Ngành Quản trị kinh doanh – Học những môn nào? – Ra trường làm gì?
Phải nói ngành Quản trị kinh doanh luôn nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa đại học. Vậy bạn đã hiểu rõ về ngành này chưa? Nếu còn mơ hồ, hãy cùng Isinhvien tìm hiểu về ngành học này để có cái nhìn tổng quan hơn nhé!
Ngành Quản trị kinh doanh là gì?
- Tên tiếng Anh: Business Administration
- Trình độ đào tạo: Đại học
- Thuộc khối ngành: Kinh tế & Quản lý
- Thời gian đào tạo: 4 năm
Ngành quản trị kinh doanh là một ngành tổng hợp gồm nhiều bộ môn căn bản về “quản trị” và “kinh doanh”. Nói cách khác, khi đăng ký ngành này, bạn sẽ được đào tạo đầy đủ những kiến thức căn bản trong khối ngành kinh tế như tài chính, kế toán, nhân sự cho tới các chiến lược kinh doanh, marketing. Song song với các kiến thức trên, hệ thống tư duy, kỹ năng lãnh đạo cùng nhưng mô hình quản trị sao cho tối đa hóa hiệu suất công việc cũng là những môn học không thể thiếu của chuyên ngành đặc biệt này.
Mục tiêu đào tạo của ngành Quản trị kinh doanh
Đào tạo cử nhân Quản trị kinh doanh có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; Nắm vững những kiến thức cơ bản về kinh tế-xã hội, quản trị kinh doanh, những kỹ năng chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp; Có khả năng hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch kinh doanh; Biết tổ chức hoạt động kinh doanh và tạo lập doanh nghiệp mới. Sinh viên tốt nghiệp làm việc chủ yếu ở các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Học ngành Quản trị kinh doanh ra làm gì?
Học Quản trị kinh doanh ra làm gì là câu hỏi mà nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm nhất trước mỗi kỳ tuyển sinh. Ngành Quản trị kinh doanh là một ngành học có nhu cầu nhân lực cao và cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp, cử nhân ngành này có thể được tuyển dụng vào một số vị trí như: nhân viên kế hoạch đầu tư, nhân viên bộ phận nhân sự, nhân viên bán hàng, nhân viên tổ chức hành chính, nhân viên bộ phận kế hoạch bán hàng, nhân viên phát triển hệ thống, nhân viên kinh doanh, nhân viên xuất nhập khẩu… Các vị trí có chức danh trưởng, phó phòng hoặc cao hơn thường yêu cầu kinh nghiệm công tác.
Những nghề nghiệp của ngành này thường thiên về các lĩnh vực như quản trị nguồn nhân lực, quản lý sản xuất, quản trị marketing, marketing, PR, quản trị chuỗi cung ứng… Với các công việc cụ thể khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh:
- Chuyên viên tại phòng kinh doanh, phòng kế hoạch, phòng marketing, phòng hỗ trợ – giao dịch khách hàng;
- Thăng tiến trở thành trưởng nhóm, trưởng bộ phận kinh doanh, khảo sát thị trường, lập kế hoạch;
- Với kinh nghiệm có thể trở thành Giám đốc điều hành, Giám đốc tài chính tại các công ty, tập đoàn;
- Giảng dạy, nghiên cứu về Quản trị kinh doanh tại các trường đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp;
- Khởi nghiệp với việc tự thành lập và điều hành công ty riêng.
Những tố chất phù hợp với ngành Quản trị kinh doanh
Những tố chất sinh viên cần có khi theo học ngành Quản trị kinh doanh:
- Có đam mê kinh doanh;
- Năng động, tự tin, mạnh mẽ và quyết đoán;
- Có tư duy logic, thích giao tiếp, có khả năng quan sát và nhạy bén trong việc nắm bắt tâm lý và thuyết phục người khác;
- Nắm bắt nhanh nhạy những thông tin kinh tế – xã hội liên quan và xử lý tin tức nhanh gọn;
- Giao tiếp tốt, ứng xử linh hoạt trong mọi mối quan hệ;
- Biết lắng nghe và chia sẻ, biết thấu hiểu nhưng cũng biết quyết đoán, cứng rắn đúng lúc đúng chỗ;
- Có khả năng ngoại ngữ và tin học;
- Chăm chỉ, kiên trì và chịu được áp lực tốt, thích môi trường cạnh tranh.
Ngành Quản trị kinh doanh học những môn gì?
Môn học đại cương
- Triết học Mác-Lênin
- Kinh tế chính trị Mác-Lênin
- Chủ nghĩa xã hội khoa học
- Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
- Tư tưởng Hồ Chí Minh
- Ngoại ngữ
- Toán cao cấp
- Lý thuyết xác suất và thống kê toán
- Pháp luật đại cương
- Tin học đại cương
- Giáo dục thể chất
- Giáo dục quốc phòng
Môn học chuyên ngành
Kinh tế vi mô I: Giới thiệu các kiến thức cơ bản và cơ sở về hoạt động của nền kinh tế thị trường thông qua việc phân tích các quy luật kinh tế cơ bản như quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh. Học phần còn đề cập đến hành vi của các thành viên trong một nền kinh tế: người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Qua đó sinh viên sẽ được trang bị công cụ phân tích để hiểu và có thể áp dụng khi học các học phần tiếp theo.
Kinh tế vĩ mô I: Giới thiệu một số khái niệm cơ bản của kinh tế vĩ mô, bao gồm : Đo lường tổng sản lượng và mức giá của nền kinh tế; Mô tả hành vi của nền kinh tế trong dài hạn: các nhân tố qui định tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và lạm phát trong dài hạn; Giới thiệu những tư tưởng chính về tổng cung, tổng cầu và cân bằng kinh tế vĩ mô; Lạm phát và thất nghiệp trong ngắn hạn; Giới thiệu các vấn đề kinh tế vĩ mô của một nền kinh tế mở bao gồm cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái và các chính sách thương mại.
Marketing căn bản: Học phần cung cấp những hiểu biết và kiến thức căn bản về những nguyên lý Marketing và sự vận dụng chúng vào thực tiễn doanh nghiệp như: Hệ thống thông tin và nghiên cứu Marketing; Môi trường Marketing và thị trường các doanh nghiệp; Nhận dạng nhu cầu và hành vi khách hàng; Phương pháp luận nghiên cứu Marketing và nguyên lý ứng xử của doanh nghiệp với thị trường, gồm: các chiến lược thị trường, các chính sách Marketing căn bản và tổ chức quản trị Marketing của doanh nghiệp.
Nguyên lý kế toán: Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về lý thuyết kế toán: Các khái niệm, bản chất, đối tượng, mục đích, chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của kế toán; Các phương pháp kế toán; Quá trình thu thập, ghi chép số liệu kế toán, trình tự kế toán các quá trình kinh doanh chủ yếu; Các hình thức kế toán; Nội dung và các hình thức tổ chức công tác kế toán.
Kinh tế lượng: Học phần cung cấp các kỹ thuật ước lượng, hiệu chỉnh mô hình hồi quy một phương trình, cách phân tích tính đúng đắn về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế của mô hình. Học phần còn trang bị cho sinh viên cách thức vận dụng các công cụ phân tích định lượng vào một số vấn đề kinh tế, quản trị kinh doanh cơ bản trên cơ sở sử dụng phần mềm chuyên dùng và cơ sở dữ liệu của Việt Nam.
Quản trị học: Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về quản trị và sự vận dụng thực tiễn doanh nghiệp của nó như: Khái niệm và bản chất của của quản trị; Nhà quản trị; Môi trường quản trị; Các lý thuyết quản trị (cổ điển và hiện đại); Các chức năng của quản trị: hoạch định, tổ chức, giám đốc/điều hành và kiểm tra/kiểm soát. Học phần còn cập nhật một số vấn đề mới của quản trị học hiện đại như quản trị thông tin và ra quyết định, quản trị sự đổi mới/thay đổi, quản trị xung đột, quản trị rủi ro và cơ hội của một doanh nghiệp.
Quản trị chiến lược: Học phần cung cấp những kiến thức căn bản về những nguyên lý quản trị chiến lược và sự vận dụng thực tiễn doanh nghiệp của nó như: Những khái niệm cơ bản về chiến lược và quản trị chiến lược; Các giai đoạn phát triển của quản trị chiến lược; Mô hình nguyên lý quản trị chiến lược của doanh nghiệp có mục tiêu dài hạn, bao gồm: hoạch định chiến lược, tổ chức thực hiện chiến lược, đánh giá, kiểm soát và điều chỉnh, thay đổi chiến lược của doanh nghiệp dưới những điều kiện môi trường, thị trường và nguồn nhân lực xác định của doanh nghiệp.
Quản trị nhân lực: Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về vai trò của quản trị nhân sự trong tổ chức, chiến lược của tổ chức và quản lý nhân sự, cơ sở luật pháp về nhân sự, tuyển chọn và bố trí lao động, đánh giá thực hiện công việc, đào tạo và phát triển nhân lực, thù lao và các phúc lợi dịch vụ cho người lao động, các quan hệ lao động và những vấn đề có liên quan.
Quản trị tài chính: Học phần cung cấp những khái niệm cơ bản, các kỹ năng phân tích trong quá trình ra quyết định về tài chính. Các chủ đề bao gồm phân tích rủi ro, lập kế hoạch tài chính, cơ cấu vốn, lượng giá và chi phí vốn.
Trong bài viết trên, Isinhvien đã giới thiệu sơ lượt đến bạn ngành Quản trị kinh doanh rồi đấy. Hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình định hướng ngành học và nghề nghiệp tương lai. Tham khảo thêm các ngành khác tại đây >> Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Nhớ cho Isinhvien một like, comment hoặc share bài viết này đến nhiều bạn hơn nhé!