Ngành đào tạo

Ngành Ngôn ngữ Đức – Học gì? Cơ hội làm việc sau khi ra trường?

Nếu bạn đang quan tâm nhưng còn mơ hồ về ngành Ngôn ngữ Đức, Isinhvien sẽ giúp bạn giải đáp tất cả các câu hỏi liên quan về ngành học đang được khá nhiều bạn quan tâm này. Nhớ theo dõi bài viết bên dưới nhé!

Ngành Ngôn ngữ Đức là gì?

  • Tên tiếng anh: German
  • Trình độ đào tạo: Đại học
  • Thuộc khối ngành: Ngoại ngữ
  • Thời gian đào tạo: 4 năm
  • Mã ngành: 7220205

Ngành Ngôn ngữ Đức (Tiếng Đức) là ngành đào tạo những cử nhân ngôn ngữ Đức có kiến thức tương đối rộng về ngữ pháp từ vựng tiếng Đức, có thể sử dụng tiếng Đức một cách thành thạo trong giao tiếp và trong công việc; có kiến thức chuyên sâu về ngôn ngữ văn hóa các nước nói tiếng Đức và các kỹ năng cần thiết để công tác trong các lĩnh vực như biên phiên dịch, kinh tế và du lịch.

Tìm hiểu ngành Ngôn ngữ Đức
Bạn đã biết gì về ngành Ngôn ngữ Đức?

Mục tiêu đào tạo của ngành Ngôn ngữ Đức

Mục tiêu chung

Đào tạo cử nhân ngành ngôn ngữ Đức có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có sức khoẻ, có ý thức phục vụ nhân dân, có kiến thức và năng lực thực hành nghề nghiệp tương ứng với trình độ đào tạo, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.


Mục tiêu cụ thể

Ngành Ngôn ngữ Đức cung cấp cho sinh viên những kiến thức tương đối rộng về tiếng Đức, giúp sinh viên sử dụng tiếng Đức tương đối thông thạo (các kỹ năng giao tiếp: nghe, nói, đọc, viết), có trình độ nghiệp vụ vững vàng, bước đầu hình thành năng lực nghiên cứu khoa học (lý thuyết ngôn ngữ, lý thuyết dịch, văn hoá – văn học) và có những kiến thức nền cần thiết cho nghề nghiệp (văn hoá – văn minh của các nước nói tiếng Đức).

Cử nhân ngành ngôn ngữ Đức phải có khả năng vận dụng những kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ đã học vào những hoạt động biên dịch, phiên dịch, nghiên cứu ngôn ngữ, giảng dạy cũng như có khả năng hành nghề trong một số lĩnh vực dịch vụ  như hướng dẫn du lịch, bảo tàng…

Học ngành Ngôn ngữ Đức ra làm gì?

Sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Đức, các bạn có thể đảm nhận những công việc sau:


  • Phiên dịch viên: Biên dịch, phiên dịch viên có khả năng làm việc độc lập tại các cơ quan xuất bản có xuất bản phẩm là tiếng Đức, soạn thảo văn bản tiếng Đức, phiên dịch tiếng Đức sang tiếng Việt và ngược lại giúp đáp ứng được nhu cầu về giao tiếp quốc tế tại các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
  • Thư ký, trợ lý giám đốc: Làm nhân viên dự án, thư ký, nhân viên đối ngoại tại các công ty liên doanh. Trực tiếp tham gia đàm phán, kí kết hợp đồng kinh doanh, kinh tế, hay nhân viên điều phối dự án.
  • Hướng dẫn viên du lịch: Nếu có vốn bạn có thể mở công ty du lịch chuyên phục vụ du khách nước Đức hay có thể làm hướng dẫn viên tại các khu du lịch có nhiều du khách nước Đức. Bên cạnh đó, có thể tổ chức các tour du lịch đón tiếp du khách nước ngoài và khai thác, xây dựng các sản phẩm du lịch…
  • Nhân viên Marketing: Cập nhật những thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa của thị trường Đức để áp dụng với các chiến dịch marketing của công ty, doanh nghiệp một cách hiệu quả. Trực tiếp quản lý và viết bài lên website, blog, fanpage của công ty bằng tiếng Đức.
  • Làm việc tại nước Đức nếu như bạn muốn du lịch nước ngoài hay muốn định lâu dài cùng gia đình tại nước Đức.
  • Giáo viên dạy tiếng Đức: Giảng dạy tiếng Đức tại các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung tâm ngoại ngữ dạy tiếng Đức… hoặc làm nghiên cứu sinh tại các viện nghiên cứu ngôn ngữ Đức.

Những tố chất phù hợp với ngành Ngôn ngữ Đức

Để học tập và những công việc liên quan đến ngành ngôn ngữ Đức bạn cần có những tố chất sau:


  • Niềm đam mê với ngôn ngữ nước ngoài đặc biệt là tiếng Đức;
  • Mong muốn tìm hiểu về lịch sử văn hóa, con người nước Đức và những nước nói tiếng Đức;
  • Muốn một công việc có thu nhập tính bằng USD sau khi ra trường;
  • Có khả năng nhẫn nại, nghiêm túc trong công việc;
  • Người có tính tỉ mỉ, cần cù chịu khó;
  • Muốn giao tiếp thông thạo với người nước ngoài;
  • Muốn làm việc trong môi trường hiện đại, công nghiệp hóa, đồng nghiệp người nước ngoài;
  • Muốn đi du lịch nhiều nơi trên thế giới và nói được nhiều ngôn ngữ nước ngoài.
Những tố chất phù hợp với ngành Ngôn ngữ Đức
Ngành Ngôn ngữ Đức yêu cầu bạn cần có những tố chất phù hợp

Ngành Ngôn ngữ Đức học những môn gì?

Môn học đại cương

  1. Triết học Mác-Lênin
  2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin
  3. Chủ nghĩa xã hội khoa học
  4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
  5. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  6. Ngoại ngữ II**
  7. Tin học cơ sở
  8. Giáo dục Thể chất
  9. Giáo dục Quốc phòng
  10. Dẫn luận ngôn ngữ học
  11. Cơ sở văn hoá Việt Nam
  12. Tiếng Việt
  13. Ngôn ngữ học đối chiếu
  14. Phương pháp nghiên cứu khoa học

Môn học chuyên ngành

  1. Ngữ âm – Âm vị học: Lý thuyết về ngữ âm học (quá trình hình thành âm thanh ngôn ngữ; bản chất âm thanh ngôn ngữ; phương pháp miêu tả ngữ âm: vị trí cấu âm, phương thức cấu âm…);  Lý thuyết về âm vị học (hệ thống âm vị; âm vị và biến thể; các yếu tố siêu đoạn: trọng âm từ, trọng âm câu, ngữ điệu…); Miêu tả hệ thống ngữ âm tiếng Đức hiện đại: nguyên âm, phụ âm, trọng âm và ngữ điệu.
  2. Từ vựng học: Giới thiệu nhập môn từ vựng, hiện trạng nghiên cứu và mối liên hệ với các lĩnh vực khoa học khác trong nghiên cứu ngôn ngữ. Sự khác biệt giữa hệ thống từ vựng ở các nước nói tiếng Đức.
  3. Tạo từ học: Khái quát về các nguyên tắc và khái niệm cơ bản, các phương thức tạo từ, mô hình hoá trong tạo từ, quan hệ ngữ nghĩa trong tạo từ, vai trò của các cấu trúc tạo từ trong hệ thống từ vựng và trong văn bản; tập trung nghiên cứu các phương thức tạo từ của các từ loại cơ bản như danh từ, động từ, tính từ.
  4. Hình thái học: Giới thiệu nhập môn hình thái học, hiện trạng nghiên cứu, phát triển của bộ môn trong nghiên cứu ngôn ngữ học; thực hành phân tích cấu trúc hình vị; tập trung nghiên cứu các từ loại: định nghĩa, ý nghĩa phạm trù và các phạm trù ngữ pháp của các từ loại cơ bản trong tiếng Đức.
  5. Cú pháp học I: Giới thiệu nhập môn cú pháp, hiện trạng nghiên cứu và mối liên hệ với các môn khác trong nghiên cứu ngôn ngữ học. Tập trung nghiên cứu những nội dung như: thành tố câu, vị trí và tiêu chí xác định; phân loại câu (câu đơn và câu phức); các loại mệnh đề phụ.
  6. Phân tích văn bản: Giới thiệu nhập môn ngôn ngữ học văn bản, hiện trạng nghiên cứu, phát triển của bộ môn trong nghiên cứu ngôn ngữ học và văn bản học; tập trung làm rõ nét khác biệt về loại hình của các văn bản trong ngôn ngữ nói chung và tiếng Đức nói riêng, chức năng của văn bản, các phương thức thể hiện văn bản, liên kết văn bản, các yếu tố tu từ trong ngôn ngữ, các yếu tố từ vựng, ngữ pháp, phong cách trong kết cấu văn bản; thực hành phân tích văn bản và cấu tạo văn bản.
  7. Lịch sử văn học Đức: Giới thiệu khái quát về lịch sử văn học Đức, chủ yếu từ thế kỷ VIII, những dòng văn học nổi bật của Đức  như Văn học Khai sáng, Văn học Xung kích và Bão táp, Văn học cổ điển, Văn học Lãng mạn, Văn học cận đại và đương đại với những đại diện tiêu biểu của từng dòng văn học (Goethe, Schiller…).
  8. Văn học Đức thế kỷ XVIII – XIX: Giới thiệu thân thế và sự nghiệp của những tác giả sau đây: Lessing, Goethe, Schiller, Heine, Hoffmann, Hửlderlin, Kleist, Keller, Hauptmann; bình giảng tác phẩm lớn nhất của văn học Đức, “Faust” của Goethe; làm quen với các tác phẩm văn học Đức đã được giới thiệu ở Việt Nam.
  9. Văn học Đức thế kỷ  XX: Giới thiệu thân thế và sự nghiệp các tác giả sau đây: Thomas Mann, Heinrich Mann, Hesse, Brecht, Borchert, Bửll, Grass; giới thiệu một thời kỳ phát triển hai nền văn học Đức phong phú với hai nhà nước Đức song hành và nền văn học Đức sau khi tái thống nhất.
  10. Văn hoá – Văn minh Đức I: Giới thiệu khái quát về đất nước, con người, dân tộc, ngôn ngữ, lịch sử dân tộc, hệ thống chính trị và cơ cấu nhà nước Đức. Sinh viên sẽ được xem băng hình và tham gia thảo luận về các vấn đề đưa ra trong bài giảng.
  11. Văn hoá – Văn minh Đức II: Giới thiệu khái quát về quá trình phát triển của nền kinh tế Đức từ sau Chiến tranh thế giới II cho đến nay, các vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, nhất là những vấn đề nảy sinh sau khi hai nước Đức thống nhất trên các lĩnh vực như xã hội, giáo dục và đào tạo; các lĩnh vực văn hoá…
  12. Văn hoá – Văn minh Áo – Thuỵ sĩ: Giới thiệu khái quát về đất nước, con người và xã hội, thể chế chính trị, giáo dục và kinh tế áo, các đặc tính dân tộc và truyền thống văn hoá áo và Thụy Sỹ; các vấn đề giao tiếp giữa người Việt và người áo, Thuỵ sĩ; những tương đồng và khác biệt giữa người Đức, áo và Thuỵ sĩ.
  13. Thực hành tiếng tổng hợp I: Học phần gồm 4 kỹ năng thực hành tiếng luôn gắn bó chặt chẽ với nhau và hệ thống ngữ pháp cơ bản. Các chủ điểm được đưa vào chương trình: những quan hệ giao tiếp đầu tiên, đồ đạc trong gia đình, nơi ở, thói quen ăn uống, thời gian rỗi, sức khoẻ, cuộc sống thường nhật, con người và văn hoá Đức. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức sơ cấp I (Grundstufe I).
  14. Thực hành tiếng  tổng hợp II: Rèn luyện 4 kỹ năng thực hành tiếng tổng hợp, trong đó tập trung vào 2 kỹ năng khó là Nói và Nghe hiểu; tiếp tục làm quen với các hiện tượng ngữ pháp cơ bản khác, chủ yếu là các mệnh đề phụ với các liên từ phụ thuộc và cấu trúc câu phức. Các chủ điểm chủ yếu: ngoại hình và tính cách, hệ thống giáo dục, hệ thống chính trị, nghề nghiệp,  công nghiệp và kinh tế, môi trường, quan hệ gia đình, giải trí. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức sơ cấp II (Grundstufe II).
  15. Thực hành tiếng  tổng hợp III: Tăng cường rèn luyện 4 kỹ năng thực hành tiếng tổng hợp, trong đó chú trọng hai kỹ năng Nói và Nghe hiểu. Về ngữ pháp: các dạng thức thời gian của động từ, bị động, giả định thức, cấu tạo danh từ, tính ngữ . Chủ điểm: quê hương, du lịch và nghỉ phép, thế giới nghề nghiệp, kỹ thuật, lịch sử, văn hoá… Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức sơ cấp III (Grundstufe III).
  16. Nghe hiểu I: Giới thiệu khái quát lý thuyết về các dạng nghe hiểu, thể loại bài nghe và các dạng bài tập. Rèn luyện các dạng nghe, luyện trí nhớ, luyện nhận biết và nắm bắt thông tin chính, thông tin chi tiết, luyện nghe và kỹ thuật ghi chép dựa vào các thông tin cho sẵn, luyện tái tạo và lược thuật văn bản đã nghe. Rèn luyện cách nhận biết các quan điểm khác nhau, thái độ và ý định của người nói thông qua ngữ điệu. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp I (Mittelstufe I).
  17. Nghe hiểu II: Giới thiệu sâu hơn về lý thuyết nghe hiểu, các đặc điểm cơ bản của từng dạng nghe hiểu, mục tiêu, các kỹ thuật rèn luyện các dạng nghe hiểu và tái tạo văn bản, luyện nghe nhận biết đặc điểm và cấu trúc của các loại văn bản, sự khác biệt giữa các văn bản, rèn luyện nghe và ghi chép từng câu, từng đoạn và cả bài, luyện nghe nắm bắt quan điểm, thái độ, tình cảm, ý định của tác giả, luyện phân tích nội dung văn bản được nghe. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp II.1 (Mittelstufe II.1).
  18. Nghe hiểu III: Hướng dẫn chi tiết và rèn luyện kỹ thuật nghe nhận biết cấu trúc và ghi chép những bài nghe có độ dài lớn và khó về chủ điểm, độ khó về âm, về từ vựng và cấu trúc, rèn luyện các phương pháp xử lý bài nghe, mở rộng chủ điểm. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp II.2 (Mittelstufe II.2).
  19. Nói I: Rèn luyện ngữ âm tích cực hơn để phát âm chính xác và nói đúng ngữ điệu. Rèn luyện kỹ năng nói ở các thể loại văn bản khó hơn như phỏng vấn, đóng vai, tranh luận, thảo luận, minh chứng, thuyết trình, đàm thoại, cách thể hiện quan điểm, phản đối, đồng tình, luận chứng và đối chứng. Luyện nhận biết sự khác biệt giữa các thể loại văn bản, cấu trúc ngữ pháp đặc trưng, mẫu lời nói cần thiết và ngữ điệu của từng loại văn bản, luyện ứng xử trong các tình huống giao tiếp khác nhau. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp I (Mittelstufe I).
  20. Nói I: Luyện khả năng tự xây dựng, phát triển ý và nội dung lời nói theo chủ đề và tự diễn đạt vấn đề, nêu câu hỏi, giải quyết vấn đề qua trao đổi, luận đàm, tranh luận và minh chứng. Luyện đưa ra quan điểm phản đối và đồng tình, luận chứng và đối chứng. Những chủ điểm đặt ra là: con người, ngôn ngữ, tình yêu, nghề nghiệp, thành phố, phương tiện thông tin. Các thể loại ngôn bản cần luyện: mô tả, giao dịch bằng điện thoại, kể chuyện, tranh luận, thảo luận… Kết thúc học phần  sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp II.1 (Mittelstufe II.1).
  21. Nói III: Củng cố và nâng cao kỹ thuật tả tranh, đặc biệt là bình tranh, giảng giải biểu đồ, sơ đồ. Nâng cao kỹ thuật thảo luận, tranh luận, tư vấn. Chuẩn bị các bài thuyết trình về Việt Nam và thuyết trình trên lớp nhằm rèn luyện kỹ thuật thuyết trình, bố cục văn bản, phong cách thuyết trình, nội dung, từ vựng và ngữ điệu thích hợp, luyện theo dõi, ghi chép, đánh giá bài thuyết trình (luận đề, phản đề, cấu trúc văn bản, lỗi, mẫu lời nói), tăng cường rèn luyện ngôn ngữ giao tiếp thông thường và khẩu ngữ. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp II.2 (Mittelstufe II.2).
  22. Đọc hiểu I: Sinh viên sẽ được giới thiệu và rèn luyện các kỹ năng đọc hiểu, làm quen với một số thể loại văn bản và văn phong mới như văn phong báo chí, khoa học và văn học, rèn luyện các kỹ thuật đọc, đặc biệt các loại hình bài tập về nội dung, từ vựng, cú pháp và cấu trúc văn bản, luyện nhận biết các quan điểm, đánh giá, ý định khác nhau, tái tạo văn bản và suy luận về những vấn đề đưa ra trong văn bản. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp I (Mittelstufe I).
  23. Đọc hiểu II: Phát triển kỹ thuật đọc hiểu I ở trình độ cao hơn với độ khó lớn hơn (độ dài tài liệu, độ khó về từ vựng, cấu trúc) và bổ sung kiến thức về một số văn phong như văn phong báo chí, văn học và khoa học. Tiếp tục luyện các loại hình đọc hiểu, luyện nhận biết cấu trúc đoạn văn, cấu trúc văn bản, đặc trưng các loại văn bản, văn phong, ngôn ngữ đặc trưng, luyện nhận biết quan điểm, ý định của tác giả, luyện tái tạo văn bản đã đọc thông qua ghi chép và tổng hợp cá nhân. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp II.1 (Mittelstufe II.1)
  24. Đọc hiểu III: Phát triển kỹ thuật đọc hiểu II và bổ sung kiến thức về một số văn phong như văn phong báo chí, văn học và khoa học. Nâng cao khả năng nhận biết cấu trúc đoạn văn, văn bản, đặc trưng các loại văn bản, văn phong, ngôn ngữ đặc trưng; luyện nhận biết quan điểm, ý định của tác giả, luyện kỹ năng đọc phân tích và kỹ thuật tái tạo văn bản đã đọc thông qua ghi chép và tổng hợp cá nhân. Văn bản có độ dài lớn hơn và nội dung khó, mang tính chuyên ngành. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp II.2 (Mittelstufe II.2)
  25. Viết I: Giới thiệu đặc trưng các loại hình văn bản: thư cá nhân (thư điện tử), thông báo, thư mời, thư độc giả, thư khiếu nại, phóng sự, bình luận. Luyện dạng thức viết câu đơn –  phức, câu có trật tự bị đảo ngược, câu bị động, chủ động, trực tiếp, gián tiếp; luyện viết đoạn văn và sử dụng các thành phần liên kết văn bản; luyện viết văn bản có định hướng theo một đề tài cụ thể hoặc không có định hướng có độ dài 120 – 150 từ, luyện các bài tập ngữ pháp và từ vựng. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp I (Mittelstufe I).
  26. Viết II: Phát triển kĩ năng viết I, sử dụng thành thạo các thành phần liên kết văn bản, tập trung luyện phân tích cấu trúc của các thể loại văn bản chính thức, viết một văn bản có độ dài 150 – 180 từ, thực hiện tương đối thành thạo các bước: chuẩn bị, thu thập ngữ liệu, nội dung, làm dàn ý, tổ chức văn bản, viết đoạn, viết văn bản hoàn chỉnh. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp II.2 (Mittelstufe II.2).
  27. Viết III: Phát triển kĩ năng viết II, luyện phân tích cấu trúc của các thể loại văn bản chính thức, thể loại văn bản sáng tạo, sử dụng thành thạo các thành phần liên kết văn bản, viết một văn bản có độ dài 180 – 200 từ, phát triển kĩ thuật viết đoạn, hoàn chỉnh văn bản. Kết thúc học phần sinh viên đạt trình độ tiếng Đức trung cấp II.2 (Mittelstufe II.2).

Hi vọng bài viết trên đây của Isinhvien sẽ giúp bạn hiểu hơn về ngành Ngôn ngữ Đức, bạn có thể tham khảo thêm các ngành khác tại đây >> Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Chúc bạn đưa ra lựa chọn sáng suốt, nhớ like, comment và share bài này đến nhiều bạn đang cần nhé ^^


Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close