Ngành đào tạo

Ngành kỹ thuật điện – điện tử là gì? – Học gì? – Làm gì?

Ngành kỹ thuật điện - điện tử là ngành đóng vai trò vô cùng thiết yếu trong cuộc sống hiện nay từ kinh doanh, sản xuất cho đến sinh hoạt hàng ngày của tất cả mọi người. Những kỹ sư điện - điện tử có cơ hội việc làm vô cùng lớn trong tương lai. Hãy cùng Isinhvien tìm hiểu về ngành học này nhé

Ngành Kỹ thuật điện – điện tử là gì?

  • Ngành đào tạo: KỸ THUẬT ĐIỆN – ĐIỆN TỬ (Electrical and Electronic  Engineering)
  • Trình độ đào tạo: ĐẠI HỌC
  • Thời gian đào tạo: 5 năm
  • Ngành Kỹ thuật điệnđiện tử (tiếng Anh là Electrical and Electronic Engineering Technology) là ngành học nghiên cứu và áp dụng các vấn đề liên quan đến điện, điện tử và điện từ với nhiều chuyên ngành nhỏ như năng lượng, điện tử học, hệ thống điều khiển, xử lý tín hiệu, viễn thông. Ngành kỹ thuật điện – điện tử này liên quan đến các lĩnh vực: sản xuất, truyền tải, phân phối, biến đổi và sử dụng điện năng, triển khai áp dụng kỹ thuật công nghệ vào lĩnh vực kỹ thuật điện cho các máy móc thiết bị, các dây truyền sản xuất trong nhà máy xí nghiệp nhằm mục đích tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm và giải phóng sức lao động trực tiếp cho con người.
ảnh mình học kỹ thuật điện - điện tử
Ảnh minh học kỹ thuật điện – điện tử

Mục tiêu đào tạo của ngành Kỹ thuật điện – điện tử

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật điện – điện tử nhằm trang bị cho sinh viên:


Hiểu biết Kỹ thuật: Nắm vững các kiến thức cơ sở về Kỹ thuật Điện – Điện tử (theo định hướng “Điện tử công nghiệp”), trên nền tảng các kiến thức về toán, khoa học cơ bản, lý thuyết mạch, kỹ thuật tính toán và cơ sở kỹ thuật nói chung. Chương trình đào tạo bao gồm kiến thức ngành như mạch và thiết bị điện – điện tử, ứng dụng kỹ thuật máy tính, điều khiển, trường và sóng, truyền thông và xử lý tín hiệu, điện tử chất rắn, điện tử công suất và điện tử quang.

Kỹ năng thực hành và thiết kế: Có kỹ năng cơ bản cần thiết để thiết kế và thực hiện các đề án thực tế của ngành Điện – Điện tử. Có khả năng diễn đạt – trình bầy vấn đề / đề án, và khả năng tổ chức quá trình thực hiện chúng, sử dụng thế mạnh của các hiểu biết và kỹ năng khác nhau.

Kỹ năng giao tiếp: Có khả năng viết, nói, tổ chức và giới thiệu thông tin / kết quả học tập – nghiên cứu – thiết kế – chế tạo một cách có hiệu quả.


Khả năng học tập nâng cao: Có khả năng đủ cả bề rộng lẫn chiều sâu để có thể tiếp tục học chương trình sau đại học, làm nghiên cứu sinh, hay khả năng học tập suốt đời. Đặc biệt là khả năng học tập, tiếp thu tiến bộ Khoa học – Kỹ thuật từ các ngành lân cận như “Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa” và “Kỹ thuật Điện”.

Khả năng nghề nghiệp: Có khả năng đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ xuất hiện trong thực tiễn nghề nghiệp ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử (công nghiệp), kể cả khả năng làm việc tập thể, khả năng lãnh đạo, khả năng tổ chức nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án ứng dụng. Có đạo đức nghề nghiệp.

Những tố chất cần có để học ngành Kỹ thuật điện – điện tử

Để trở thành một kỹ sư điện – điện tử thực thụ, thì bạn cần phải trang bị thêm cho bản thân những kỹ năng:

  • Có sự đam mê khoa học;
  • Có sự năng động, sáng tạo trong công việc;
  • Khả năng kiên trì, ham học hỏi;
  • Kỹ năng phân tích, tổng hợp thông tin tốt;
  • Kỹ năng làm việc nhóm;
  • Kỹ năng quản lý, tổ chức, điều hành;
  • Có kỹ năng phát hiện, xử lý nhanh vấn đề chuyên ngành;
  • Kỹ năng về ngoại ngữ;
  • Kỹ năng tin học.

Học ngành Kỹ thuật điện – điện tử ra trường làm nghề gì?

Đối với những sinh viên mới ra trường mức lương có thể đạt được từ 7 – 9  triệu/tháng, một số công ty có thể trả mức lương trên 12 triệu/tháng ví như tập đoàn điện lực EVN. Nên nói nom na chuyện lương bổng đối với sinh viên mới ra trường thì không cần phải quá lo lắng sợ lương thấp và các công ty lại luôn tuyển thường xuyên:


  • Chuyên viên kỹ thuật vận hành, bảo trì mạng lưới điện tai các công ty điện lực, nhà máy điện, trạm biến áp…
  • Chuyên viên tư vấn thiết kế tại xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, các khu dân cư, các tòa nhà, cao ốc văn phòng.
  • Chuyên viên nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm, đơn vị sản xuất công nghiệp tự động hóa và điện tử hóa cao, Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Tổng cục điện tử Việt Nam và các công ty trực thuộc.
  • Nghiên cứu sinh để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực Công nghệ Kỹ thuật điện, điện tử.
  • Giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
  • Có khả năng tự khởi nghiệp, tư vấn, cung cấp các giải pháp trong  lĩnh vực ứng dụng Kỹ thuật Điện vào sản suất và đời sống.
  • Cán bộ quản lý, chuyên viên kỹ thuật làm việc cho các cơ quan nhà nước, các công ty nước ngoài hoặc các viện nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực Kỹ thuật điện.

Chương trình đào tạo của ngành Kỹ thuật điện – điện tử

Môn học đại cương

  1. Triết học Mác-Lênin
  2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin
  3. Chủ nghĩa xã hội khoa học
  4. Lịch sử đảng cộng sản Việt Nam
  5. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  6. Ngoại ngữ 
  7. Giáo dục thể chất
  8. Giáo dục quốc phòng – an ninh
  9. Đại số
  10. Giải tích 1
  11. Giải tích 2
  12. Vật lý 1
  13. Vật lý 2
  14. Hóa học đại cương
  15. Tin học đại cương

Môn học chuyên ngành

  1. Lý thuyết mạch điện – điện tử: Những khái niệm cơ bản về mô hình mạch điện. Các phương pháp tính mạch điện ở chế độ xác lập, chế độ quá độ của mạch điện tuyến tính và mạch phi tuyến. Mạch 3 pha và đường dây dài.
  2. Lý thuyết điều khiển tự động hệ tuyến tính: Nhiệm vụ của điều khiển tự động. Các bước cơ bản để thực hiện một bài toán điều khiển. Nguyên tắc phân chia các chuyên ngành lý thuyết điều khiển. Nội dung chi tiết của lý thuyết điều khiển tuyến tính trong miền phức và trong miền thời gian.
  3. Thông tin số: Quá trình biến đổi A/D, D/A, lý thuyết lấy mẫu, truyền tín hiệu qua đường truyền số, tính chất kênh truyền dẫn số, định lý Nyquist, bộ lọc cos nâng, matched filter, mã đường truyền, các kỹ thuật điều chế ở băng tần cơ sở AM, FM, PM. Điều chế số: QPSK, QAM, bộ điều chế băng tần thông dải I/Q.
  4. Lý thuyết trường điện từ: Trang bị những kiến thức kỹ thuật cơ sở quan trọng nhất về mô hình và các phương pháp nghiên cứu, tính toán trường điện từ.
  5. Kỹ thuật đo lường: Cơ sở lý thuyết của KT đo lường, Đo các đại lượng điện, Đo các đại lượng từ, Đo các đại lượng không điện.
  6. Điều khiển số: Các khái niệm cơ bản về hệ thống ĐK số. Mô hình tín hiệu và mô hình hóa hệ thống ĐK số. Phân tích ổn định hệ thống ĐK số. Nhóm phương pháp thiết kế tối ưu tham số. Nhóm phương pháp thiết kế tối ưu cấu trúc. Điều khiển trên không gian trạng thái. Thiết kế hệ thống ĐK số có sự hỗ trợ của PC. Thực hiện kỹ thuật hệ thống ĐK số.
  7. Linh kiện và điện tử tương tự: Các linh kiện bán dẫn: nắm vững nguyên lý hoạt động, đặc tính, chế độ làm việc, các tham số cơ bản … Mạch tương tự: nắm vững các kiến thức về lý thuyết khuếch đại tín hiệu, hồi tiếp và các sơ đồ bộ khuếch đại tín hiệu dùng các phần tử bán dẫn. Chú trọng các bộ khuếch đại tín hiệu biến thiên chậm (tín hiệu một chiều) và khuếch đại thuật toán. Mạch lọc tích cực. Các ứng dụng.
  8. Kỹ thuật xung số: Trang bị các kiến thức cơ bản về kỹ thuật xung – số, mục đích và ứng dụng của môn học để lắp rắp và xây dựng các chức năng về kỹ thuật số.
  9. Điện tử công suất: Tìm hiểu và nghiên cứu các quá trình biến đổi năng lượng điện bằng các bộ biến đổi bán dẫn công suất.
  10. Kỹ thuật vi xử lý: Nguyên lý, cấu trúc của một hệ điều khiển theo chương trình. Một hệ cài đặt vi xử lý, sẽ được tìm hiểu kỹ thông qua một mạch vi điều khiển tiêu biểu 80C51 của Intel. Ngoài phần kiến thức về cơ chế hoạt động của đơn vị xử lý trung tâm -CPU, học phần còn gồm các chương trình bày về phương pháp lập trình bằng hợp ngữ, các kỹ thuật vào ra cơ sở, các cách ghép nối cơ bản. Như vậy, một hệ vi xử lý có thể thu thập được các thông tin cần thiết (dạng số hoặc tương tự), xử lý theo các thuật toán phù hợp rồi điều khiển quá trình theo yêu cầu của bài toán.
  11. Xử lý số tín hiệu: Xử lý số tín hiệu (Tín hiệu và hệ thống): biến đổi Laplace, biến đổi Z, biểu diễn hệ thống và tín hiệu trong miền tần số liên tục, miền tần số rời rạc, tính ổn định của hệ thống, thiết kế các bộ lọc  số FIR, IIR.
  12. Máy điện: Cung cấp kiến thức cơ bản về lý thuyết, thử nghiệm và tính toán những thông số cơ bản của máy biến áp, máy điện không đồng bộ, máy diện đồng bộ, máy điện một chiều.
  13. Khí cụ điện: Môn học Khí cụ điện trang bị cho sinh viên những vấn đề cơ bản về lý thuyết khí cụ điện và giới thiệu nguyên lý làm việc, kết cấu, đặc tính cơ bản và lĩnh vực sử dụng của các loại khí cụ điện thông dụng
  14. Cơ sở truyền động điện: Sự biến đổi năng lượng trong hệ truyền động điện. Đặc tính cơ và điều chỉnh các trạng thái làm việc của truyền động điện 1 chiều. Đặc tính cơ và điều chỉnh các trạng thái làm việc của truyền động điện xoay chiều. Tính toán chọn công suất động cơ và các bộ phận chính của mạch lực.
  15. Vật liệu điện: Những khái niệm cơ bản về các quá trình dẫn điện, phân cực, tổn hao điện môi và phóng điện trong các vật liệu cách điện, vật liệu dẫn điện và vật liệu từ.
  16. Hệ thống cung cấp điện: Mạch điện: Trình bày những kiến thức cơ bản về tính toán, thiết kế và vận hành các hệ thống cung cấp điện.
  17. An toàn điện: Cung cấp kiến thức cơ bản về an toàn điện và các phương tiện và luật pháp.
  18. Kỹ thuật lập trình: Quy trình công nghệ và chất lượng phần mềm, các vấn đề đặc thù trong tính toán khoa học và kỹ thuật; Lập trình có cấu trúc, ngôn ngữ lập trình C; Lập trình hướng đối tượng, ngôn ngữ lập trình C++.
  19. Kỹ thuật máy tính và ghép nối: Cấu trúc chung máy tính PC, hệ thống bus và kiến trúc phân mức trong máy tính và các thiết bị ngoài máy tính. Cấu trúc cơ bản của thiết bị ghép nối, các giao diện ghép nối. Phương pháp tổ chức ghép nối máy tính với các thiết bị đo lường và điều khiển, với các hệ thống xử lý số liệu và tín hiệu khác.

Hy vọng những thông tin mà Isinhvien truyền tải đến các bạn đã giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về ngành Kỹ thuật điện – điện tử. Nhớ like và share trang để mọi người cùng biết đến nha.


Để tìm hiểu thêm về các ngành nghề khác thì các bạn nhấn vào link Danh sách các ngành nghề hệ đại đuọc đào tạo ở việt nam hiện nay. Để tìm hiểu về các ngành nghề khác nhé!

Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close