Ngân hàng học những môn gì?
Môn học đại cương
- Triết học Mác-Lênin
- Kinh tế chính trị Mác-Lênin
- Chủ nghĩa xã hội khoa học
- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Ngoại ngữ
- Toán cao cấp
- Lý thuyết xác suất và thống kê toán
- Pháp luật đại cương
- Tin học đại cương
- Giáo dục thể chất
- Giáo dục quốc phòng
Môn học chuyên ngành
1. Kinh tế vi mô I: Giới thiệu các kiến thức cơ bản và cơ sở về hoạt động của nền kinh tế thị trường thông qua việc phân tích các quy luật kinh tế cơ bản như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. Học phần còn đề cập đến hành vi của các thành viên trong một nền kinh tế: người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Qua đó sinh viên sẽ được trang bị công cụ phân tích để hiểu và có thể áp dụng khi học các học phần tiếp theo.
2. Kinh tế vĩ mô I: Giới thiệu một số khái niệm cơ bản của kinh tế vi mô, bao gồm: Đo lường tổng sản lượng và mức giá của nền kinh tế. Mô tả hành vi của nền kinh tế trong dài hạn: Các nhân tố quy định tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và lạm phát trong dài hạn; Giới thiệu những tư tưởng chính về tổng cung, tổng cầu và cân bằng kinh tế vĩ mô; Lạm phát và thất nghiệp trong ngắn hạn; Giới thiệu các vấn đề kinh tế vĩ mô của một nền kinh tế mở bao gồm cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái và các chính sách thương mại.
3. Nguyên lý thống kê kinh tế: Cung cấp một cách có hệ thống các phương pháp điều tra thống kê bao gồm việc thu thập thông tin ban đầu về các hiện tượng kinh tế- xã hội và việc xử lý các thông tin đã thu thập. Trang bị các phương pháp phân tích kinh tế- xã hội làm cơ sở cho dự đoán các mức độ của hiện tượng trong tương lai nhằm giúp cho việc ra quyết định ở tầm vi mô và vĩ mô.
4. Nguyên lý kế toán: Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về lý thuyết kế toán: Các khái niệm, bản chất, đối tượng, mục đích, chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của kế toán; Các phương pháp kế toán; Quá trình thu thập, ghi chép số liệu kế toán, trình tự kế toán các quá trình kinh doanh chủ yếu; Các hình thức kế toán; Nội dung và các hình thức tổ chức công tác kế toán.
5. Luật kinh tế: Học phần trang bị những kiến thức cơ bản về pháp luật và điều chỉnh lĩnh vực kinh doanh, làm cơ sở cho việc nghiên cứu các luật chuyên ngành về tài chính, ngân hàng,thương mại cũng như các chế độ pháp lý điều chỉnh cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản lý các loại hình doanh nghiệp.
6. Kinh tế lượng: Học phần cung cấp các kỹ thuật ước lượng, hiệu chỉnh mô hình hồi quy một phương trình, cách phân tích tính đúng đắn về mặt kỹ thuật cũng như về kinh tế của mô hình. Học phần còn trang bị cho sinh viên cách thức vận dụng các công cụ phân tích định lượng vào một số vấn đề kinh tế, quản trị kinh doanh cơ bản trên cơ sở sử dụng phần mềm chuyên dùng và cơ sở dữ liệu của Việt Nam.
7. Nhập môn Tài chính – Tiền tệ: Đây là học phần lý luận cơ sở ngành giữ vị trí cầu nối giữa các học phần lý luận cơ bản và các học phần nghiệp vụ về tài chính. Học phần trình bày những vấn đề lý luận cơ bản về tài chính, tiền tệ,tín dụng và ngân hàng như: Tiền đề, bản chất, chức năng của tài chính; Hệ thống tài chính vai trò của các khâu trong hệ thống tài chính; Lý luận về thị trường tài chính; Công tác kiểm tra tài chính; Khái quát những nội dung chủ yếu của hoạt động tài chính trong các lĩnh vực như: Ngân sách Nhà nước, Bảo hiểm, Tín dụng, Tài chính doanh nghiệp, Tài chính quốc tế; Tiền tệ; Ngân hàng và các tổ chức tín dụng; Tiền tệ, thanh toán và tín dụng quốc tế.
8. Tài chính doanh nghiệp: Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về tài chính của doanh nghiệp với các nội dung chủ yếu là: Xác định nhu cầu vốn, tổ chức nguồn vốn và các hình thức huy động vốn của doanh nghiệp; Quản lý và sử dụng vốn; Chi phí; Doanh thu và lợi nhuận; Kế hoạch hoá tài chính doanh nghiệp.
9. Tài chính quốc tế: Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản và lý luận nghiệp vụ về hoạt động tài chính diễn ra trên bình diện quốc tế với các nội dung chủ yếu là: Tổng quan về tài chính quốc tế; Thị trường tài chính quốc tế; Các định chế về tài chính quốc tế; Tài chính công ty đa quốc gia; Các hoạt động thanh toán, tín dụng, đầu tư quốc tế; Chính sách điều hành tỷ giá hối đoái và xác lập cán cân thanh toán quốc tế; Liên minh thuế quan giữa các quốc gia.
Qua bài viết này, hẳn bạn đã có cái nhìn tổng quan hơn về ngành Tài chính – Ngân hàng rồi phải không nhỉ? Bạn có thể xem thông tin về các ngành khác tại đây >> Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Nếu thấy hữu ích thì nhớ cho Isinhvien một like, comment hoặc share bài này đến nhiều bạn hơn nữa nhé! Chúc bạn sẽ lựa chọn được ngành học yêu thích.