Ngành đào tạo

Ngành Kỹ thuật cầu đường – Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm

Ngành Kỹ thuật cầu đường là một ngành đang rất hot hiện nay, một phần vì cơ hội việc làm rộng mở một phần cũng vì mức lương ở ngành này cũng thuộc dạng cao. Cùng với Isinhvien tìm hiểu chương trình đào tạo và cơ hội việc làm của ngành kỹ thuật cầu đường nhé!

Ngành Kỹ thuật cầu đường là gì?

  • Ngành đào tạo: KỸ THUẬT CẦU ĐƯỜNG (Bridge and Road Engineering)
  • Trình độ đào tạo: Đại học
  • Thời gian đào tạo: 5 năm
  • Ngành Kỹ thuật cầu đường là ngành chuyên về thiết kế, thi công, quản lý và khai thác các công trình giao thông phục vụ đời sống như: cầu, đường bộ, đường sắt, đường hầm, cao tốc, sân bay,…
Ngành Kỹ thuật cầu đường – Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm 2
Ảnh minh họa kỹ sư cầu đường

Mục tiêu đào tạo của ngành Kỹ thuật cầu đường

Mục tiêu chung: Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Cầu đường đào tạo người kỹ sư toàn diện có phẩm chất chính trị, có đạo đức tư cách, có sức khoẻ, có khả năng làm việc tập thể, có đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Mục tiêu cụ thể: Kỹ sư ngành Cầu Đường (chuyên ngành Cầu và chuyên ngành Đường) được trang bị kiến thức cơ bản rộng, có hiểu biết sâu sắc về quy hoạch giao thông, cơ học, sức bền vật liệu, phân tích kết cấu, công nghệ và tổ chức, quản lý thi công.


Các kỹ sư ngành Cầu Đường có khả năng lập các dự án đầu tư, thiết kế, thi công các công trình cầu, đường, tổ chức và quản lý công trường, có khả năng tiếp cận các lĩnh vực khoa học-công nghệ mới nhằm đáp ứng các nhu cầu đa dạng của sự phát triển kinh tế – xã hội, theo kịp sự tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Sau khi tốt nghiệp các kỹ sư của ngành kỹ thuật Cầu Đường có thể làm việc tại các cơ quan quản lý các cấp, các công ty tư vấn thiết kế-đầu tư, các công ty xây dựng công trình, các công ty quản lý khai thác cầu-đường, các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo trọng lĩnh vực xây dựng công trình.

Học ngành Kỹ thuật cầu đường ra làm gì?

  • Kỹ sư phụ trách thiết kế, thi công, giám sát, thẩm định và nghiệm thu các công trình xây dựng hạ tầng tại các công ty xây dựng cầu đường, các công ty quản lý và sửa chữa công trình giao thông, các công ty xây dựng thuộc lĩnh vực: xây dựng dân dụng và công nghiệp, thủy lợi và khai khoáng.
  • Chuyên viên quản lý, điều hành, thiết kế, tư vấn, phản biện về kỹ thuật xây dựng tại các công ty, tập đoàn xây dựng trong và ngoài nước.
  • Giảng dạy, nghiên cứu tại các viện nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề.
  • Làm công tác quản lý ở các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải, các Ban quản lý dự án xây dựng; các Trung tâm quản lý điều hành giao thông; các phòng quản lý xây dựng, phòng quản lý địa chính của các quận, huyện.

Những tố chất phù hợp với ngành Kỹ thuật cầu đường

  • Sống thực tế, giỏi về các môn tự nhiên;
  • Thích mày mò, sáng tạo;
  • Có tư duy logic và đam mê kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực xây dựng, giao thông;
  • Có tinh thần hợp tác, khả năng làm việc theo nhóm và chịu được áp lực công việc cao;
  • Có sức khỏe tốt, đủ điều kiện để làm việc lâu dài trong ngành.

Ngành Kỹ thuật cầu đường học những môn gì?

Môn học đại cương

  1. Triết học Mác – Lênin
  2. Kinh tế chính trị Mác – Lênin
  3. Chủ nghĩa xã hội khoa học
  4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt nam
  5. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  6. Ngoại ngữ cơ bản
  7. Giáo dục thể chất
  8. Giáo dục quốc phòng
  9. Đại số
  10. Giải tích 1
  11. Giải tích 2
  12. Vật lý 1
  13. Vật lý 2
  14. Hoá học đại cương
  15. Tin học đại cương

Môn học chuyên ngành

  1. Hình họa: Các kiến thức cơ bản về phép chiếu và phương pháp xây dựng hình biểu diễn không gian trên mặt phẳng bằng phương pháp hai hình chiếu thẳng góc và giải bài toán không gian trên mặt phẳng biểu diễn.
  2. Vẽ kỹ thuật 1: Vẽ hình học; Biểu diễn vật thể; Bản vẽ kết cấu công trình; Lập bản vẽ công trình và chi tiết công trình bằng CAD.
  3. Cơ học cơ sở 1: Cung cấp cho sinh viên các kiến thức về cân bằng các chuyển động của vật rắn dưới tác dụng của ngoại lực và tác động tương hỗ giữa các vật rắn với nhau, các khái niệm cơ bản và kiến thức về cân bằng và chuyển động của vật thể ở 3 phần của cơ học: tĩnh học, động học, động lực học. Đặc biệt yêu cầu sinh viên phải nắm được các khái niệm và phương trình về cân bằng và chuyển động, liên kết, các nguyên lý cơ học.
    Nội dung chính của học phần bao gồm các vấn đề sau: Các khái niệm cơ bản về hệ tiên đề cơ học, lý thuyết về lực, bài toán cân bằng.
    Các chuyển động cơ bản của vật rắn.
    Các định luật của Newton, các định lý tổng quát của động lực học, nguyên lý Đalambe và nguyên lý di chuyển khả dĩ.
  4. Cơ học cơ sở 2: Sau khi học xong Cơ học cơ sở 1, Cơ học cơ sở 2 nhằm đi sâu vào một số vấn đề của cơ học có nhiều ứng dụng nhiều trong kỹ thuật như lý thuyết va chạm, ổn định chuyển động và dao động cơ học trong kỹ thuật, nhằm rút ngắn khoảng cách và làm nối giữa lý thuyết cơ học và các ứng dụng trong kỹ thuật.
  5. Sức bền vật liệu 1: Học phần quy định theo khung chương trình giáo dục của ngành Xây dựng công trình cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về tính toán độ bền và độ cứng của thanh trong các trường hợp chịu lực đơn giản: kéo, nén, uốn, xoắn nhằm làm cơ sở để nghiên cứu các trạng thái chịu lực phức tạp khác. Ngoài ra học phần này còn nhằm mục đích xây dựng và bước đầu tạo cho sinh viên những trực giác kỹ thuật trong việc nhìn nhận sự làm việc của công trình, hình ảnh vật lý của các vấn đề kỹ thuật.
  6. Sức bền vật liệu 2: Học phần này cung cấp cho sinh viên những kiến thức sâu hơn và gần với thực tế hơn các kiến thức đã được trình bày trong Sức bền vật liệu 1 như: thanh chịu lực phức tạp, thanh thành mỏng, ổn định thanh chịu nén, dao động ngang của thanh, tính thanh có kể đến biến dạng dẻo v.v.
  7. Cơ học kết cấu 1: Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản và kỹ năng tính toán nội lực các hệ thanh tĩnh định làm việc trong giai đoạn đàn hồi tuyến tính. Chuẩn bị kiến thức để nghiên cứu tiếp học phần tiếp theo về tính toán hệ siêu tĩnh.
  8. Cơ học kết cấu 2: Học phần này nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản và kỹ năng tính toán nội lực của các hệ thanh siêu tĩnh làm việc trong giai đoạn đàn hồi tuyến tính.
  9. Các phương pháp số: Nội dung của học phần giới thiệu một số các phương pháp số dùng để phân tích kết cấu, đặc biệt tập trung nghiên cứu phương pháp phần tử hữu hạn từ cơ sở lý luận đến thuật toán và khai thác các chương trình tính toán.
  10. Cơ học môi trường liên tục: Nội dung chính của học phần bao gồm các phần sau:
    – Các khái niệm cơ bản của Cơ học môi trường liên tục
    – Lý thuyết về ứng suất, biến dạng, chuyển vị của vật thể 3 chiều bất kỳ
    – Hệ phương trình cơ bản của Cơ học MTLT trong trường hợp tổng quát và trong các môi trường đàn hồi tuyến tính, chất lỏng và chất khí
    – Lý thuyết đàn hồi tuyến tính tổng quát
    – Bài toán phẳng của lý thuyết đàn hồi
    – Bài toán đối xứng trục của lý thuyết đàn hồi
  11. Động lực học công trình: Học phần này nhằm trang bị cho sinh viên những khái niệm cơ bản và khả năng phân tích dao động kết cấu chịu các nguyên nhân tác dụng động. Sinh viên có khả năng xác định nội lực động, chuyển vị động và đánh giá được hiện tượng cộng hưởng.
  12. Thuỷ lực cơ sở: Học phần này nhằm trang bị cho sinh viên các quy luật cơ bản về cân bằng và chuyển động của chất lỏng cùng các biện pháp áp dụng các quy luật này vào thực tế xây dựng. Sau khi học xong học phần này, sinh viên có khả năng giải quyết các bài toán thuỷ lực phục vụ cho các nhu cầu về nghiên cứu, thiết kế, thi công và quản lý các hệ thống thiết bị, công trình có liên quan tới môi trường chất lỏng.
  13. Vật liệu xây dựng: Nội dung của học phần giới thiệu các kiến thức cơ bản về tính năng cơ lý và các yêu cầu kỹ thuật của các loại vật liệu xây dựng phổ biến: đá thiên nhiên, gốm xây dựng, kim loại, chất kết dính vô cơ, vữa, bê tông nặng dùng xi măng, gỗ, chất kết dính vô cơ, bê tông asphal Ngoại các vấn đề trên còn có cỏc bài thí nghiệm giới thiệu phương pháp kiểm tra đánh giá các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu xây dựng.
  14. Địa chất công trình: Địa chất công trình là học phần cơ sở nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về đất đá xây dựng, một số tính chất nước, vật lý và cơ học của đất đá, nước dưới đất, các quá trình liên quan với hoạt động địa chất của mưa, nước mặt và địa chất của nước dưới đất, các hiện tượng, quá trình địa chất nội – ngoại động lực, các phương pháp khảo sát địa chất công trình làm cơ sở cho công tác qui hoạch, thiết kế, thi công, khai thác, bảo vệ công trình và cảnh quan môi trường xây dựng.
  15. Thực tập Địa chất công trình: Thực tập ngoài hiện trường nhằm đánh giá điều kiện địa chất công trình của một khu vực bằng các phương pháp khảo sát địa chất công trình khác nhau: trực quan, khoan, xuyên, nén, đổ hút nước thí nghiệm. Sau khi kết thúc thực tập sinh viên phải được trang bị kiến thức thực tế về địa chất công trình để có thể đánh giá được điều kiện địa mạo, cấu tạo địa chất, địa tầng, các hiện tượng quá trình địa chất phục vụ cho công tác xây dựng.
  16. Cơ học đất: Học phần này cung cấp cho sinh viên các kiến thức về bản chất của đất, các giả thuyết lý thuyết và thực nghiệm, các quá trình cơ học xẩy ra trong đất khi chịu các tác động bên ngoài và bên trong, sự hình thành của đất, các pha hợp thành đất, các đặc trưng vật lý của đất, các tính chất cơ học và các đặc trưng liên quan, sự phân bố ứng suất trong đất, các vấn đề về biến dạng, sức chịu tải của nền đất, ổn định của khối đất và áp lực đất lên các vật rắn. Trên cơ sở đó, vận dụng để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc sử dụng đất vào mục đích xây dựng công trình.
  17. Trắc địa: Nội dung chính của học phần bao gồm các vấn đề trắc địa cơ bản nhưng cần thiết cho xây dựng công trình như: định vị điểm, định hướng đường thẳng, bản đồ địa hình, sử dụng bản đồ, tính toán trắc địa, đo góc, đo dài, đo cao, lưới khống chế mặt bằng, lưới khống chế độ cao, đo vẽ bản đồ, đo vẽ mặt cắt địa hình, các dạng công tác bố trí công trình, bố trí đường cong tròn, đo vẽ hoàn công, quan trắc biến dạng công trình.
  18. Thực tập trắc địa: Nội dung chính của học phần bao gồm các vấn đề sau:
    Sử dụng máy kinh vĩ và máy nivô để đo các yếu tố cơ bản: đo góc bằng, đo góc đứng, đo dài bằng vạch ngắm xa và mia đứng, đo cao lượng giác, đo cao hình học.
  19. Kết cấu bê tông cốt thép: Nội dung của học phần này nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về kết cấu bê tông cốt thép cũng như khả năng thiết kế các dạng kết cấu bê tông cốt thép thông thường. Nắm được sự làm việc của bê tông và cốt thép trong kết cấu bê tông cốt thép, từ đó nắm được các nguyên lý cấu tạo và tính toán kết cấu bê tông cốt thép. Sau khi học xong sinh viên có thể thiết kế được các dạng kết cấu bê tông cốt thép thông thường.
  20. Đồ án kết cấu bê tông cốt thép: Vận dụng những kiến thức đã học trong học phần Kết cấu bê tông cốt thép về tính toán và cấu tạo các cấu kiện chịu uốn để thiết kế một kết cấu cụ thể, ví dụ sàn sườn toàn khối có bản loại dầm. Tập dượt cho sinh viên cách thể hiện một bản vẽ thi công và làm quen với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.
  21. Kết cấu thép: Học phần này nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ sở của kết cấu thép bao gồm: vật liệu thép trong kết cấu xây dựng, cách cấu tạo và tính toán các loại liên kết hàn, liên kết bu lông, liên kết đinh tán, cách thiết kế các cấu kiện cơ bản nh­ư dầm thép, cột thép, dàn thép.
  22. Nền và móng: Nội dung chính của học phần này đề cập tới các vấn đề sau:
    Các nguyên tắc chung của thiết kế Nền và móng, tính toán các móng nông, móng sâu, các giải pháp kết cấu cũng như các phương pháp gia cố nền khi xây dựng công trình trên nền đất yếu, móng chịu tải trọng động nói chung và động đất nói riêng.
  23. Đồ án Nền và móng: Vận dụng những kiến thức đã học trong các học phần “Cơ học đất”, “Nền và móng”  để tính toán và thiết kế các móng thông thường.
  24. Cơ sở kiến trúc và quy hoạch đô thị: Giới thiệu những khái niệm cơ bản của công tác thiết kế kiến trúc và công tác quy hoạch xây dựng đô thị.
  25. Máy xây dựng: Học phần gồm 8 chương trình bày các kiến thức cơ bản về:
    – Đặc điểm, cấu tạo chung của Máy xây dựng.
    – Cấu tạo, tính năng kỹ thuật, khai thác sử dụng, tính toán đơn giản … các loại máy thường sử dụng trong xây dựng cơ bản như máy nâng, máy làm đất, thiết bị gia cố nền móng, máy sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác máy xây dựng.
  26. Kinh tế xây dựng: Học phần này bao gồm các  kiến thức cơ bản nhất về kinh tế và quản trị kinh doanh xây dựng cũng như các kiến thức về kinh tế – kỹ thuật xây dựng nhằm giúp sinh viên học tập tốt các học phần khác có liên quan và hoàn thành tốt nhiệm vụ của người kỹ sư xây dựng khi ra trường.
  27. Môi trường trong xây dựng: Nội dung của học phần trình bày một số khái niệm và kiến thức cơ bản về môi trường trong xây dựng và sự phát triển bền vững, những nguyên lý và giải pháp bảo vệ môi trường  trong các công trình xây dựng.  Sau khi nghiên cứu học phần này sinh viên biết vận dụng các kiến thức được cung cấp vào thực tế thiết kế và thi công các công trình xây dựng.

Vậy là các bạn đã cùng với Isinhvien tìm hiểu về ngành học Kỹ thuật cầu đường, hy vọng các bạn sẽ có được những cái nhìn tổng quan về ngành nghề này, từ đó có những lựa chọn hướng đi trên con đường tiếp theo của mình. Nhớ like, share để nhận được những bài viết mới sớm nhất.


Để tìm hiểu những ngành nghề khác các bạn tham khảo link >>Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay<< .

Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close