Ngành đào tạo

Ngành kỹ thuật cấp thoát nước – Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm

Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước nghe tên là các bạn đã có thể phần nào biết được công việc sau khi ra trường. Giải quyết các bài toán thoát nước, ngập lụt trong đô thị, xử lý nước thải, các công nghệ xử lý nước sạch để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, công nghiệp của mỗi quốc gia và của từng thành phố. Nhưng không phải ai cũng biết ngành học này. Hãy cùng Isinhvien tìm hiểu về ngành học đầy tiềm năng này.

Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước là gì?

  • Ngành đào tạo: KỸ THUẬT CẤP THOÁT NƯỚC (Water Supply and Sanitation)
  • Trình độ đào tạo: Đại học
  • Thời gian đào tạo: 5 năm
  • Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước là ngành đào tạo các kiến thức chuyên sâu và năng lực nghề nghiệp trong lĩnh vực cấp nước, thoát nước, công nghệ môi trường nước và xử lý nước thải, kỹ thuật cơ sở hạ tầng đô thị, công nghiệp và nông thôn, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước.
Kỹ sư cấp thoát nước
Ảnh minh họa Kỹ sư Kỹ thuật cấp thoát nước

Mục tiêu đào tạo của ngành Kỹ thuật cấp thoát nước

Mục tiêu chung: Kỹ sư ngành Kỹ thuật cấp thoát nước được trang bị kiến thức cơ bản rộng, có kiến thức chuyên môn cần thiết, có khả năng nghiên cứu, thiết kế, thi công lắp đặt, tổ chức quản lý, vận hành… các công trình cấp nước, thoát nước và bảo vệ môi trường nước, phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước và hội nhập quốc tế.


Mục tiêu cụ thể: Theo học ngành này, sinh viên có khả năng tư vấn lập dự án, thiết kế, thẩm tra hồ sơ, tổ chức thi công, giám sát xây dựng các hệ thống, công trình và thiết bị cấp nước, thoát nước; xử lý nước thải, tái sử dụng nước; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cấp thoát nước; lập và thực hiện các dự án cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng đồng…

Sau khi tốt nghiệp, các kỹ sư ngành này có thể làm việc tại các công ty tư vấn, các công ty cấp thoát nước, các cơ sở sản xuất, các cơ quan nghiên cứu khoa học và đào tạo lên quan đến cấp thoát nước và bảo vệ môi trường.

Học ngành Kỹ thuật cấp thoát nước ra làm gì?

Việc làm của Kỹ sư ngành Kỹ thuật cấp thoát nước rất đa dạng, có thể làm đa lĩnh vực trong bất kỳ công ty hay nhà máy xí nghiệp nào.

  • Tư vấn thiết kế, thi công xây dựng các công trình kỹ thuật hạ tầng, bảo vệ môi trường;
  • Quản lý vận hành khai thác các hệ thống kỹ thuật hạ tầng, bảo vệ môi trường ở các đô thị, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp, các tổ hợp nhà cao tầng…
  • Tham gia công tác quản lý ở các cơ quan nhà nước;
  • Nghiên cứu khoa học trong các viện nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.

Với những công việc trên, kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cấp thoát nước có thể làm việc tại:


  • Các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước, cấp thoát nước thuộc các bộ, ban, ngành như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Giao Thông…
  • Ban quản lý chương trình chống ngập, các công ty Cấp thoát nước và môi trường tại các tỉnh, thành phố;
  • Các trường Đại học, viện nghiên cứu trong lĩnh vực cấp thoát nước.

Những tố chất phù hợp với ngành Kỹ thuật cấp thoát nước

Đối với bất kỳ một ngành nghề nào, để học được và sống với ngành nghề mình chọn cần phải xem tố chất của bản thân có đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập và công việc

  • Có khả năng học tốt về các môn Khoa học tự nhiên;
  • Có đủ sức khoẻ đáp ứng yêu cầu và khắc phục mọi khó khăn trong nghề nghiệp để đảm bảo công tác lâu dài;
  • Có ý thức bảo vệ môi trường;
  • Chăm chỉ, cần cù, tỉ mỉ và chịu được áp lực công việc cao;
  • Có kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, có kỹ năng giao tiếp.

Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước học những môn gì?

Môn học đại cương

  1. Triết học Mác – Lênin
  2. Kinh tế chính trị Mác – Lênin
  3. Chủ nghĩa xã hội khoa học
  4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt nam
  5. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  6. Ngoại ngữ cơ bản
  7. Giáo dục thể chất
  8. Giáo dục quốc phòng
  9. Đại số
  10. Giải tích 1
  11. Giải tích 2
  12. Vật lý 1
  13. Vật lý 2
  14. Hoá học đại cương
  15. Tin học đại cương

Môn học chuyên ngành

  1. Cơ học cơ sở 1: Cung cấp cho sinh viên các kiến thức về cân bằng các chuyển động của vật rắn dưới tác dụng của ngoại lực và tác động tương hỗ giữa các vật rắn với nhau, các khái niệm cơ bản và kiến thức về cân bằng và chuyển động của vật thể ở 3 phần của cơ học: tĩnh học, động học, động lực học. Đặc biệt yêu cầu sinh viên phải nắm được các khái niệm và phương trình về cân bằng và chuyển động, liên kết, các nguyên lý cơ học.
  2. Cơ học cơ sở 2:Sau khi học xong Cơ học cơ sở 1, Cơ học cơ sở 2 nhằm đi sâu vào một số vấn đề của cơ học có nhiều ứng dụng nhiều trong kỹ thuật như lý thuyết va chạm, ổn định chuyển động và dao động cơ học trong kỹ thuật, nhằm rút ngắn khoảng cách và làm nối giữa lý thuyết cơ học và các ứng dụng trong kỹ thuật.
  3. Sức bền vật liệu 1: Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về tính toán độ bền và độ cứng của thanh trong các trường hợp chịu lực đơn giản: kéo, nén, uốn, xoắn nhằm làm cơ sở để nghiên cứu các trạng thái chịu lực phức tạp khác. Ngoài ra học phần này còn nhằm mục đích xây dựng và bước đầu tạo cho sinh viên những trực giác kỹ thuật trong việc nhìn nhận sự làm việc của công trình, hình ảnh vật lý của các vấn đề kỹ thuật.
  4. Cơ học kết cấu 1: Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản và kỹ năng tính toán nội lực các hệ thanh tĩnh định làm việc trong giai đoạn đàn hồi tuyến tính. Chuẩn bị kiến thức để nghiên cứu tiếp học phần tiếp theo về tính toán hệ siêu tĩnh. Nội dung chính của học phần là nghiên cứu các hệ thanh phẳng tĩnh định bao gồm các vấn đề sau:
  5. Thuỷ lực 1: Các tính chất vật lý chủ yếu của chất lỏng, sự cân bằng, động lực học của chất lỏng (nén và không nén được); Sự chuyển động của chất lỏng qua lỗ vòi; Tính toán ống dẫn chất lỏng và chất khí; Chuyển động không ổn định và chuyển động tương đối giữa chất lỏng và vật rắn; Dòng chảy trong ống dài; Dòng chảy trong kênh; nước va và nước nhảy,…
  6. Địa chất công trình và địa chất thủy văn: Địa chất công trình và địa chất thuỷ văn là môn học cơ sở nhằm trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản về môi trường địa chất công trình, địa chất thuỷ văn. Các nội dung cơ bản của học phần là tính chất vật lý của nước, đất, đá; thành phần hoá học của nước dưới đất; động lực học nước dưới đất; các hiện tượng, quá trình địa chất động lực lien quan đến hoạt động địa chất của nước dưới đất; các phương pháp khảo sát địa chất công trình và địa chất thuỷ văn.
  7. Thực tập địa chất công trình và địa chất thuỷ văn: Thực tập Địa chất công trình và địa chất thuỷ văn ngoài hiện trường nhằm đánh giá điều kiện địa chất thuỷ văn và địa chất công trình bằng các phương pháp khảo sát khác nhau: trực quan, khoan, xuyên, nén, đổ hút nước thí nghiệm, bơm hút,…Sau khi kết thúc thực tập, sinh viên phải được trang bị kiến thức thực tế về địa chất thuỷ văn và địa chất công trình để đánh giá được cấu tạo địa chất điọa tầng cũng như đặc điểm nước dưới đất khu vực để phục vụ cho công tác thiết kế và xây dựng các công trình cấp thoát nước.
  8. Cơ học đất và nền móng: Học phần này cung cấp cho sinh viên các kiến thức về bản chất của đất, các đặc trưng vật lý của đất, các quá trình cơ học xảy ra trong đất khi chịu các tác động bên ngoài, các nguyên tắc chung của thiết kế nền và móng công trình, tính toán các loại móng, các giải pháp kết cấu cũng như các phương pháp gia cố công trình trên nền đất yếu.
  9. Vật liệu xây dựng: Nội dung của học phần giới thiệu các kiến thức cơ bản về tính năng cơ lý và các yêu cầu kỹ thuật của các loại vật liệu xây dựng phổ biến: đá thiên nhiên, gốm xây dựng, kim loại, kính, chất kết dính vô cơ, vữa, bê tông nặng dùng xi măng, silicát, gỗ, bê tông asphal, vật liệu hoàn thiện. Ngoài các vấn đề trên còn có các bài thí nghiệm giới thiệu các phương pháp kiểm tra đánh giá các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu xây dựng.
  10. Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước: Nội dung của học phần giới thiệu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt nam, sự ra đời và nội dung của các Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước. Đây là các luật cơ bản mà kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật cấp thoát nước phải nắm được trong quá trình hoạt động chuyên môn của mình.
  11. Kỹ thuật điện: Nội dung của học phần là cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về các bộ phận cơ bản của hệ thống điện, mạch điện và các máy điện sử dụng trong kỹ thuật.
  12. Đo đạc: Nội dung chính của học phần bao gồm các vấn đề trắc địa cơ bản nhưng cần thiết cho xây dựng công trình như: định vị điểm, định hướng đường thẳng, bản đồ địa hình, sử dụng bản đồ, tính toán trắc địa, đo góc, đo dài, đo cao, lưới khống chế mặt bằng, lưới khống chế độ cao, đo vẽ bản đồ, đo vẽ mặt cắt địa hình, các dạng công tác bố trí công trình , bố trí đường cong tròn, đo vẽ hoàn công, quan trắc biến dạng công trình.
  13. Thực tập đo đạc: Nội dung chính của học phần này bao gồm các vấn đề sau: sử dụng máy kinh vĩ và máy nivô để đo các yếu tố cơ bản: đo góc bằng, đo góc đứng, đo dài bằng vạch ngắm xa và mia đứng, đo cao lượng giác, đo cao hình học.
  14. Hoá nước và vi sinh vật nước: Nội dung chính của học phần này bao gồm các vấn đề sau: đánh giá chất lượng nước; các quá trình keo tụ, khử sắt và mangan, làm mềm nước, xử lý nước thải bằng phương pháp hoá học, ổn định nước; hệ thống vi sinh vật, cấu tạo tế bào vi khuẩn, các quá trình sinh trưởng, phát triển của vi sinh vật; các quá trình dinh dưỡng và năng lượng của vi khuẩn; sự phân bố của vi sinh vật trong tự nhiên; các loại bệnh dịch lien quan đến môi trường nước; quá trình khử trùng; cơ chế các quá trình xử lý nước thải bằng phương pháp sinh hoá,…
    Các thí nghiệm hoá nước và vi sinh vật: phân tích các chỉ tiêu đặc trưng của nước thiên nhiên, nước cấp và nước thải; xác định liều lượng hoá chất tối ưu để xử lý nước cấp và nước thải; xác định coliform trong nước và bùn cặn,…
  15. Máy thuỷ lực: Nội dung chính của học phần này bao gồm các vấn đề sau: Nguyên lý máy thuỷ lực,  cấu  tạo  và  nguyên tắc hoạt động của máy bơm ly tâm, bơm pitông và  các loại máy bơm khác, máy nén khí và quạt gió, máy khuấy.
  16. Thuỷ văn: Nội dung chính của học: Sông ngòi và lưu vực, ứng dụng lý thuyết thống kê xác suất trong thuỷ văn, sự hình thành dòng chảy trên lưu vực và phương trình cân bằng nước, phân tích tính toán mưa, bốc hơi và thấm, chế độ dòng chảy trong sông như dòng chảy năm, dòng chảy lũ và dòng chảy kiệt.
  17. Bảo vệ và quản lý tổng hợp nguồn nước: Nội dung chính của học: Sự tuần hoàn và phân bố nước trong tự nhiên, sự hình thành chất lượng nước tự nhiên, đặc điểm tài nguyên nước của Việt nam, ô nhiễm và tự làm sạch nguồn nước mặt và nước ngầm, các mô hình chất lượng nước, các biện pháp kỹ thuật bảo vệ nguồn nước, quan trắc môi trường nước, sử dụng và  quản lý tổng hợp nguồn nước.
  18. Công trình thu và trạm bơm: Nội dung chính của  môn học: Công trình thu nước ngầm, công trình thu nước mặt, trạm bơm cấp nước, trạm bơm nước thải, trạm bơm nước mưa, các thiết bị của trạm bơm, lắp đặt và vận hành các loại trạm bơm, cấp điện và tự động hóa cho trạm bơm, tính toán kinh tế kỹ thuật trạm bơm.
  19. Đồ án: Công trình thu và trạm bơm cấp I: Đồ án môn học bao gồm tính toán lựa chọn nguồn nước, tính toán thiết kế sơ bộ giếng khoan và trạm bơm nước ngầm hoặc công trình thu nước mặt kết hợp với trạm bơm cấp I hoặc trạm bơm cấp I tách biệt.
  20. Mạng lưới cấp nước: Nội dung chính của  môn học: Nhu cầu và quy mô dùng nước, hệ thống cấp nước và chế độ làm việc của hệ thống cấp nước, mạng lưới đường ống cấp nước, cấu tạo mạng lưới cấp nước, các thiết bị và công trình trên mạng lưới cấp nước, các công trình điều hòa và dự trữ nước, phân khu cấp nước, công trình vận chuyển nước cấp, thi công và quản lý vận hành mạng lưới và công trình trên mạng lưới cấp nước.
  21. Đồ án: Mạng lưới cấp nước: Nội dung chính của đồ án môn học: nghiên cứu lý thuyết và tính toán quy mô công suất trạm cấp nước, tính toán thiết kế mạng lưới cấp nước và công trình lien quan, tính toán thiết kế trạm bơm cấp II,…
    Thể hiện các bản vẽ: mặt bằng mạng lưới cấp nước, biểu đồ áp lực vòng bao, trạm bơm cấp II và chi tiết hóa đường ống.
  22. Mạng lưới thoát nước thải và nước mưa: Nội dung chính của  môn học: Khái niệm về hệ thống thoát nước, lưu lượng tính toán của hệ thống thoát nước sinh hoạt, cơ sở tính toán thủy lực mạng lưới thoát nước, cấu tạo mạng lưới thoát nước thải, mạng lưới thoát nước mưa, hệ thống thoát nước chung, hệ thống thoát nước chân không và các loại hệ thống thoát nước khác, hồ điều hòa, trạm bơm thoát nước và các công trình trên mạng lưới thoát nước, xây dựng và quản lý vận hành mạng lưới và các công trình trên mạng lưới cấp nước.
  23. Đồ án: Thoát nước mưa và nước thải: Nội dung chính của đồ án môn học: lựa chọn hệ thống thoát nước, xác định lưu lượng nước thải, tính toán thủy lực mạng lưới thoát nước thải, tính toán thủy lực tuyến cống thoát nước mưa, tính toán thiết kế trạm bơm nước thải, tính toán xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của mạng lưới và trạm bơm thoát nước.
  24. Xử lý nước cấp: Nội dung chính của môn học: Chất lượng nước cấp cho sinh hoạt, ăn uống và công nghiệp, keo tụ các chất bẩn trong nước, lắng và các công trình lắng, lọc và các công trình lọc nước, xử lý sắt, mangan và các chất đặc biệt trong nước, khử trùng nước, quản lý vận hành nhà máy nước, làm mềm nước và xử lý nước cấp cho công nghiệp.
    Các bài thí nghiệm về lắng và lọc, làm thoáng; lắng tiếp xúc và lọc; keo tụ, lắng và lọc.
  25. Đồ án môn học: Xử lý nước cấp: Tính toán xác định công suất, lựa chọn dây chuyền công nghệ xử  lý nước, tính toán thiết kế các công trình xử lý nước, xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của nhà máy nước. Các bản vẽ: sơ đồ cao trình nhà máy nước, mặt bằng nhà máy nước, chi tiết công trình lọc nước.
  26. Xử lý nước thải: Nội dung chính của môn học: số lượng và thành phần tính chất nước thải, xác định mức độ xử lý nước thải cần thiết, sơ đồ dây chuyền công nghệ xử lý và sử dụng nước thải, các công trình xử lý cơ học nước thải, các công trình xử lý sinh học nước thải trong điều kiện tự nhiên, các công trình xử lý nước thải trong điều kiện nhân tạo, xử lý bùn cặn, khử trùng nước thải, trạm xử lý nước thải đô thị, xử lý nước thải bằng phương pháp hóa học và hóa lý, quản lý vận hành trạm xử lý nước thải, xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của trạm xử lý nước thải.
    Các bài thí nghiệm về lắng nước thải, xác định BOD trong các loại nước thải, xử lý nước thải bằng bùn hoạt tính, xử lý nước thải bằng lọc sinh học, xử lý nước thải bằng phương pháp hấp phụ và tuyển nổi,…
  27. Đồ án: Xử lý nước thải: Nội dung chính của đồ án môn học: Xác định các đại lượng tính toán, xác định dây chuyền công nghệ xử lý nước thải, tính toán các công trình xử lý nước thải, xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trạm xử lý nước thải.
    Các bản vẽ: mặt bằng trạm xử lý nước thải, mặt cắt dọc theo nước và theo bùn của trạm xử lý nước thải, chi tiết công trình xử lý nước thải.
  28. Thi công công trình cấp thoát nước và an toàn lao động: Nội dung chính của môn học: các công tác thi công đất và đá, công tác bê tông, lắp ghép các cấu kiện bê tong cốt thép, lắp đặt đường ống và thiết bị trên mạng lưới cấp thoát nước, lắp đặt máy bơm và các thiết bị xử lý nước, định mức và dự toán, tổ chức và kế hoạch thi công, an toàn lao động trong quá trình thi công lắp đặt công trình và thiết bị cấp thoát nước,…
  29. Đồ án: Thi công công trình cấp thoát nước: Nội dung chính của đồ án môn học: thi công bẻ chứa nước bao gồm công tác đất và công tác bê tông; thi công lắp đặt tuyến đường ống cấp nước hoặc thoát nước bao gồm công tác đất và  công tác lắp đặt đường ống và van khóa,…
    Các bản vẽ  công nghệ thi công công trình và tổ chức  thi công.
  30. Kinh tế ngành cấp thoát nước và môi trường: Nội dung chính của môn học: Các cơ sở lý luận về đầu tư xây dựng công trình xử lý, vận chuyển và phân phối nước cấp;  Thu gom, vận chuyển và xử lý nước thải; kinh tế trong thiết kế xây dựng công trình cấp thoát nước, kinh tế doanh nghiệp cấp nước và doanh nghiệp thoát nước, vòng đời sản phẩm nước, định giá nước cấp và xử lý nước thải,…

Vậy là các bạn đã cùng với Isinhvien tìm tìm hiểu về ngành Kỹ thuật cấp thoát nước. Hy vọng các bạn đã có cái nhìn tổng quan về ngành học này. Nhớ Like, Share để nhận được thông báo sớm nhất nhé!


Để tìm hiểu về nhiều ngành nghề khác các bạn vào link Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Chúc các bạn có thể tìm được ngành nghề phù hợp với bản thân.

Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close