Ngành đào tạo

Ngôn ngữ học là gì? Cơ hội việc làm của ngành Ngôn ngữ học

Ngôn ngữ là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cuộc sống, giúp cho con người giao tiếp, diễn đạt ý tưởng, mong muốn, cảm xúc với nhau. Trong những năm gần đây, Ngôn ngữ học là một ngành khoa học dần trở nên quan trọng và ngày càng được các bạn trẻ săn đón. Sau đây, hãy cùng Isinhvien tìm hiểu tất tần tật về ngành học này nhé! 

Ngành ngôn ngữ học là gì?

Ngôn ngữ học (Linguistics) là ngành khoa học nghiên cứu về ngôn ngữ. Ngôn ngữ học gồm các hệ thống tri thức này ở mọi khía cạnh của chúng: hệ thống tri thức đó được cấu tạo như thế nào, nó được tiếp thu như thế nào, nó được sử dụng như thế nào trong việc sản xuất và hiểu thông điệp, nó thay đổi như thế nào theo thời gian?

Nhiều người nghĩ rằng, ngôn ngữ học là học nhiều thứ tiếng. Tuy nhiên, trọng tâm của các nhà ngôn ngữ học là nghiên cứu về cấu trúc, cách sử dụng và tâm lý của ngôn ngữ nói chung. Ngôn ngữ học mang đến cho người học những kiến thức, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ của con người nói chung và tiếng Việt nói riêng. 


Ngôn ngữ học sẽ học những gì?

Với Ngôn ngữ học, người học sẽ được học những môn học chuyên về lý thuyết như Ngữ âm học (Phonetics), Âm vị học (Phonology), Cú pháp học (Syntax), Ngữ nghĩa học (Semantics),… Những môn học này giúp người học nghiên cứu chuyên sâu về lý thuyết Ngôn ngữ học. Còn với những môn học như Ngôn ngữ học đối chiếu, Ngôn ngữ học văn hóa, Ngôn ngữ học xã hội, Phong cách học, Ngôn ngữ văn chương,… sẽ giúp người học có thêm những kỹ năng trình bày, soạn thảo văn bản, xử lý ngôn ngữ.

Ngoài ra, với những môn học có tính ứng dụng cao như: Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ học máy tính, Ngôn ngữ học báo chí, Ngôn ngữ học truyền thông,… giúp người học có thể tiếp cận và xử lý những vấn đề liên quan đến giảng dạy, truyền thông, biên tập,… và một số lĩnh vực khác. 

Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ học

– Kiến thức giáo dục đại cương Ngôn ngữ học (Bắt buộc): Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Pháp luật đại cương, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Xã hội học đại cương, Tâm lý học đại cương, Hán văn cơ bản, Chữ Nôm, Phương pháp nghiên cứu khoa học, Thống kê cho khoa học xã hội, Môi trường và phát triển.


– Kiến thức giáo dục đại cương Ngôn ngữ học (Tự chọn): Lịch sử văn minh thế giới, Logic học đại cương, Nhân học đại cương, Mỹ học đại cương, Chính trị học đại cương, Tôn giáo học đại cương.

– Kiến thức cơ sở ngành Ngôn ngữ học (Bắt buộc): Dẫn luận ngôn ngữ học, Thực hành văn bản tiếng Việt, Ngữ âm tiếng Việt, Từ vựng tiếng Việt, Ngữ pháp tiếng Việt, Ngữ nghĩa học, Ngữ dụng học, Từ loại và từ loại tiếng Việt, Ngôn ngữ học xã hội, Lịch sử tiếng Việt, Các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

– Kiến thức cơ sở ngành Ngôn ngữ học (Tự chọn): Chữ viết và lịch sử chữ Quốc ngữ, Danh học: Nhân danh và Địa danh, Ngôn ngữ và văn hoá , Soạn thảo và biên tập văn bản hành chính, Thành ngữ học và thành ngữ tiếng Việt, Từ điển học, Từ và từ tiếng Việt.

– Kiến thức chuyên ngành Ngôn ngữ học (Bắt buộc): Âm vị học, Các loại hình ngôn ngữ, Điền dã ngôn ngữ học, Ký hiệu học, Ngôn ngữ báo chí, Ngôn ngữ học đại cương, Ngôn ngữ học đối chiếu, Ngôn ngữ văn chương, Ngữ pháp chức năng, Phong cách học tiếng Việt, Phương ngữ học và phương ngữ tiếng Việt, Lý thuyết và thực hành văn bản, Các phạm trù ngữ pháp của vị từ, Tiếng Anh chuyên ngành ngôn ngữ học 1, Tiếng Anh chuyên ngành ngôn ngữ học 2, Nhập môn các lý thuyết cú pháp, Nhập môn Ngôn ngữ học ứng dụng, Lịch sử ngôn ngữ học: các trường phái, Thực tập thực tế.


– Kiến thức chuyên ngành Ngôn ngữ học (Tự chọn): Ferdinand de Saussure với giáo trình Ngôn ngữ học đại cương, Ngôn ngữ học tâm lý, Ngôn ngữ học và lý thuyết phiên dịch, Từ Hán-Việt, Logic hình thức và logic phi hình thức, Ngôn ngữ quảng cáo, Vấn đề ngữ pháp hóa, Ngôn ngữ và Giới, Nhập môn Phân tích diễn ngôn, Nhập môn tình thái và tình thái tiếng Việt, Thực tập hướng nghiệp, Khóa luận.

Các cơ sở đào tạo ngành Ngôn ngữ học

Hiện nay, ở khu vực phía Nam có các cơ sở đào tạo ngành Ngôn ngữ học như: Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG – TP.HCM. Còn ở khu vực phía Bắc thì có trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội. Ngoài ra, Đại học Khoa học – Đại học Huế cũng là một trong những cơ sở đào tạo Ngôn ngữ học uy tín.

Cơ hội việc làm của ngành Ngôn ngữ học

Cơ hội việc làm của ngành Ngôn ngữ học khá đa dạng. Về mảng công tác nghiên cứu – giảng dạy thì người học có thể làm về nghiên cứu ngôn ngữ học và Việt ngữ học hay nghiên cứu liên ngành với thần kinh học, tâm lý học, xã hội học, nhân học, v.v. Còn với các công việc sử dụng kiến thức ngôn ngữ học thì người học có thể làm công tác biên tập, phóng viên hoặc viết các loại slogan và content trong các sự kiện khác nhau. Ngoài ra, người học có thể học cao học và nghiên cứu sinh tại Việt Nam và học cao học tại nước ngoài.


Trên đây là những thông tin về ngành Ngôn ngữ học. Isinhvien mong rằng sẽ giúp được các bạn bước đầu hình dung tổng quan về ngành Ngôn ngữ học và các cơ hội việc làm của Ngôn ngữ học. Isinhvien cảm ơn bạn đã đọc và chúc bạn có một ngày tốt lành.

Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close