Ngành kỹ thuật công trình biển là gì? – Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm
Ngành kỹ thuật công trình biển hiện đang được đánh giá cao về khả năng việc làm, triển vọng phát triển công việc trong tương lai. Vậy ngành kỹ thuật công trình biển học gì?, chương trình đào tạo?, việc làm thể nào hãy cùng với Isinhvien tìm hiểu ngành kỹ thuật công trình này nhé
Ngành Kỹ thuật công trình biển là gì?
- Ngành đào tạo: KỸ THUẬT CÔNG TRÌNH BIỂN (Coastal and Offshore Engineering)
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thời gian đào tạo: 5 năm
- Ngành kỹ thuật công trình biển là ngành chuyên sâu về thiết kế xây dựng, quản lý các công trình ven biển và công trình biển – dầu khí. Ngành học này đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng và quản lí các công trình bảo vệ bờ và cơ sở hạ tầng ven biển và hải đảo, quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường biển và hải đảo, đáp ứng mục tiêu và nhu cầu phát triển kinh tế biển của đất nước.
Mục tiêu đào tạo của ngành Kỹ thuật công trình biển
Mục tiêu chung: Chương trình đào tạo nhằm trang bị cho sinh viên có đủ kiến thức cơ bản để trở thành Kỹ sư ngành Kỹ thuật Công trình biển, bao gồm 2 chuyên ngành (Kỹ thuật công trình biển ngoài khơi – Offshore Engineering, và Kỹ thuật công trình ven biển – Coastal Engineeting), có thể công tác tại các cơ quan đơn vị đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và quản lý thuộc lĩnh vực xây dựng công trình biển, và một số ngành xây dựng liên quan, phục vụ chiến lược biển và phát triển kinh tế của đất nước trong xu thế hội nhập.
Mục tiêu cụ thể: Sau khi tốt nghiệp, kỹ sư ngành Kỹ thuật Công trình biển có khả năng:
- Tham gia giảng dạy và nghiên cứu thuộc ngành xây dựng công trình biển, và một số ngành ngành xây dựng liên quan.
- Lập các dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và sửa chữa các công trình ngoài khơi và ven biển, và một số loại công trình xây dựng liên quan, tại các đơn vị trong và ngoài nước.
- Tham gia quản lý và khai thác các công trình biển.
- Cập nhật thường xuyên và nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách tự bồi dưỡng và theo học có kết quả các khoá đào tạo liên tục và đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước, nhằm vận dụng kịp thời có hiệu quả vào công tác thực tế.
Những tố chất cần có để học ngành Kỹ thuật công trình biển
Để đáp ứng với ngành Kỹ thuật công trình biển này đòi hỏi người theo nghề cần phải có những tố chất:
- Có ý thức trách nhiệm; tôn trọng pháp luật, có đạo đức, thái độ và tác phong đúng đắn của một cán bộ chuyên ngành;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, tính kỹ luật cao, biết làm việc theo nhóm, theo dự án, say mê khoa học và tự rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn;
- Hiểu biết về các giá trị đạo đức và nghề nghiệp, ý thức về những vấn đề đương đại, hiểu rõ vai trò của các giải pháp kỹ thuật trong bối cảnh kinh tế, môi trường, xã hội toàn cầu và trong bối cảnh riêng của đất nước;
- Ý thức được sự cần thiết phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, có năng lực chuyên môn và khả năng ngoại ngữ để tự học suốt đời;
- Có sức khỏe tốt, đủ điều kiện để làm việc lâu dài trong ngành.
Học ngành Kỹ thuật công trình biển ra trường làm nghề gì?
Đối với những sinh viên mới ra trường mức lương trung bình có thể đạt được từ 7-10 triệu. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào năng lực, vị trí và kinh nghiệm làm việc trong ngành kỹ thuật xây dựng công trình biển mà mức lương có thể cao hơn tử 10-15 triệu/tháng hoặc có thể cao hơn.
- Giảng dạy, nghiên cứu thuộc ngành xây dựng công trình biển, và một số ngành ngành xây dựng liên quan;
- Lập các dự án đầu tư, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng và sửa chữa các công trình ngoài khơi và ven biển, và một số loại công trình xây dựng liên quan, tại các đơn vị trong và ngoài nước;
- Tham gia quản lý và khai thác các công trình biển;
- Cập nhật thường xuyên và nâng cao trình độ chuyên môn bằng cách tự bồi dưỡng và theo học có kết quả các khoá đào tạo liên tục và đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước, nhằm vận dụng kịp thời có hiệu quả vào công tác thực tế.
Với những vị trí công việc trên, các bạn có thể làm tại:
- Cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD), Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt nam (MONRE), Tổng cục Biển và hải đảo Việt nam (VASI), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh;
- Viện nghiên cứu (lĩnh vực Tài nguyên nước, Tài nguyên môi trường biển, Thủy lợi, Đê điều, Công trình thủy, Phòng tránh thiên tai);
- Các trường đại học: Đại học Môi trường, Đại học Thái Nguyên, Đại học Thủy lợi…
- Các công ty tư vấn trong nước và quốc tế trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, xây dựng công trình biển, quy hoạch vùng ven biển và hải đảo (Royal Haskoning DHV, Vinwater…).
Chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật công trình biển
Môn học đại cương
- Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Ngoại ngữ cơ bản
- Giáo dục thể chất
- Giáo dục quốc phòng – an ninh
- Đại số
- Giải tích 1
- Giải tích 2
- Vật lý 1
- Vật lý 2
- Hóa học đại cương
- Tin học đại cương
Môn học chuyên ngành
- Hình họa và vẽ kỹ thuật: Phép chiếu và phương pháp xây dựng hình chiếu không gian lên các mặt phẳng, vẽ hình học, biểu diễn các vật thể, bản vẽ kết cấu công trình, lập bản vẽ công trình và chi tiết kế cấu bằng CAD.
- Cơ học cơ sở:
+ Về hệ tiên đề cơ học, lý thuyết về lực, bài toán cân bằng lực, các chuyển động cơ bản của vật rắn, các định luật Niuton, các định lý tổng quát của động lực học, nguyên lý Đalembe và nguyên lý di chuyển khả dĩ.
+ Chuyển động tương đối, lý thuyết va chạm, các mạnh đề cơ bản của cơ học giải tích, lý thuyết ổn định của chuyển động và dao động của cơ hệ. - Sức bền vật liệu: Về nội lực và ứng suất trong thanh chịu lực dọc, trạng thái ứng suất đơn và phức tạp trong thanh và dầm, các thuyết bền, đặc trưng hình học của thanh và dầm, dầm chịu uốn và xoắn, dầm chịu lực phức tạp, ổn định của thanh chịu nén đúng tâm, dầm chịu tải trọng động.
- Cơ học kết cấu:
+ Cấu tạo hình học của hệ thanh, phân tích nội lực của hệ thanh tĩnh định chịu tải trọng tĩnh bất động và di động, tính toán hệ không gian tĩnh định.
+ Xác định chuyển vị của hệ thanh phẳng tĩnh định, khái niệm về hệ thanh siêu tĩnh và siêu động, phương pháp lực để tính hệ thanh siêu tĩnh, phương pháp chuyển vị tính nội lực của hệ siêu động. - Động lực học công trình: Khái niệm về tải trọng động, bậc tự do của kết cấu công trình, dao động riêng của kết cấu 1 bậc tự do không có lực cản và có lực cản; dao động cưỡng bức của kết cấu 1 bậc tự do chịu tải trọng điều hoà và tải trọng bất kỳ, dao động riêng của kết cấu nhiều bậc tự do, phương pháp chồng mốt để giải bài toán dao động cưỡng bức nhiều bậc tự do.
- Vật liệu xây dựng: Tính năng cơ lý và các yêu cầu kỹ thuật của các loại vật liệu xây dựng phổ biến: đá thiên nhiên, bê tông xi măng, bê tông nhẹ, bê tông asphal, bê tông chịu được môi trường biển, kim loại, chất kết dính vô cơ, gỗ; phương pháp kiểm tra đánh giá các chỉ tiêu cơ lý; các phụ gia bê tông và công nghệ chế tạo bê tông cường độ cao.
- Cơ học chất lỏng và thuỷ lực công trình: Thuỷ tĩnh lực học, thuỷ động lực học chất lỏng, tổn thất cột nước, trạng thái chảy tầng và chảy rối trong ống, dòng chảy có áp trong ống, dòng chảy đều không áp, dòng chảy đều và không đều trong kênh hở, nước nhảy, đập tràn, thấm; tương tác giữa chất lỏng và kết cấu; mô hình vật lý các hiện tượng thuỷ lực.
- Trắc địa: Định vị điểm, định hướng đường thẳng, bản đồ địa hình, sử dụng bản đồ, tính toán trắc địa, đo góc, đo dài, đo cao; lưới khống chế mặt bằng, lưới không chế độ cao; đo vẽ bản đồ, đo vẽ mặt cắt địa hình; các dạng bố trí địa hình, bố trí đường cong tròn; đo vẽ hoàn công; quan trắc biến dạng công trình.
- Cơ học đất: Các tính chất cơ học của đất; xác định ứng suất trong đất; độ bền, ổn định của khối đất, áp lực đất lên vật chắn; biến dạng của đất và tính toán độ lún của nền công trình; các tính chất cơ học của đá.
- Nền móng công trình: Các nguyên tắc tính toán và thiết kế nền móng công trình, tính toán móng nông, tính toán móng sâu, giải pháp gia cố nền đất yếu, tính toán móng chịu tải trọng động, tải trọng động đất.
- Kết cấu bê tông cốt thép: Tính toán và cấu tạo các cấu kiện bê tông cố thép chịu nén, kéo, uốn và xoắn; tính toán biến dạng và nứt, tính toán và cấu tạo các cấu kiện bê tông cốt thép ứng suất trước, tính toán và cấu tạo sàn phẳng.
- Kết cấu thép: Vật liệu thép trong kết cấu xây dựng, cấu tạo và tính toán các loại liên kết bằng hàn, bu lông và đinh tán; tính toán và thiết kế các cấu kiện cơ bản như dầm thép, cột thép và dàn thép.
- Lý thuyết độ tin cậy của kết cấu công trình: Mở đầu, cơ sở toán học của lý thuyết độ tin cậy, bài toán tổng quát của lý thuyết độ tin cậy của kết cấu công trình, xác định độ tin cậy và chỉ số độ tin cậy của phần tử và hệ kết cấu chịu các tác động là đại lượng ngẫu nhiên và quá trình ngẫu nhiên; đánh giá tuổi thọ mỏi của kết cấu công trình.
- Phương pháp số và tin học ứng dụng để tính toán kết cấu công trình: Khái quát về các phương pháp số trong tính toán kết cấu, phương pháp phần tử hữu hạn để tính toán hệ thanh, hệ 2D và 3D, phương pháp sai phân để giải các bài toán động lực học kết cấu trong miền thời gian; thuật toán và phương pháp khai thác một số phần mềm thông dụng để tính toán kết cấu (cần sử dụng để làm các đồ án môn học và đồ án tốt nghiệp).
- Cơ sở kỹ thuật thi công xây dựng: Khái niệm cơ bản về thi công xây dựng, thi công đất, thi công bê tông cốt thép toàn khối, thi công lắp ghép kết cấu thép, tổ chức thi công xây dựng.
- Cơ sở lập dự án đầu tư và quản lý dự án: Khái niệm về kinh tế xây dựng, phương pháp lập và đánh giá các dự án đầu tư, các nguyên tắc cơ bản của quản lý dự án xây dựng, vận dụng vào các dự án xây dựng công trình biển.
- Tài nguyên biển, luật biển và luật môi trường biển: Biển và các tài nguyên biển; công ước quốc tế về Luật biển 1982; biển Việt Nam và chiến lược phát triển kinh tế biển; các văn kiện quốc tế quan trọng về công ước và luật liên quan đến an toàn hoạt động trên biển và bảo vệ môi trường biển.
- Môi trường biển tác động lên công trình: Khái niệm về hải dương học, các yếu tố của môi trường biển tác động lên công trình (khí tượng, thuỷ văn, động lực biển, và các yếu tố liên quan khác); tính chất động học và động lực học của các yếu tố: gió và bão, dòng chảy, sóng biển (gồm sóng tiền định mô tả theo các lý thuyết sóng và sóng ngẫu nhiên mô tả theo các phổ sóng); thuỷ triều và nước dâng do bão; tác động xâm thực của nước biển và sinh vật biển (hà bám) lên công trình.
- Quy hoạch các công trình ven biển: Các loại công trình ven biển và phân cấp công trình phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ phòng chống thiên tai; nguyên tắc lập quy hoạch các công trình ven biển; xác định cấu hình cơ bản của các công trình ven biển trong quy hoach tổng thể; các bài toán cần giải quyết phục vụ thiết kế các công trình ven biển.
- Công nghiệp dầu khí và quy hoạch các công trình ngoài khơi: Khái niệm về ngành công nghiệp dầu khí và tình hình khai thác dầu khí trên thế giới; kỹ thuật tìm kiếm và thăm dò dầu khí ngoài biển; tiêu chuẩn mỏ thương mại và nguyên tắc lập quy hoạch xây dựng công trình ngoài khơi khai thác dầu khí; phân loại công trình biển và đặc tính các công trình điển hình; xu thế phát triển các loại công trình biển phục vụ khai thác vùng nước sâu; ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và vai trò của các công trình biển.
- Ăn mòn vật liệu xây dựng trong môi trường biển: Bản chất của hiện tượng ăn mòn kim loại trong môi trường biển; các tác động ăn mòn ảnh hưởng đến chất lượng công trình biển, các phương pháp và giải pháp chống ăn mòn kim loại cho các công trình biển (sơn phủ, bảo vệ catốt bằng dòng điện áp, anốt hy sinh,..).
- Động lực học cửa sông và ven biển: Các hiện tượng vật lý ảnh hưởng đến động lực của sông và ven biển, dòng chảy cửa sông vùng triều; chuyển động bùn cát cửa sông và diễn biến của sông, dòng chảy ven biển, chuyển động bùn cát ven biển và hình thái bờ biển.
- Công trình bảo vệ bờ biển: Hình thái bờ biển và quá trình diễn biến bờ biển; nguyên nhân gây xói lở bờ biển và các dạng phá hoại đối với bờ biển, các biện pháp bảo vệ bờ biển, các yếu tố và tải trọng tác động lên công trình ven bờ biển; thiết kế đê biển, thiết kế các công trình bổ trợ (ngăn cát và giảm sóng); yêu cầu kỹ thuật về thi công công trình bảo vệ bờ biển.
- Cảng biển: Phân cấp và phân loại cảng biển; quy hoạch tổng quát cho một cảng biển; cấu hình tổng quát của công trình bến cảng và bể cảng; các yếu tố và tải trọng tác động lên công trình; thiết kế kế công trình bến và đê chắn sóng. Thi công công trình bến và đê chắn sóng.
- Công trình biển cố định:
+ Sự phát triển các công trình biển cố định bằng thép móng cọc và bằng bê tông móng trọng lực; nguyên lý cấu tạo, nguyên lý thi công xây dựng và đặc điểm chịu lực; nguyên tắc thiết kế; các tải trọng tác động lên công trình biển cố định bằng thép kiểu Jacket; tính toán tĩnh và động kết cấu chân đế Jacket, tính toán móng cọc; thiết kế kết cấu chân đế; thiết kế chống ăn mòn cho kết cấu chân đế; các bài toán chủ yếu trong tính toán và thiết kế công trình biển bê tông kiểu trọng lực.
+ Tổ chức thi công kết cấu công trình biển bằng thép (trên bãi lắp ráp, hạ thuỷ xuống sà lan mặt boong, vận chuyển trên biển, đánh chìm và dựng lắp tại mỏ); các bài toán trong các giai đoạn thi công, tổ chức thi công công trình biển bê tông trọng lực. - Công trình biển mềm và phương tiện nổi: Sự phát triển các công trình biển mềm và xu thế khai thác dầu khí ở các vùng nước sâu – cực sâu; phân loại, nguyên lý cấu tạo và đặc điểm từng loại công trình biển mềm; nguyên lý tính toán thiết kế một số công trình biển mềm điển hình (công trình biển nổi neo đứng “TLP”, công trình biển bán chìm “Semi-submersible”; bể chứa dầu nổi một điểm neo “FPSO”); phân loại và nguyên lý tính toán ổn định phương tiện nổi.
- Đường ống dầu khí và trạm bơm: Hệ thống công nghệ vận chuyển và chứa đựng dầu và khí ở ngoài biển và trên đất liền; nguyên lý cấu tạo, tính toán, thiết kế và thi công hệ thống đường ống vận chuyển dầu khí ngoài biển (bao gồm cả ống đứng “Riser”) và trên đất liền; nguyên lý thiết kế trạm bơm và nén khí phục vụ vận chuyển dầu và khí.
Hy vọng những thông tin mà Isinhvien truyền tải đến các bạn đã giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ngành học Kỹ thuật công trình biển, nhớ like share trang để mọi người cùng biết đến nha.
Để tìm hiểu thêm về các ngành nghề khác thì các bạn nhấn vào link Danh sách các ngành nghề hệ đại đuọc đào tạo ở việt nam hiện nay. Để tìm hiểu về các ngành nghề khác nhé!