Vốn cố định là gì? Phân biệt giữa vốn cố định và vốn lưu động
Vốn cố định là một thuật ngữ không còn quá xa lạ với những bạn dân kinh kế. Tuy vậy vẫn còn nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về vốn cố định là gì và thường nhầm lẫn giữa vốn cố định và vốn lưu động. Trong bài viết dưới đây bạn hãy cùng Isinhvien đi tìm hiểu những thông tin về vốn cố định là gì và từ đó giúp phân biệt được nó với vốn lưu động nhé.
Vốn cố định là gì?
Vốn cố định là số tiền đầu tư, ứng trước cho mua sắm, xây dựng hoặc lắp đặt tài sản cố định hữu hình hoặc tài sản cố định vô hình được luân chuyển dần dần thành từng phần trong nhiều chu kỳ trong quá trình sản xuất, kinh doanh và kết thúc một vòng tuần hoàn kể từ khi tài sản cố định hết thời gian sử dụng.
Những đặc điểm của tài sản cố định trong quá trình sử dụng có ảnh hưởng quyết định và chi phối đặc điểm luân chuyển của vốn cố định. Có thể thấy quá trình luân chuyên của vốn cố định bao gồm những đặc điểm sau:
- Vốn cố định tham gia vào nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Vốn cố định được luân chuyển dần dần từng phần vào trong các chu kỳ sản xuất kinh doanh. Khi tham gia vào quá trình sản xuất, một bộ phận vốn cố định được luân chuyển và trở thành một khoản chi phí sản xuất (chi phí khấu hao tài sản cố định) tương ứng với phần hao mòn của tài sản cố định.
- Sau nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh vốn cố định mới hoàn thành một vòng luân chuyển: Sau mỗi chu kỳ sản xuất, phần vốn cố định được luân chuyển vào giá trị sản phẩm dưới dạng khấu hao được tăng lên, song phần vốn đầu tư ban đầu vào tài sản cố định (giá trị còn lại của tài sản cố định sau khấu hao) thì lại giảm xuống.
- Khi tài sản cố định hết thời gian sử dụng, giá trị của nó được chuyển dịch hết vào giá trị sản phẩm làm ra của doanh nghiệp thì vốn cố định mới hoàn thành một vòng luân chuyển.
Vốn cố định bao gồm những gì?
Vốn cố định bao gồm các tài sản và đầu tư vốn, chẳng hạn như tài sản, nhà máy và thiết bị (PP&E) cần thiết để bắt đầu và tiến hành hoạt động kinh doanh, ngay cả ở giai đoạn tối thiểu. Những tài sản này được coi là cố định ở chỗ chúng không bị tiêu thụ hoặc bị phá hủy trong quá trình sản xuất thực tế hàng hóa hoặc dịch vụ nhưng có giá trị tái sử dụng. Các khoản đầu tư vốn cố định thường được khấu hao trên báo cáo kế toán của công ty trong một khoảng thời gian dài — lên đến 20 năm hoặc hơn.
Vai trò của vốn cố định
Từ những khái niệm trên đã giúp cho các bạn hiểu được vốn cố định là gì? Tiếp theo sau đây sẽ là vai trò của vốn cố định trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp:
- Đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục từ khoản mua sắm vật tư, sản xuất cho đến tiêu thụ sản phẩm.
- Đặc biệt, sử dụng vốn để đầu tư cho công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm góp phần giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển vững chắc hơn.
- Ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi lẽ quy mô nguồn vốn có tác động mạnh mẽ đến hoạt động xây dựng phương án kinh doanh của doanh nghiệp.
- Việc đảm bảo nguồn vốn còn giúp doanh nghiệp hạn chế được các rủi ro, tổn thất, biến động thị trường, khủng hoảng tài chính.
- Tạo thế chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp.
Vốn cố định trong bảng cân đối kế toán
Vốn cố định không được thể hiện trực tiếp trong một chỉ tiêu trong bảng cân đối kế toán. Nguồn vốn này thường được xác định bằng giá trị những TSCĐ mà doanh nghiệp đã đầu tư vào quá trình sản xuất kinh doanh.
Do đó, vốn cố định của doanh nghiệp sẽ bao gồm các chỉ tiêu như: giá trị tài sản cố định, số tiền đầu tư tài chính dài hạn, chi phí xây dựng cơ bản dở dang, giá trị tài sản cố định thế chấp dài hạn…
Hiệu suất sử dụng vốn cố định
Doanh nghiệp thường so sánh chất lượng sản xuất kinh doanh giữa các kỳ qua việc xác định hiệu xuất sử dụng vốn cố định qua công thức:
DT: Tổng doanh thu tiêu thụ
VCĐ: Vốn cố định sử dụng bình quân trong kỳ
VCĐ = (Giá trị còn lại đầu kỳ + Giá trị còn lại cuối kỳ)/2
Công thức xác định vốn cố định
Số khấu hao lũy kế là tổng cộng số khấu hao đã trích vào chi phí sản xuất, kinh doanh qua các kỳ SXKD của TSCĐ tính đến thời điểm báo cáo.
Phân biệt vốn cố định và vốn lưu động
Tùy thuộc vào mục đích, cách thức,… mà vốn được chia thành vốn lưu động và vốn cố định. Cùng theo dõi bảng so sánh dưới đây để phân biệt vốn lưu động và vốn cố định dựa theo các tiêu chí cụ thể:
Cơ sở so sánh | Vốn cố định | Vốn lưu động |
---|---|---|
Định nghĩa | Vốn cố định là các khoản đầu tư mà doanh nghiệp thực hiện để tích lũy lợi ích lâu dài. | Vốn lưu động là nhu cầu hàng ngày được bơm vào doanh nghiệp. |
Chức năng | Vốn cố định được sử dụng để mua các tài sản dài hạn của doanh nghiệp. | Vốn lưu động được sử dụng để tạo ra tài sản lưu động của doanh nghiệp. |
Khả năng thanh khoản | Vốn cố định không thể thanh khoản thành tiền mặt ngay lập tức | Vốn lưu động có thể được thanh lý thành tiền mặt ngay lập tức. |
Kỳ hạn | Vốn cố định phục vụ doanh nghiệp trong một thời gian dài. | Vốn lưu động phục vụ công việc kinh doanh trong một thời gian ngắn |
Kỳ kế toán | Mang lại lợi ích cho nhiều kỳ kế toán. | Mang lại lợi ích cho ít hơn một kỳ kế toán. |
Mục tiêu | Định hướng chiến lược. | Hoạt động. |
Tiêu dùng | Không được tiêu thụ trực tiếp bởi doanh nghiệp mà phục vụ doanh nghiệp một cách gián tiếp. | Doanh nghiệp cần vốn lưu động để hoạt động. |
Trên đây là bài viết tổng hợp tìm hiểu khái niệm vốn cố định là gì? Những vấn đề xoay quanh khái niệm cũng như sự khác nhau giữa vốn cố định và vốn lưu động trong doanh nghiệp. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích phục vụ cho quá trình học tập và công việc. Đừng quên liên hệ với Isinhvien nếu bạn có thắc mắc cần giải đáp hoặc vấn đề cần sự hỗ trợ nhé!