Ngành đào tạo

Kỹ thuật chế tạo – Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm

Được xem là ngành dẫn đầu trong nhóm ngành cơ khí, Ngành Kỹ thuật cơ khí đang có một chỗ đứng cao trên thị trường việc làm, hãy cùng với Isinhvien tìm hiểu chương trình đào tạo và việc làm sau này sẽ thế nào nhé!

Ngành Kỹ thuật chế tạo là gì?

  • Ngành đào tạo: KỸ THUẬT CHẾ TẠO (Manufacturing Engineering)
  • Trình độ đào tạo: Đại học
  • Thời gian đào tạo: 5 năm
  • Công nghệ chế tạo máy (tiếng Anh là Machinery Manufacturing Technology) là ngành ứng dụng các nguyên lý vật lý để tạo ra các loại máy móc và thiết bị hoặc các vật dụng hữu ích. Ngành có vai trò tham gia trong hoạt động sản xuất thực tế, nơi các kỹ sư công nghệ chế tạo máy tham gia việc vận hành toàn bộ quy trình chế tạo ra các sản phẩm (cơ khí), đồng thời tối ưu hóa quá trình sản xuất đảm bảo tính hiệu quả, tính kinh tế nhất có thể. Ngành này phục vụ cho công tác thiết kế trong các lĩnh vực như ô tô, máy bay và các phương tiện giao thông khác, các hệ thống gia nhiệt và làm lạnh, đồ dùng gia đình, máy móc và thiết bị sản xuất, vũ khí…
Ảnh minh họa kỹ thuật chế tạo
Ảnh minh họa kỹ thuật chế tạo

Mục tiêu đào tạo của ngành Kỹ thuật chế tạo

Mục tiêu chung: Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật chế tạo nhằm trang bị cho người tốt nghiệp kiến thức khoa học cơ bản và kiến thức kỹ thuật chuyên môn vững chắc, năng lực thực hành nghề nghiệp thành thạo, khả năng thích ứng cao với môi trường kinh tế – xã hội, khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết tốt những vấn đề khoa học và kỹ thuật của ngành công nghệ chế tạo, có chuẩn mực đạo đức cao trong nghề nghiệp, trung thành với Tổ quốc, phục vụ tốt đất nước và xã hội.


Mục tiêu cụ thể: Người tốt nghiệp ngành Kỹ thuật chế tạo có khả năng tham gia xây dựng dự án, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành các hệ thống sản xuất công nghiệp, trong vị trí công việc của kỹ sư thiết kế, kỹ sư vận hành, quản lý sản xuất trên các hệ thống sản xuất công nghiệp, hoặc giảng dạy, nghiên cứu về các kiến thức liên quan đến lĩnh vực này.

Những tố chất cần có để học ngành Kỹ thuật chế tạo

  • Có tư duy sáng tạo và tư duy logic;
  • Yêu thích máy móc và công nghệ máy;
  • Ham học mỏi và tìm hiểu;
  • Có sức khỏe tốt, có khả năng chịu áp lực công việc;
  • Có khả năng làm việc độc lập.

Học ngành Kỹ thuật chế tạo ra trường làm nghề gì?

  • Làm các công việc kỹ thuật, quản lý, điều hành sản xuất tại các đơn vị sản xuất cơ khí chế tạo máy.
  • Tư vấn, thiết kế, vận hành, điều khiển hệ thống sản xuất chế tạo máy, kiểm tra bảo dưỡng thiết bị, quản lý, tổ chức sản xuất tại các đơn vị có trang bị dây chuyền và thiết bị tự động hóa phục vụ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.
  • Làm việc ở các cơ quan quản lý có liên quan đến lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.
  • Thi công hoặc giám sát việc thi công và hoàn tất các máy và thiết bị sản xuất đã thiết kế.
  • Tham gia bộ phận vẽ kỹ thuật cơ khí, đòi hỏi phải có kiến thức về cơ khí, các phần mềm CAD.
  • Lập trình gia công máy CNC.
  • Tham gia lắp đặt các thiết bị máy móc cơ khí cho các nhà máy, công trình: Nhà máy thủy điện, nhiệt điện, xi măng, đóng tàu…
  • Tham gia công việc khai thác hệ thống sản xuất công nghiệp: vận hành, bảo trì, xử lý sự cố các thiết bị công nghiệp.
  • Tham gia thiết kế các sản phẩm cơ khí, giám sát quá trình sản xuất ra các thiết bị cơ khí đó.
  • Giảng dạy các môn học của chuyên ngành Công nghệ chế tạo máy ở các trường Đại học, Cao đẳng.
  • Nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo máy ở các Viện nghiên cứu, các trung tâm, các cơ quan nghiên cứu của các Bộ, ngành, các trường Đại học, Đại học và Cao đẳng.

Chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật chế tạo

Môn học đại cương

  1. Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin
  2. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  3. Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
  4. Ngoại ngữ cơ bản
  5. Đại số
  6. Giải tích 1
  7. Giải tích 2
  8. Vật lý 1
  9. Vật lý 2
  10. Hóa học đại cương
  11. Tin học đại cương
  12. Giáo dục thể chất
  13. Giáo dục quốc phòng – an ninh

Môn học chuyên ngành

  1. Cơ học kỹ thuật: Hệ tiên đề tĩnh học. Liên kết và phản lực liên kết. Hệ lực, các đặc trưng tác dụng của hệ lực. Thu gọn hệ lực về một tâm. Điều kiện cân bằng của vật rắn. Trọng tâm của vật rắn. Động học điểm. Các chuyển động cơ bản của vật rắn: Song phẳng, phức hợp. Động học vật rắn không gian, các góc Ơ le, chuyển động quay tiến động đều, cơ cấu hành tinh, vi sai. Động học robot. Hệ các tiên đề Newton, động lực học vật rắn và cơ hệ. Các định lý tổng quát của động lực học. Các nguyên lý cơ học, phương pháp tính toán các đại lượng động lực, các phương pháp của cơ học giải tích. ứng dụng phần mềm MAPLE.
  2. Hình họa – Vẽ kỹ thuật:
    + Phép chiếu và hình biểu diễn của: điểm, đường, mặt. Vấn đề liên thuộc và thấy khuất. Biến đổi hình chiếu và các bài toán về lượng. Kỹ thuật vẽ giao tuyến. Kỹ thuật khai triển bề mặt. Các tiêu chuẩn trong vẽ kỹ thuật.
    + Các hình biểu diễn trong vẽ kỹ thuật: Hình chiếu cơ bản, hình chiếu phụ, hình cắt, mặt cắt, hình chiếu đo, hình trích. Phân tích, đọc hiểu bản vẽ phẳng, vật thể xuyên. Biểu diễn các chi tiết ghép và mối ghép. Biểu diễn các chi tiết truyền động và các bộ truyền động.
    + Tạo bản vẽ lắp. Đọc hiểu bản vẽ lắp và vẽ tách chi tiết. Dung sai, lắp ghép, nhám bề mặt. Sử dụng Auto_CAD 2D và 3D.
  3. Sức bền vật liệu: Các kiến thức cơ bản về nội lực, ngoại lực, ứng suất, biến dạng, chuyển vị; Các hình thức chịu lực cơ bản: thanh chịu kéo; nén; uốn; xoắn; thanh chịu lực phức tạp; tính toán ổn định; tính chuyển vị; giải hệ siêu tĩnh bằng phương pháp lực; tính ứng suất khi chịu tải trọng động.
  4. Cơ sở thiết kế máy: Định nghĩa, các khái niệm cơ bản về cấu trúc, cấu tạo của cơ cấu. Phân tích, tổng hợp động học, lực học và động lực học của các cơ cấu máy. Khái niệm cơ bản trong tính toán thiết kế chi tiết máy: tải trọng, ứng suất, khả năng làm việc, độ bền mỏi. Quy trình tính toán thiết kế chi tiết máy và các bộ truyền động.
  5. Kỹ thuật đo: Dung sai lắp ghép, xác định dung sai kích thước, sai lệch hình dạng, vị trí tương quan, nhám bề mặt; chọn kiểu lắp tiêu chuẩn cho các mối ghép cơ bản. Các phương pháp đo và dụng cụ đo lường kiểm tra thông số hình học và một số thông số vật lý của chi tiết cơ khí. Xác định sai số, xử lý và viết báo cáo đánh giá kết quả đo.
  6. Vật liệu học: Cơ sở lý thuyết vật liệu học và nhiệt luyện (bao gồm vật liệu kim loại và hợp kim, vật liệu bimetal và com-pozit, vật liệu phi kim loại) để có thể tính toán, thiết kế, xây dựng quy trình công nghệ tạo hình cho một chi tiết máy bất kỳ. Lựa chọn phương án công nghệ và thiết bị phù hợp, tối ưu quy trình công nghệ để tạo hình sản phẩm.
  7. Đồ án Cơ sở thiết kế máy: Phân bố tỷ số truyền hợp lý cho các bộ truyền thành phần; tính toán thiết kế các bộ truyền thành phần; tính toán thiết kế các chi tiết cần thiết, vỏ hộp, chi tiết phụ và chế độ bôi trơn. Lập bảng số liệu các thông số kỹ thuật.
  8. Kỹ thuật điều khiển tự động: Khái niệm cơ bản phần tử điều khiển và hệ thống điều khiển. Phương pháp mô tả hệ thống kỹ thuật. Các phương pháp phân tích, đánh giá chất lượng và thiết kế hệ thống điều khiển tự động nói chung và trong lĩnh vực cơ khí chế tạo nói riêng.
  9. Kỹ thuật an toàn và môi trường: Pháp lệnh bảo hộ lao động, vệ sinh lao động, kỹ thuật an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường không khí, bảo vệ nguồn nước và sản xuất sạch hơn.
  10. Hệ thống sản xuất: Các khái niệm cơ bản về hệ thống sản xuất, phương pháp tiếp cận với hệ thống; mô hình hóa và đo lường trong sản xuất công nghiệp; các khái niệm cơ bản về công cụ và kỹ thuật trong sản xuất công nghiệp; các khái niệm về quản trị trong hệ thống sản xuất; thúc đẩy và lợi thế trong sản xuất; cung ứng và quản lý chuỗi cung cấp.
  11. Quản lý chất lượng: Các khái niệm, định nghĩa, các quan niệm về chất lượng và quản lý chất lượng. Nội dung của các hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, TQM, sáu Sigma…
  12. Nguyên lý và dụng cụ cắt: Nội dung chính của học phần bao gồm: các khái niệm cơ bản; cơ sở vật lý của quá trình gia công vật liệu; động học các quá trình cắt, động lực học các quá trình cắt; đặc điểm các quá trình của các phương pháp gia công cơ bản, những kiến thức cơ bản về tính toán, thiết kế và lựa chọn sử dụng các loại dụng cụ công nghiệp trong sản xuất cơ khí (dao tiện định hình, các loại dao phay, dao chuốt, các dụng cụ, bánh răng trụ, các dụng cụ gia công theo phương pháp bao hình profil chi tiết không thân khai).
  13. Máy công cụ: Các khái niệm cơ bản về động học máy công cụ. Cấu trúc truyền dẫn, điều khiển, cơ cấu đặc trưng, tính toán các phương trình xích động của các máy tiêu biểu như: Tiện, phay, mài, máy gia công răng…
  14. Thực tập kỹ thuật: Nguyên lý hoạt động của các loại máy công cụ, quy trình công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình ở các nhà máy, có khả năng làm việc trên các loại máy công cụ thông thường và các máy CNC đơn giản. Có khả năng thiết kế được quy trình công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình.
  15. Công nghệ chế tạo máy: Những khái niệm cơ bản, chất lượng bề mặt gia công, độ chính xác gia công, chuẩn, lượng dư gia công, tính công nghệ trong kết cấu, chọn phôi và các phương pháp chế tạo phôi, các phương pháp gia công cắt gọt, phương pháp thiết kế quy trình công nghệ cơ khí, quy trình công nghệ chế tạo các chi tiết điển hình, quy trình công nghệ chế tạo bánh răng, công nghệ lắp ráp.
  16. Đồ gá: Phân loại đồ gá, phương pháp gá đặt chi tiết trên đồ gá, các cơ cấu định vị của đồ gá, phương pháp tính lực kẹp và các cơ cấu kẹp chặt, các cơ cấu dẫn hướng, các cơ cấu so dao, phân độ, chép hình, các loại đồ gá lắp ráp và đo lường, các loại dụng cụ phụ, phương pháp thiết kế đồ gá chuyên dùng và tính hiệu quả kinh tế của đồ gá.
  17. Công nghệ CNC: Các khái niệm cơ bản, một số đặc điểm đặc trưng của máy công cụ CNC và các chỉ dẫn cần thiết liên quan đến lập trình, các dạng điều khiển số, độ chính xác gia công trên máy CNC bao gồm: Các hình thức tổ chức lập trình, cấu trúc của chương trình NC và kỹ thuật lập trình.
  18. Đồ án công nghệ chế tạo: Phân tích chức năng làm việc của chi tiết, xác định dạng sản xuất, chọn phôi, lập quy trình công nghệ chế tạo, thiết kế một đồ gá.
  19. Kỹ thuật laser trong công nghệ chế tạo: Nguyên lý cấu tạo, hoạt động và kỹ thuật an toàn của các nguồn laser sử dụng trong công nghiệp. Các phương pháp đo các thông số của chi tiết máy và quá trình công nghệ. Các phương pháp công nghệ gia công chi tiết cơ khí bằng nguồn sáng laser.
  20. Công nghệ và thiết bị hàn: Công nghệ, thiết bị và vật liệu hàn; ứng dụng các giải pháp công nghệ hàn tiên tiến để giải quyết các vấn đề chế tạo máy và kết cấu cơ khí trong thiết kế, chế tạo, khai thác vận hành các thiết bị công nghiệp.
  21. Công nghệ và thiết bị gia công áp lực: Lý thuyết biến dạng dẻo. Các kiến thức cơ bản về các phương pháp công nghệ trong gia công áp lực: Cán kim loại, rèn và dập khối, công nghệ dập tấm, công nghệ uốn lốc Profil từ tấm và băng kim loại; công nghệ dập tạo hình đặc biệt, công nghệ cán ngang và cán nghiêng. Lựa chọn phương án công nghệ và thiết bị phù hợp, tối ưu quy trình công nghệ để tạo hình sản phẩm.
  22. Hệ thống sản xuất linh hoạt: Khái niệm chung về hệ thống sản xuất linh hoạt FMS và sản xuất tích hợp CIM. Nguyên tắc hình thành hệ thống sản xuất linh hoạt. Rôbốt công nghiệp trong hệ thống FMS. Hệ thống kiểm tra và hệ thống vận chuyển của FMS. Cách xác định các thành phần của FMS, kho chứa tự động và hệ thống điều khiển của FMS. Khái niệm cơ bản về hệ thống sản xuất tích hợp có trợ giúp của máy tính CIM.
  23. Phương pháp xử lý số liệu thực nghiệm: Nhận dạng mô hình thống kê, đánh giá kết quả của phương pháp bình phương nhỏ nhất; quy hoạch thí nghiệm trực giao, áp dụng quy hoạch thí nghiệm trong các phòng thí nghiệm và thực tế sản xuất.
  24. Rô bốt công nghiệp: Các khái niệm và định nghĩa, tìm hiểu cấu trúc hệ thống và các bộ phận, cụm chi tiết của robot công nghiệp. Khảo sát động học và động lực học robot công nghiệp. Lập trình tính toán, mô phỏng hoạt động của robot. Thiết kế cơ khí. Phương pháp dẫn động, điều khiển. Thực tập vận hành robot. Thực nghiệm lập trình trên panel điều khiển.
  25. Thực tập tốt nghiệp: Sinh viên thu thập tài liệu kỹ thuật, tìm hiểu các vấn đề liên quan đến đồ án tốt nghiệp tại các cơ sở nghiên cứu, chế tạo, sản xuất. Chuẩn bị các số liệu, kiểm tra, thử nghiệm, rèn luyện các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc hoàn thành thiết kế đồ án tốt nghiệp.
  26. Đồ án tốt nghiệp: Sinh viên được giao đề tài tốt nghiệp với nội dung và mục tiêu cụ thể nhằm giải quyết khá trọn vẹn một vấn đề của khoa học kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn của ngành được đào tạo. Sử dụng các kiến thức được trang bị để giải quyết các nội dung của đề tài tốt nghiệp theo mục tiêu đề ra. Sản phẩm của đồ án tốt nghiệp được thể hiện qua thuyết minh đồ án tốt nghiệp, các bản vẽ kỹ thuật, các chương trình, phần mềm.

Vậy là các bạn đã cùng với Isinhvien tìm hiểu về ngành Kỹ thuật chế tạo, có thể nói rằng trong tương la của xã hội công nghệ thì ngành học này là bước đi đón đầu công nghệ, nếu cảm thấy bài viết hay thì nhớ Like và Share để mọi người cùng được biết đến nhé!


Vẫn còn nhiều ngành nghề khác để các bạn tham khảo Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Nhấn vào link để xem các ngành nghề khác nha các bạn.

Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close