Ngành đào tạo

Ngành kỹ thuật điện tử là gì? – Học gì? – Làm gì?

Kỹ thuật điện tử không ngừng phát triển và được ứng dụng thực tế vào đời sống rất nhiều. Ngành kỹ thuật điện tử hiện đang là ngành học rất "HOT" ở Việt Nam hay cùng với Isinhvien tìm hiểu về ngành học này nhé!

Ngành kỹ thuật điện tử là gì?

  • Ngành đào tạo: KỸ THUẬT ĐIỆN TỬ (Electronic Engineering)
  • Trình độ đào tạo: Đại học
  • Thời gian đào tạo: 5 năm
  • Ngành kỹ thuật điện tử sử dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để tạo nên các thiết bị vệ tinh, cáp và thiết bị điện tử như: máy thu hình, điện thoại, máy tính cá nhân, máy tính bản… nhằm xây dựng hệ thống mạng thông tin liên lạc trên toàn cầu, giúp việc trao đổi thông tin diễn ra thuận lợi trong những điều kiện không gian và thời gian khác nhau
Ảnh minh họa kỹ thuật điện tử
Ảnh minh họa kỹ thuật điện tử

Mục tiêu đào tạo của ngành kỹ thuật điện tử

Mục tiêu chung: Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Điện tử nhằm trang bị cho người tốt nghiệp kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức kỹ thuật chuyên môn vững chắc, năng lực thực hành nghề nghiệp thành thạo, khả năng thích ứng cao với môi trường kinh tế – xã hội, khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết tốt những vấn đề khoa học và kỹ thuật của ngành Điện tử, có chuẩn mực đạo đức cao trong nghề nghiệp, trung thành với Tổ quốc, phục vụ tốt đất nước và xã hội.


Mục tiêu cụ thể: Người tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tử có khả năng tham gia xây dựng dự án, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành các hệ thống điện tử như: tổng đài, máy thu phát sóng,… trong vị trí công việc của kỹ sư thiết kế, kỹ sư vận hành, quản lý sản xuất, hoặc giảng dạy, nghiên cứu.

Những tố chất cần có để học ngành kỹ thuật điện tử

Để có thể học tập và làm việc trong ngành kỹ thuật điện tử thì sinh viên cần có nhưng tố chất sau:

  • Có khả năng sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin;
  • Khả năng phân tích, tổng hợp và giải quyết các bài toán kỹ thuật;
  • Tư duy độc lập, làm việc nhóm hiệu quả;
  • Khả năng trình bày và báo cáo kết quả;
  • Kỹ năng thiết kế, lắp đặt, vận hành các thiết bị và hệ thống điện tử – viễn thông;
  • Tinh thần ham học hỏi, thái độ học tập nghiêm túc;
  • Có tính kiên trì, nhẫn nại, có trách nhiệm;
  • Có kỹ năng làm việc nhóm;
  • Kỹ năng sắp xếp và quản lý thời gian một cách hiệu quả.

Học ngành kỹ thuật điện tử ra trường làm gì?

Mức lương của các kỹ sư kỹ thuật điện tử mới ra trường có thể đạt được 7 – 10 triệu/ tháng. Trong ngành này người ta có thể đạt mức lương trung bình 20 triệu/ tháng tùy kinh nghiệm và khả năng của bạn


  • Kỹ sư thiết kế tối ưu mạng, quản lý mạng, vận hành hệ thống mạng viễn thông phức tạp.
  • Kỹ sư thiết kế và viết phần mềm cho máy tính, thiết kế và viết phần mềm cho các thiết bị thông minh như điện thoại di động, rô bốt, xe ô tô.
  • Kỹ sư thiết kế vi mạch kiểm thử vi mạch, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực bán dẫn cũng như các công nghệ vật liệu điện tử tiên tiến khác.
  • Kỹ sư thiết kế, chế tạo, vận hành thiết bị y tế, hệ thống thông tin y tế, hệ thống điện tử hàng không vũ trụ, hệ thống đa phương tiện.
  • Chuyên viên tư vấn, thiết kế, vận hành, điều hành kỹ thuật tại các đài phát thanh, đài truyền hình, công ty tư vấn thiết kế mạng viễn thông, công ty thiết kế sản xuất vi mạch.
  • Chuyên viên thiết kế, quy hoạch mạng và tối ưu mạng tại các công ty viễn thông, doanh nghiệp tư nhân về điện tử – viễn thông.
  • Chuyên viên thiết kế truyền dẫn, vận hành, bảo trì tại các công ty điện tử, viễn thông, công ty sản xuất phần mềm thế giới di động.

Chương trình đào tạo của ngành điện tử

Môn học đại cương

  1. Những lý thuyết cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin
  2. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  3. Đương lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam
  4. Ngoại ngữ cơ bản
  5. Đại số
  6. Giải tích 1
  7. Giải tích 2
  8. Vật lý 1
  9. Vật lý 2
  10. Hóa học đại cương
  11. Tin học đại cương
  12. Giáo dục thể chất
  13. Giáo dục quốc phòng – an ninh

Môn học chuyên ngành

  1. Lập trình: Các khái niệm cơ bản về lập trình (lịch sử phát triển, phân loại ngôn ngữ lập trình, các thành phần chính của một ngôn ngữ lập trình.v.v.), ngôn ngữ lập trình C (cấu trúc chung của chương trình C, định danh và từ khóa, các kiểu dữ liệu, con trỏ, các kiểu tổ hợp, các loại toán tử, điều khiển thực hiện chương trình, hàm…), ngôn ngữ C++ (cơ cấu lớp, sự kế thừa, hàm ảo và hàm bạn, stream và file, các bản mẫu, các giải thuật, đối tượng hàm…), các cấu trúc dữ liệu cơ bản (danh sách, hàng đợi, cây nhị phân…).
  2. Lý thuyết mạch: Các khái niệm cơ bản của mạch điện tuyến tính, phương pháp chung phân tích mạch điện – định luật Kirchhoff, điện áp nút, dòng điện vòng. Mạch RL, RLC, RC. Đồ thị Bode. ứng dụng mạch bốn cực. Mạch 4 cực tương hỗ và không tương hỗ. Tổng hợp mạch thụ động và tích cực.
  3. Trường điện từ:
    + Điện trường tĩnh: Giới thiệu về điện trường tĩnh. Các đặc tính cơ bản của trường tĩnh điện.
    + Từ trường tĩnh: Các định luật cơ bản của dòng điện dẫn, định lượng Ampere, các đặc tính cơ bản của từ trường tĩnh.
    + Trường điện từ biến thiên: Các phương trình Maxwell. Năng lượng của trường điện từ. Định lý Pointing. Véctơ Pointing.
  4. Lý thuyết thông tin: Lý thuyết về tin và lượng tin, entropy, mã hóa nguồn, tổng quan về mã hóa kênh (chi tiết của mã hóa kênh (chanel coding) được trình bày trong môn Thông tin số), định lý Shannon, tín hiệu ngẫu nhiên và nhiễu, tín hiệu và phổ, biến đổi Fourier, hàm truyền đạt của hệ thống truyền. Điều chế AM, FM.
  5. Điện tử số:
    + Khái niệm chung: các hệ đếm và biểu diễn dữ liệu, đại số Boole, các cổng logic cơ bản, công nghệ chế tạo (TTL, CMOS,…).
    + Thiết kế mạch logic tổ hợp: Bìa Karnaugh, Quine McClusky, hazard, các mạch cơ bản (encoder, decoder, ALU, MUX, DEMUX, Adder…).
  6. Cấu kiện điện tử: Các loại vật liệu: điện môi, bán dẫn, từ; linh kiện thụ động: điện trở, tụ điện, cuộn cảm; cấu trúc và hoạt động các loại điốt bán dẫn, transistor lưỡng cực, transistor trường, các thiết bị bán dẫn khác, IC tương tự, IC số, quang điện tử, thiết bị hiển thị.
  7. Xử lý số tín hiệu: Xử lý số tín hiệu (Tín hiệu và hệ thống): biến đổi Laplace, biến đổi Z, biểu diễn hệ thống và tín hiệu trong miền tần số liên tục, miền tần số rời rạc, tính ổn định của hệ thống, thiết kế các bộ lọc số FIR, IIR.
  8. Điện tử tương tự I:
    + Khuếch đại: Các phần tử tích cực chính – transistor lưỡng cực và transistor trường: nguyên lý hoạt động, tính chất.
    + Các cách mắc mạch, thiên áp cơ bản và tính chất từng cách.
  9. Kỹ thuật vi xử lý:
    + Giới thiệu về vi xử lý: chức năng, cấu trúc và hoạt động của bộ vi xử lý, tập lệnh, các chế độ địa chỉ, tổ chức bộ nhớ, cổng vào ra.
    + Thiết kế bộ vi xử lý RISC và CISC: thiết kế tập lệnh, thiết kế ALU và các thanh ghi, thiết kế đơn vị điều khiển.
  10. Đo lường điện tử: Lý thuyết đo lường. Các nguyên nhân gây ra sai số trong đo lường, phương pháp định lượng sai số và cách quan sát và xác định kết quả đo. Cấu tạo của các loại oxilo: oxilo nhiều kênh, hai tia, điện tử số. Thực hiện các phép đo điện áp, dòng điện, trở kháng, công suất, tần số, khoảng thời gian, độ di pha. Đo tham số điều chế và phân tích phổ tính hiệu. Đo các mạch điện có tham số tập trung và tham số phân bố. Đo mạch số và vi xử lý dựa trên các phương pháp phân tích logic, phân tích giản đồ thời gian logic.v.v. Giới thiệu sơ qua về thực hiện đo lường tự động.
  11. Cơ sở điều khiển tự động: Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ sở về phân tích và tổng hợp các hệ thống điều khiển tự động: khái niệm cơ bản về hệ thống và tín hiệu, phương pháp mô hình hóa hệ thống kỹ thuật, các phương pháp phân tích hệ kỹ thuật trên cơ sở mô hình toán học của hệ. Phương pháp tổng hợp hệ thống điều khiển ở miền tần số và trong không gian trạng thái.
  12. Điện tử tương tự II:
    + Đi sâu về các hoạt động và ứng dụng của mạch điện tử, thiết kế mạch điện tử.
    + Mạch tạo dao động: cách tạo, mạch tạo dao động sử dụng RC, LC, ổn định biên độ…
    + Mạch biến đổi tần số: mạch trộn, mạch điều chế, mạch tách sóng.
    + Mạch biến đổi A/D, D/A.
  13. Điện tử công suất: Cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về linh kiện điện tử công suất và các sơ đồ biến đổi năng lượng điện cơ bản: linh kiện bán dẫn công suất; chỉnh lưu có điều khiển; bộ biến đổi điện áp xoay chiều – xoay chiều; bộ biến đổi áp một chiều – một chiều; bộ biến đổi điện áp một chiều – xoay chiều.
  14. Điện tử công nghiệp: (PLC) Cấu trúc của PLC, logic ladder, các thiết bị vào ra (sensors, actuators), hoạt động của PLC, thiết kế dung flowchart, state machine, IL, structured text programming, case studies.
  15. Thiết kế dùng vi mạch lập trình được:
    + Giới thiệu chung về công nghệ IC lập trình được.
    + Phần mềm thiết kế.
    + Thiết kế phần cứng, VHDL, FPGA, PLD, ứng dụng.
    + Thiết kế 1 mạch nhất định trong thực tế.
  16. Thực tập tốt nghiệp: Đưa ra mục đích, yêu cầu, quy trình, cách tổ chức thực hiện, cách đánh giá với quá trình thực tập tốt nghiệp.
  17. Đồ án tốt nghiệp: Đưa ra mục đích, yêu cầu, quy trình, cách tổ chức thực hiện, cách đánh giá với đồ án tốt nghiệp.

Hy vọng những thông tin mà Isinhvien truyền tải đến các bạn đã giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ngành Kỹ thuật điện tử. Nhớ like và share trang để mọi người cùng biết đến nha.


Để tìm hiểu thêm về các ngành nghề khác thì các bạn nhấn vào link Danh sách các ngành nghề hệ đại đuọc đào tạo ở việt nam hiện nay. Để tìm hiểu về các ngành nghề khác nhé!

Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close