Kỹ năng tìm việc

Thực trạng làm thêm sinh viên hiện nay – Sinh viên có nên làm thêm?

Khi còn là một cô cậu sinh viên trên giảng đường Đại học, ắt hẳn chúng ta đều đã trải nghiệm một công việc làm thêm nào đó dù là ngắn hạn hay dài hạn. Làm thêm thời sinh viên là một trải nghiệm có thể rất thú vị hoặc cũng có thể là một lựa chọn sai lầm nếu chúng ta không hiểu rõ nhu cầu của bản thân và định hướng không đúng đắn về công việc làm thêm của bản thân, điều đó dẫn đến có rất nhiều góc nhìn khác nhau cũng như nhiều quan điểm đối lập về vấn đề “Sinh viên có nên đi làm thêm hay không?”. Và bây giờ, chúng ta hãy cùng thảo luận và đưa ra những quan điểm, cái nhìn toàn diện về vấn đề này nhé! 

Các loại công việc làm thêm cho sinh viên

Vì để thuận tiện cho việc học, phần lớn các công việc làm thêm cho sinh viên là công việc Part time (công việc bán thời gian). Các công việc bán thời gian này cho phép các nhân viên làm việc ít hơn số giờ bình thường, cụ thể là từ 4 đến 5 giờ/ngày, ngoài ra các công việc bán thời gian sẽ dễ dàng cho sinh viên xoay ca để thuận tiện cho sự thay đổi của thời khóa biểu cá nhân. Chúng ta có thể dễ tìm thấy một số công việc bán thời gian phổ biến như sau trên các diễn đàn và trong các ngày hội tuyển dụng:


Làm phục vụ

Đây là công việc phổ biến nhất đối với sinh viên, thù lao dành cho công việc này dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng/giờ. Thông thường, các cửa hàng bán đồ ăn nhanh hay các nhà hàng, các quán ăn sinh viên, quán trà sữa,… rất cần nhân viên là sinh viên cho vị trí này.

Một hình thức khác của việc làm phục vụ là làm nhân viên trong cửa hàng quần áo, cửa hàng mỹ phẩm, cửa hàng điện tử,…

Sinh viên thường là những bạn trẻ rất năng động, chịu khó, thật thà và đây là công việc không yêu cầu trình độ nên những chủ các dooanh nghiệp này cũng ưu tiên tuyển dụng sinh viên chưa có kinh nghiệm nên thường công việc này rất dễ dàng để tìm.

Làm gia sư

Đã có người ví von rằng đây là công việc “xa xỉ” nhất thời sinh viên. Đúng là như vậy, vì đây là công việc yêu cầu cao trình độ về học vấn và khả năng truyền đạt nên thu nhập từ việc làm gia sư được coi là cao so với các công việc khác. Chúng ta có thể làm gia sư tự do hoặc hợp tác với một trung tâm gia sư và chia lợi nhuận cho trung tâm. Trung bình mỗi một giờ làm gia sư, sinh viên có thể nhận khoảng lương từ 100 đến 200 nghìn tùy theo trình độ.


Thực trạng làm thêm sinh viên hiện nay - Sinh viên có nên làm thêm? 2
Ảnh minh hoạc – Sinh viên làm gia sư

Thông thường các môn khối Khoa học tự nhiên như toán, vật lí, hóa học, anh văn, ngữ văn là những môn có nhu cầu tìm gia sư nhiều nhất, ngoài ra có các môn ngoại ngữ khác cũng có nhu cầu tuyển với mức lương rất cao (từ 200 đến 250 nghìn đồng/ buổi) như là tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Nhật,… Vì nhu cầu tìm gia sư vẫn còn rất nhiều nên các bạn sinh viên nếu muốn có một công việc tốt mà vẫn đảm bảo thời gain và sức khỏe thì có thể tham khảo công việc này.

Làm lễ tân

Trên các diễn đàn mạng về lễ tân thường xuyên có đăng bài tuyển PG (Promotion girl) hoặc PB (Promotion boy) cho các chương trình tiếp thị. Công việc này thường ưu tiên các bạn nam, nữ có ngoại hình ưa nhìn và khả năng giao tiếp tốt. Một số công việc trong lĩnh vực này bao gồm: dẫn chương trình, phát tờ rơi, phát mẫu dùng thử,… Do tính chất công việc thường xuyên di chuyển từ nơi này đến nơi khác nên yêu cầu ứng viên cần có xe riêng và thời gian linh hoạt. Mức thu nhập của việc làm lễ tân có thể từ 200 đến 300 nghìn đồng/ buổi/8 giờ.


Bán hàng online

Đây là hình thức kinh doanh ngoài giờ phổ biến hiện nay, các bạn có thể tự nhập những loại hàng hóa về và tiếp thị chúng trên trang mạng xã hội cá nhân hoặc có thể làm cộng tác viên cho các doanh nghiệp để thu lợi nhuận là hoa hồng/sản phẩm. Công việc này có mức thu nhập không giới hạn, tùy vào năng lực và độ chăm chỉ mà bạn có thể tìm được khoản thu nhập tương xứng.

Trên thực tế, nhiều bạn đã thành công bằng phương thức kinh doanh này, các bạn ấy vừa có thể trang trải học phí, vừa có tiền cho việc chi tiêu hằng ngày. Bên cạnh đó cũng có một số bạn bỏ cuộc và không có năng khiếu trong lĩnh vực này. Nên ta có thể nói, đây là một việc làm thêm ngoài giờ sẽ mang đến lợi nhuận rất cao nếu ta biết cách khai thác thông minh.

Một số công việc làm thêm khác

Ngoài những công việc ở trên, chúng ta có thể tìm thấy một số công việc như: trả lời tin nhắn tổng đài, quản lý fanpage mạng xã hội, cộng tác viên viết bài, cộng tác viên phiên biên dịch,… 


Những công việc này mang lại thu nhập nhỏ, nhưng có ưu điểm là có thể làm việc trực tuyến linh động, tiết kiệm thời gian di chuyển đến công ty, giúp sinh viên học hỏi được nhiều kỹ năng một cách dễ dàng hơn.

Thực trạng việc làm hiện nay của sinh viên

Sinh viên được coi là lực lượng lao động lành mạnh, dù có kiến ​​thức hay sức khỏe tốt nên có thể tham gia vào bất kỳ ngành nghề phù hợp nào. Hiện nay, rất nhiều sinh viên đang tìm kiếm công việc làm thêm vì nhiều lý do khác nhau cho thấy thực trạng việc làm thêm của sinh viên hiện nay rất cao.

Có thể thấy có rất nhiều hình thức làm việc bán thời gian như làm thêm, tùy từng công việc mà hình thức tuyển dụng khác nhau nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn công việc phù hợp với nhu cầu của mình.

Sinh viên tham gia vào các công việc bán thời gian và có thu nhập ổn định hàng tháng, nguồn thu nhập này cho phép họ trang trải chi phí sinh hoạt, học tập hoặc các nhu cầu khác.


Điều này tạo ra một thị trường việc làm sinh viên sôi động và cạnh tranh. Phần lớn sinh viên học bán thời gian sẽ tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ …

Những lợi ích của sinh viên khi đi làm thêm

Tăng thu nhập

Đây là một lợi ích rõ ràng nhất và có thể là mục đích khi đi làm của rất nhiều bạn sinh viên. Chúng ta phải thừa nhận rằng cuộc sống sinh viên xa gia đình phải chi tiêu rất nhiều cho ăn uống và sinh hoạt nên chắc hẳn rất nhiều bạn mong muốn tìm đến công việc làm thêm để giúp gia đình giảm nhẹ gánh nặng tài chính và có thêm một khoản chi tiêu chủ động cho bản thân.

Tích lũy kinh nghiệm

Một người bạn đã chia sẻ với tôi rằng bạn ấy được cha mẹ yêu thương và bảo bọc rất nhiều nên khi trở thành sinh viên, bạn ấy mong muốn có cơ hội trải nghiệm các công việc ngoài xã hội để có thêm kỹ năng sống, có thêm nhiều bạn bè và nhiều kỹ năng khác. Suy nghĩ này của bạn tôi thật sự rất chính chắn và đúng đắn vì bạn ấy có thể cải thiện nhiều mặt của bản thân. Và tôi nghĩ kinh nghiệm làm thêm thời sinh viên là vô cùng quý báu và sẽ không có nơi nào khác dạy bạn được nhiều điều về kỹ năng xã hội như thế.


Học được kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả

Thời gian đi làm thêm đôi khi sẽ không thuận tiện cho việc học vậy nên khi tham gia một việc làm thêm thì đòi hỏi mỗi bạn sinh viên phải lập một kế hoạch thời gian cho bản thân để đảm bảo được hiệu quả việc làm thêm cũng như chất lượng học tập của mình, từ đó, bằng một cách tự nhiên mà chúng ta có thể học được cách quản lý thời gian của bản thân và kỹ năng đó sẽ rất cần thiết cho những công việc trong tương lai của chúng ta.

Làm đẹp CV bản thân

Có rất nhiều nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệm, nhưng một câu hỏi kinh điển được đặt ra đó là “Sinh viên mới ra trường thì lấy kinh nghiệm đâu ra?”. Vậy thì công việc làm thêm thời sinh viên sẽ giúp cho bạn giải quyết được vấn đề đó! Song song với việc tích lũy được kinh nghiệm, bạn có thể thêm vào CV của mình “những điểm cộng” ấy, điều đó sẽ giúp bạn được ưu tiên hơn trong mắt của nhà tuyển dụng.


Những rủi ro khi sinh viên đi làm thêm

Thiếu thời gian học tập

Như tôi đã nói ở trên, công việc làm thêm sẽ rất hiệu quả nếu như chúng ta biết cách quản lý thời gian cho hòa hợp giữa việc học, việc làm và những hoạt động giải trí khác. Thế nhưng có một sự thật đáng buồn rằng có rất nhiều bạn sinh viên chỉ chăm chăm vào việc làm thêm mà bỏ bê việc học, điều đó khiến kết quả của họ bị tuột dốc không phanh và tiền làm thêm được dung để… học lại.

Thiếu thời gian vui chơi giải trí và thời gian cho các mối quan hệ xung quanh mình

Gỉa sử bạn vừa tan học trên lớp lúc 16 giờ thì bạn phải ngay lập tức đến địa điểm làm việc ngay, và bạn phải làm việc liên tục đến 22 giờ, ngày nào cũng làm việc từ 4 đến 5 giờ đồng hồ như thế, bạn có còn đủ sức khỏe và thời gian để vui chơi cùng bạn bè và người thân nữa hay không? Chưa kể bạn còn cần phải làm bài tập và chạy deadline vào mùa thi cử. Như vậy có thể thấy được là việc làm thêm lấy đi của bạn hầu hết thời gian trống và bạn sẽ còn rất ít thời gian để thư giãn cho bản thân.


Thường xuyên bị căng thẳng và mệt mỏi

Tôi thường xuyên bắt gặp hình ảnh các bạn của mình ngủ gật trên giảng đường bởi vì việc đi làm thêm đòi hỏi cường độ lao động của bạn rất cao đôi khi nó vắt kiệt sức lao động của các bạn. Làm việc liên tục trong thời gian dài sau đó còn phải lên lớp khiến tinh thần mệt mỏi, uể oải, không còn tâm trí học hành.

Việc làm thêm không phù hợp với chuyên ngành

Làm những công việc tốn quá nhiều thời gian như nhân viên bán hàng tại shop quần áo, cửa hàng đồ ăn… sinh viên phải làm việc liên tục và trong một khoảng thời gian dài. Những công việc này, thời gian làm không quá nhiều mà còn phù hợp với ngành học của bạn nữa.

Dễ gặp phải các trường hợp lừa gạt

Ngày nay các thành phần lừa đảo ngày càng tinh vi và gian xảo, bọn chúng lợi dụng mong muốn kiếm tiền và sự thật thà của sinh viên để sinh lời cho bản thân. Ví dụ điển hình nhất mà ta thường được cảnh giác là đa cấp, ngoài ra còn có thể gặp trường hợp như quỵt lương, bốc lột sức lao động, trả công không xứng đáng,… Nên khi sinh viên muốn đi làm thêm thì đây là một bất cập khiến các bạn cần dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin cho kỹ lưỡng.


Vậy có nên làm thêm thời sinh viên hay không?

Sau khi tìm hiểu qua một số công việc dành cho sinh viên và phân tích những mặt lợi-hại của vấn đề này, mỗi người chúng ta cần đưa ra một câu trả lời cho bản thân mình dựa vào những mục đích, mong muốn và khả năng của bản thân.

Những việc làm thêm thời sinh viên thật sự mang đến những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa mà ta không thể phủ nhận được. Rất rõ ràng là nếu ta kết hợp việc học, việc làm và giải trí một cách phù hợp thì không những có thêm thu nhập, tích lũy được nhiều kinh nghiệm mà còn giúp chúng ta được đánh giá cao trong mắt các nhà tuyển dụng trong tương lai.

Bên cạnh những lợi ích, chúng ta nên cân nhắc việc đi làm thêm vì chúng ta có thể bị xao lãng việc học, tuột dốc thành tích, tốn thời gian vào những việc không phù hợp, gây tổn hại sức khỏe bản thân,…

Suy xét về quá trình học Đại học, khi còn là sinh viên năm nhất và năm hai, chúng ta có rất nhiều điều cần phải hoàn thành để chuẩn bị cho kiến tập ở năm ba, thực tập và khóa luận tốt nghiệp ở năm cuối. Và năm nhất và năm hai là hai năm học những môn căn bản nhất và cơ sở ngành để ta có thể nắm vững nền của kiến thức ngành nghề. 


Ví dụ như chúng ta nên tập trung tối đa vào học tập ở năm nhất để làm quen với môi trường đại học, cần học và nộp chứng chỉ anh văn và tin học đầu ra cho trường trong vòng năm hai,… 

Vậy nên, theo quan điểm cá nhân, tôi khuyên các bạn sinh viên nên làm thêm vào hai năm cuối Đại học, đó là một mốc thời gian thích hợp để ta vừa tích lũy kinh nghiệm và cân bằng tốt việc học, giảm thiểu những ảnh hưởng xấu của việc làm thêm lên sức khỏe và các mối quan hệ xung quanh. Ngoài ra, ở thời điểm đó, chúng ta có đủ chính chắn hơn để có thể tránh khỏi những cạm bẫy và lừa gạt của kẻ xấu.

Những mẹo để sinh viên đi làm thêm hiệu quả

Cân nhắc về thời gian làm việc

Bạn cần lưu ý rằng việc làm thêm có thể mất đến 20 đến 40 giờ/tuần của bạn. Vậy nên hãy chọn một công việc yêu cầu thời gian làm việc phù hợp với lịch học, chọn một công việc có thể dễ dàng xoay ca và bạn không nên làm xuyên đêm để đảm bảo giấc ngủ và sức khỏe của mình.


Chọn công việc phù hợp

Không nên tùy ý chọn môt công việc chỉ vì thu nhập, bạn nên cân nhắc về tính chất công việc, nên chọn những công việc giúp bản thân học hỏi được nhiều kỹ năng cho công việc sau này.

Ví dụ: bạn học ngành sư phạm, bạn có thể tham khảo công việc làm gia sư để phát triển kỹ năng giảng dạy của bản thân.

Hãy chắc chắn rằng bạn sẵn sàng cho một công việc

Khi bạn tìm một công việc, bạn nên chắc chắn rằng bạn không quá bận bịu với công việc học tập hay các hoạt động xã hội khác, nếu không, bạn sẽ rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi và mất thăng bằng.

Sinh viên cần tìm hiểu kỹ càng về công việc mà mình ứng tuyển

Để tránh việc gặp phải các hình thức lừa đảo, bạn cần tra cứu kỹ càng các thông tin về doanh nghiệp, ngoài ra bạn có thể tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè, thầy cô về vị trí mà bạn ứng tuyển, có thể họ sẽ là những người đưa ra cho bạn rất nhiều lời khuyên bổ ích đấy.


Nhìn chung, Tùy theo cách riêng của mỗi bạn sinh viên mà việc làm thêm mang lại nhiều kết quả và hiệu quả khác nhau, nhưng nhìn chung thì đây là một trải nghiệm đáng quý và mang lại nhiều giá trị cho bản thân, vậy nên chúng ta nên cân nhắc sắp xếp việc học và việc làm thêm, một cách hợp lý để vừa mang lại hiệu quả làm việc tốt, vừa tiếp thu việc học và vui chơi một cách hiệu quả.

Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close