Ngành đào tạo

Ngành Địa lý học là gì? – Chương trình đào tạo và cơ hội việc làm.

Địa lý học là một ngành thú vị và đang được nhiều bạn trẻ quan tâm, cùng với Isinhvien tìm hiểu về ngành Địa lý học và cơ hội việc làm sau này của ngành này nhé!

Ngành Địa lý học là gì?

  • Ngành đào tạo: ĐỊA LÝ (Geography)
  • Trình độ đào tạo: Đại học
  • Thời gian đào tạo: 4 năm
  • Địa lý học (tiếng Anh là Geography) là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu về các vùng đất, địa hình, dân cư và các hiện tượng trên Trái đất. Địa lý học gồm hai nhóm ngành khoa học chính là Địa lý tự nhiên và Địa lý kinh tế – xã hội.
  • Đây là ngành khoa học nghiên cứu các hợp phần tự nhiên, các quy luật và hiện tượng tự nhiên diễn ra trên bề mặt Trái đất, mối tương tác giữa xã hội loài người và môi trường tự nhiên… Nói một cách đơn giản, học về địa lý chính là học về thế giới chúng ta đang sinh sống.
Địa lý học
Ảnh minh họa địa lý học

Mục tiêu đào tạo của ngành Địa lý học

Mục tiêu chung: Đào tạo cử nhân Địa lý có năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khỏe tốt.

Mục tiêu cụ thể: Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản và hiện đại về Địa lý học, Điạ lý nhiệt đới, diễn biến dân cư, tài nguyên, môi trường trên thế giới và ở Việt Nam. Giới thiệu các quy luật thành tạo, phát triển và tác động lẫn nhau của các địa quyển, sự phân bố và diễn biến của các dạng tài nguyên, môi trường, trang bị kỹ năng thực hành các phương pháp nghiên cứu truyền thống và hiện đại, tổng hợp và chuyên ngành, kỹ năng thành lập bản đồ các hiện tượng và quá trình tự nhiên, các dạng hoạt động sản xuất, mô hình hoá và sử dụng các phần mềm chuyên dụng nghiên cứu sự phân hoá lãnh thổ và diễn biến theo thời gian của các đối tượng địa lý ở các quy mô khác nhau.

Những tố chất cần có để học ngành Địa lý học

Để có thể theo ngành Địa lý học thì sinh viên cần một số tố chất sau:

  • Thích tìm tòi khám phá những quy luật của tự nhiên.
  • Suy nghĩ sâu sắc, độc lập, sáng tạo.
  • Yêu thích khoa học, có hứng thú với các tin tức khoa học.
  • Thông minh, có khả năng tư duy logic, khả năng phân tích.
  • Có khả năng tự tổ chức công việc, tự học, tự nghiên cứu.
  • Kiên trì, chăm chỉ, chịu khó, ngăn nắp, tỉ mỉ.
  • Chủ động sáng tạo, tự tin vào bản thân.
  • Có khả năng về các môn khoa học tự nhiên và xã hội.
  • Khả năng về phân tích và thống kê.
  • Kỹ năng làm việc nhóm.
  • Tư duy logic và khả năng diễn đạt rành mạch.

Học ngành Địa lý học ra trường làm nghề gì?

Các sinh viên ngành Địa lý học sau khi ra trường con đường nghề nghiệp rất rộng mở, với nhưng kiến thức học được trong các trường đại học thì sinh viên có thể đảm nhiệm các công việc sau:

  • Nghiên cứu, giảng dạy địa lý ở bậc đại học, cao đẳng và trung học phổ thông (khi được bổ sung kiến thức về sư phạm).
  • Đảm nhận công việc trong các lĩnh vực tổ chức và quy hoạch lãnh thổ, quản lý tài nguyên, xây dựng và quản lý các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn và đô thị.
  • Chuyên ngành Địa lý môi trường. Nghiên cứu và giảng dạy trong các lĩnh vực: Đánh giá chất lượng môi trường, Quản lý môi trường, Bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên môi trường.
  • Chuyên ngành Địa lý kinh tế. Sinh viên tốt nghiệp có đủ khả năng làm việc, nghiên cứu và giảng dạy trong các lĩnh vực: Phân vùng kinh tế và quy hoạch vùng, Tổ chức sản xuất kinh tế theo không gian lãnh thổ, Quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn.
  • Chuyên ngành Địa lý dân số – xã hội. Sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức cơ bản, khả năng làm việc, nghiên cứu và giảng dạy trong các lĩnh vực: Dân số và các vấn đề phát triển, Dân số, sức khỏe và kế hoạch hóa gia đình, Quản trị nguồn nhân lực.
  • Chuyên ngành Địa lý du lịch. Sinh viên tốt nghiệp có đủ kiến thức cơ bản, khả năng làm việc, nghiên cứu và giảng dạy trong các lĩnh vực: Quy hoạch và tổ chức các lãnh thổ du lịch, Hướng dẫn du lịch, Quản trị du lịch.
  • Các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
  • Các tập đoàn kinh tế trực thuộc chính phủ.
  • Các tổ chức phi chính phủ.
  • Các Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên Môi trường.
  • Các trường đại học, cao đẳng, THPT.

Chương trình đào tạo của ngành Địa lý học

Môn học đại cương

  1. Triết học Mác-Lênin
  2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin
  3. Chủ nghĩa xã hội khoa học
  4. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam
  5. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  6. Ngoại ngữ
  7. Giáo dục Thể chất
  8. Giáo dục Quốc phòng
  9. Tin học cơ sở
  10. Đại số tuyến tính và hình học giải tích
  11. Giải tích 1
  12. Giải tích 2
  13. Xác suất – Thống kê
  14. Vật lý đại cương 1
  15. Vật lý đại cương 2
  16. Thực tập Vật lý đại cương
  17. Hóa học đại cương

Môn học chuyên ngành

  1. Trắc địa đại cương: Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về bản đồ địa hình và đo đạc đại cương như: đo vẽ địa hình, sai số trong đo đạc, các nguyên lý và phương pháp đo góc, độ dài, độ cao, lưới khống chế đo vẽ bản đồ và phương pháp đo vẽ bản đồ, khái niệm về đo vẽ địa hình bằng ảnh hàng không, bản đồ địa hình, sử dụng bản đồ địa hình.
  2. Hoá học phân tích: Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về các loại phản ứng được ứng dụng trong hoá phân tích, cơ sở lí thuyết chung và các phương pháp định lượng hoá học.
  3. Thực tập Hoá học phân tích: Rèn luyện kĩ năng thực hành, thực nghiệm, củng cố kiến thức đã được học. Biết cách tiến hành phân tích các mẫu thực tế.
  4. Hoá học hữu cơ: Học phần trang bị cho sinh viên một số kiến thức cơ sở về hoá hữu cơ liên quan đến các lĩnh vực dầu khí, môi trường và thổ nhưỡng.
  5. Hoá học chất keo: Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về hoá lý các hệ phân tán cao. Nội dung chủ yếu của học phần gồm: khái quát về đối tượng nghiên cứu của hoá keo, dung dịch keo và phân loại, điều chế dung dịch keo, các hiện tượng bề mặt, tính chất của các hệ keo, các hệ keo trong môi trường tự nhiên.
  6. Địa lý Việt Nam: Học phần cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản về địa lý Việt Nam bao gồm cả địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế – xã hội như: đặc điểm chung của thiên nhiên Việt Nam, các hợp phần tự nhiên Việt Nam, cấu trúc địa chất và khoáng sản, địa hình, khí hậu, thủy văn, hải văn, thổ nhưỡng, sinh vật, đặc điểm và quy luật phân hoá của thiên nhiên Việt Nam, khái quát các miền địa lý tự nhiên, địa lý dân cư Việt Nam, địa lý các ngành kinh tế, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường Việt Nam.
  7. Sinh học đại cương: Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản cần thiết về sinh học để giúp sinh viên học tập các học phần về thiên nhiên. Nội dung chủ yếu của học phần gồm : các kiến thức về tế bào và cơ sở di truyền học, sinh học thực vật, sinh học động vật, nguồn gốc sự sống và các giới sinh vật, quan hệ sinh vật với môi trường
  8. Thuỷ văn đại cương: Trang bị những kiến thức tổng quát nhất về nước trên trái đất gồm cả nước mặt (sông ngòi, hồ, đầm lầy, đại dương và biển) và nước ngầm, các hiện tượng và các quá trình xẩy ra trong thuỷ quyển, các quy luật chung liên quan với các hiện tượng và quá trình ấy cũng như các mối liên hệ qua lại giữa thuỷ quyển với khí quyển và thạch quyển. Nội dung chính của học phần gồm: Nước trên trái đất và khoa học về nước, Cơ sở vật lý của các hiện tượng và quá trình thủy văn, Những điều kiện khí tượng và ảnh hưởng của chúng tới chế độ nước đất liền, Nước dưới đất, sông ngòi, Hồ, Đầm lầy, Đại dương và biển.
  9. Địa mạo đại cương: Khái niệm địa hình, hình thái địa hình, nguồn gốc địa hình, tuổi địa hình, niên biểu địa chất và lịch sử phát triển địa hình, Các nguyên tắc phân loại  địa hình, các nhân tố thành tạo địa hình, các quá trình địa mạo và địa hình do chúng tạo thành, địa hình do nước chảy trên mặt tạo thành, hoạt động địa mạo của nước dưới đất, địa hình cacxtơ, hiện tượng trượt đất, hoạt động địa mạo của gió.
  10. Địa sinh vật đại cương: Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về sinh quyển như: Nguồn gốc và sự phát triển của sự sống, Cấu trúc của sinh quyển, Môi trường và các nhân tố sinh thái trong sinh quyển, Môi trường địa lý và tính đa dạng sinh học, Sự phân bố sinh vật và sự hình thành quần xã, Vận động vật chất và tính động thái của quần xã sinh vật trong sinh quyển ở Việt Nam.
  11. Cơ sở thổ nhưỡng và địa lý thổ nhưỡng: Các nhân tố hình thành đất: đá mẹ, khí hậu và thuỷ văn, yếu tố sinh vật, yếu tố địa hình, yếu tố thời gian, hoạt động sản xuất của con người, Các qúa trình hình thành đất và đặc điểm hình thái học của đất, Keo đất và khả năng hấp phụ của đất, Thành phần hoá học trong đất và dung dịch đất, Tính chất vật lý và cơ lý của đất, Nước, không khí và nhiệt trong đất,
    Phân loại đất và quy luật phân bố đất trên thế giới (phân loại đất theo phát sinh, phân loại đất của Mỹ (Soil Taxonomy), phân loại đất của FAO-UNESCO, phân loại đất ở Việt Nam), Quy luật phân bố và đặc điểm các loại đất trên thế giới.
  12. Địa lý tự nhiên đại cương: Những khái niệm địa lý, đối tượng và phương pháp nghiên cứu địa lý tự nhiên, lịch sử phát triển khoa học địa lý, Trái đất trong Vũ trụ, Cấu trúc lớp vỏ địa lý: thạch quyển, địa hình Trái đất, khí quyển, thuỷ quyển, lớp phủ thổ nhưỡng, sinh quyển, Những quy luật địa lý chung của Trái đất: tính hoàn chỉnh của lớp vỏ địa lý, sự tuần hoàn vật chất và năng lượng, các hiện tượng nhịp điệu, quy luật địa đới và phi địa đới, Địa lý học với vấn đề sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
  13. Địa chất đại cương: Nội dung chính của học phần gồm: Khái niệm chung về địa chất học. Tính chất lý – hoá của trái đất. Hoạt động địa chất nội sinh: magma và hoạt động của macma, động đất và nguyên nhân của động đất. Các học thuyết về sự phát triển của vỏ trái đất. Hoạt động địa chất ngoại sinh: hoạt động địa chất của khí quyển, thuỷ quyển, sinh quyển. Khái niệm cơ bản về hoạt động phong hoá, vỏ phong hóa (các kiểu vỏ phong hóa ở Việt Nam, sự hình thành khoáng sản trong vỏ phong hóa). Các quá trình địa chất ngoại sinh chỉ giới thiệu một cách khái quát vì sau này sẽ được nghiên cứu kĩ hơn trong các giáo trình tương ứng.
  14. Khí tượng và khí hậu đại cương: Khái niệm cơ bản về khí tượng và khí hậu học. Không khí và khí quyển. Bức xạ khí quyển. Chế độ nhiệt của khí quyển. Nước trong khí quyển. Trường áp  và  trường gió. Hoàn lưu khí quyển. Khí hậu và phân vùng khí hậu Trái đất. Biến đổi  khí hậu.
    Cùng với các học phần khác của địa lý tự nhiên, học phần này sẽ giúp sinh viên biết phân tích và tổng hợp các kiến thức, các hiện tượng địa lý trên Trái đất và trong từng khu vực nghiên cứu. Sau khi học xong, sinh viên sẽ nắm được những nét cơ bản về khí hậu và khí tượng học.
  15. Cơ sở địa lý nhân văn: Học phần bao gồm những nội dung về lĩnh vực địa lý nhân văn như:  Dân tộc – Dân cư và định cư (điều kiện địa lý và sinh thái lãnh thổ với phân bố dân tộc và chủng tộc, dân cư và không gian phân bố, vấn đề định cư và an cư). Di cư  (nguyên nhân di cư, thuộc tính cơ bản của cộng đồng và cá nhân di cư, không gian  nhập cư và sinh thái tộc người, thăm dò không gian di cư và quy hoạch tái định cư, tái định cư và sự phát triển cộng đồng). Văn hoá – Văn hoá dân gian (Folk) và văn hoá công cộng. 
  16. Bản đồ đại cương: Học phần cung cấp cho sinh viên những khái niệm cơ bản về bản đồ học như: những vấn đề chung  của bản đồ học, cơ sở toán học của bản đồ, ngôn ngữ bản đồ và phương pháp thể hiện nội dung trên bản đồ, tổng quát hoá bản đồ, chú giải bản đồ và các phương pháp thành lập bản đồ, tập bản đồ (Atlas), các phương pháp phân tích, đánh giá bản đồ, ứng dụng bản đồ trong nghiên cứu địa lý, bản đồ hiện đại: khái niệm về bản đồ điện tử, so sánh giữa bản đồ điện tử và bản đồ truyền thống, khái niệm về Atlas điện tử.

Vậy là các bạn đã cùng Isinhviên tìm hiểu về ngành Địa lý học, hy vọng các bạn đã có cái nhìn tổng quan hơn đối với ngành Địa lý học, có những quyết định phù hợp với bản thân. Nhớ like, share để mọi người cùng được biết nhé!

Để xem thêm các ngành nghề của các trường đại học các bạn kích vào đường link Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. 



Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close