Ngành đào tạo

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc – Học gì? Ra trường dễ xin việc không?

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc học những gì? Cơ hội việc làm sau khi ra trường?,.... là những câu hỏi được nhiều bạn thí sinh quan tâm. Ở bài viết dưới đây, Isinhvien sẽ giúp bạn tìm hiểu tổng quan về ngành chưa bao giờ hết "hot" này nhé!

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc là gì?

  • Tên tiếng anh: Chinese
  • Trình độ đào tạo: Đại học
  • Thuộc khối ngành: Ngoại ngữ
  • Thời gian đào tạo: 4 năm
  • Mã ngành: 7220204

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc (ngành tiếng Trung) là ngành học nghiên cứu về cách sử dụng ngôn ngữ Trung Quốc trên mọi lĩnh vực: kinh tế, thương mại, du lịch, ngoại giao. Ngành học này đào tạo chuyên sâu về những kỹ năng cần thiết cho sinh viên có thể hòa nhập một cách nhanh chóng với môi trường mới công việc mới.

Tìm hiểu ngành Ngôn ngữ Trung Quốc
Bạn đã hiểu gì về ngành Ngôn ngữ Trung?

Mục tiêu đào tạo của ngành Ngôn ngữ Trung Quốc

Mục tiêu chung

Đào tạo cử nhân ngành tiếng Trung Quốc có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, có sức khoẻ tốt, có khả năng giải quyết tốt các công việc thuộc ngành nghề chuyên môn, đáp ứng được những yêu cầu của xã hội và của nền kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế.

Mục tiêu cụ thể

  • Có kiến thức khoa học xã hội, nhân văn và khoa học tự nhiên cần thiết đối với một chuyên gia ngôn ngữ;
  • Đạt được năng lực sử dụng thành thạo các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Trung Quốc (nghe, nói, đọc, viết), bước đầu hình thành năng lực nghiên cứu khoa học;
  • Được trang bị những kiến thức cần thiết về lí luận dịch, kĩ năng – kĩ thuật nghiệp vụ phiên dịch và biên dịch; hoặc
  • Có các kiến thức cơ bản về sư phạm học, giáo dục học, giáo học pháp và phương pháp giảng dạy tiếng Trung Quốc.

Học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc ra làm gì?

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc được đánh giá là một ngành học có nhiều cơ hội việc làm và là ngành học có tiềm năng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Sau khi ra trường, sinh viên học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ có cơ hội thử sức với các vị trí việc làm sau:

  • Phiên dịch/biên dịch/biên tập: Đây là những công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, nhẫn nại cao và cực kỳ nghiêm túc. Các bạn sẽ được làm việc độc lập về dịch văn bản, soạn thảo văn bản tiếng Trung, hay phiên dịch trong các hội nghị, đàm phán, kí kết.
  • Phiên dịch cho các công ty truyền thông, báo chí, tạp chí.
  • Phóng viên, biên tập viên tại cơ sở, địa phương nước ngoài.
  • Biên soạn thủ tục hành chính, quản lý nhân sự hay hơp đồng cho các công ty, doanh nghiệp nước ngoài.
  • Trợ lý/thư ký/hướng dẫn viên cho các lãnh đạo người nước ngoài: Làm trợ lý giám đốc, thư ký cho lãnh đạo người nước ngoài, công ty liên doanh, chuyên phụ trách về mảng đối ngoại, hợp tác, kinh doanh…
  • Trợ lý cho giám đốc người nước ngoài: Chuyên đàm phán, kí kết hợp đồng hay sắp xếp công việc, lịch trình làm việc, công tác cho giám đốc.
  • Hướng dẫn viên: Tại các khu du lịch nước ngoài có nhiều du khách Trung Quốc, hướng dẫn viên tại các khu nghỉ dưỡng chuyên dành cho người Trung Quốc…
  • Giảng viên/Nghiên cứu viên: Bạn có thể làm giảng viên tại các khoa tiếng Trung trường cao đẳng, trường nghề đào tạo tiếng Trung, hay làm nghiên cứu viên tại các viện nghiên cứu Ngôn ngữ Trung Quốc.

Những tố chất phù hợp với ngành Ngôn ngữ Trung Quốc

Để học tập và làm việc liên quan đến ngành ngôn ngữ Trung Quốc bạn cần có những tố chất sau:

  • Yêu thích và đam mê tiếng Trung Quốc.
  • Muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử đất nước và con người Trung Hoa.
  • Có khả năng giao tiếp tốt, thích ứng nhanh với hoàn cảnh và công việc.
  • Có tính nhẫn nại, chịu khó học hỏi.
  • Có tinh thần cầu tiến, ý chí vươn lên.
  • Mong muốn việc làm lương cao.
  • Muốn làm việc, giao tiếp với người nước ngoài.
  • Tự tin, năng động và có khả năng giao tiếp tốt.

Nếu bạn có mong muốn học ngoại ngữ nhưng vẫn còn phân vân chưa chọn được một ngành học phù hợp thì ngành Ngôn ngữ Trung Quốc là một lựa chọn đúng đắn. Bởi ngành học này đang có nhu cầu về nguồn nhân lực khá cao với mức lương vô cùng hấp dẫn, vì vậy, theo học ngành này bạn sẽ không phải lo thất nghiệp.

Ngành ngôn ngữ Trung
Những tố chất cần có khi theo học ngành ngôn ngữ Trung

Ngành Ngôn ngữ Trung Quốc học những môn gì?

Môn học đại cương

  1. Triết học Mác-Lênin
  2. Kinh tế chính trị Mác-Lênin
  3. Chủ nghĩa xã hội khoa học
  4. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam
  5. Tư tưởng Hồ Chí Minh
  6. Ngoại ngữ II**
  7. Tin học cơ sở
  8. Giáo dục Thể chất
  9. Giáo dục Quốc phòng
  10. Dẫn luận ngôn ngữ học
  11. Cơ sở văn hoá Việt Nam
  12. Tiếng Việt
  13. Ngôn ngữ học đối chiếu
  14. Phương pháp nghiên cứu khoa học

Môn học chuyên ngành

  1. Cú pháp tiếng Trung Quốc: Học phần chủ yếu gồm các nội dung về: Kết cấu, loại hình cụm từ; Câu, đặc điểm và phân loại câu (câu đơn và câu phức) trong tiếng Trung Quốc; Kiến thức cơ bản về phạm trù ngữ pháp tiếng Trung Quốc; Các phương pháp phân tích ngữ pháp chủ yếu tập trung vào phương pháp phân tích tầng thứ.
  2. Tiếng Trung Quốc cổ đại: Học phần giới thiệu các kiến thức chung về tiếng Trung Quốc cổ đại, tuyển chọn giảng một số tác phẩm bằng tiếng Trung Quốc cổ; trên cơ sở đó phân tích cách dùng một số từ thông dụng, các hiện tượng ngữ pháp đặc trưng, so sánh sự tương đồng và dị biệt với tiếng Trung Quốc hiện đại trên các mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp.
  3. Đất nước học Trung Quốc: Học phần giới thiệu khái quát về điều kiện tự nhiên, dân số, dân tộc, tôn giáo; Khái quát về lịch sử, chế độ chính trị, văn hoá giáo dục, khoa học, kỹ thuật, phong tục tập quán, đường lối ngoại giao của Trung Quốc. Thông qua các bài giảng giúp cho sinh viên có hiểu biết chung về đất nước, con người Trung Quốc, trên cơ sở đó có thể tự nghiên cứu, mở rộng kiến thức cho mình.
  4. Lược sử văn học Trung Quốc: Học phần giới thiệu các thời kỳ phát triển của lịch sử văn học Trung Quốc, thành tựu nổi bật, các tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Phần văn  học cổ đại giới thiệu văn học Tiên Tần, văn học Lưỡng Hán… Phần văn học hiện đại giới thiệu các tác phẩm tiêu biểu của Lỗ Tấn, Ba Kim, Lão Xá… Phần văn học đương đại giới thiệu các tác phẩm  của Nhự Chí Quyên, Cao Hiểu Thanh, Lưu Học Lâm …
  5. Trích giảng văn học Trung Quốc: Học phần giới thiệu, hướng dẫn đọc và phân tích nội dung một số tác phẩm văn học hiện đại và đương đại tiêu biểu. Cụ thể: Phần văn học hiện đại có các tác phẩm của Lỗ Tấn, Ba Kim; Phần văn học đương đại có các tác phẩm của Nhự Chí Quyên, Cao Hiểu Thanh, Trương Bình …
  6. Tiếng Trung Quốc tổng hợp I: Học phần gồm 30 bài từ bài 1 đến bài 30 trong giáo trình Tiếng Trung Quốc tổng hợp sơ cấp cuốn 1. Từ bài 1 đến bài 10 cung cấp cho sinh viên kiến thức thực hành ngữ âm tiếng Trung quốc gồm: phát âm, cách đọc, viết phiên âm. Từ bài 11 đến bài 30, mỗi bài đều có cấu tạo gồm các phần: từ, bài khoá, ngữ pháp, chú thích và viết chữ Hán. Bài khoá chủ yếu xuất hiện những câu đơn giản thường dùng trong sinh hoạt, học tập và các câu thường dùng trên lớp. Ngữ pháp trong mỗi bài thường gồm 1 trọng điểm ngữ pháp và một số hiện tượng thường gặp. Phần chú thích giải thích các hiện tượng ngôn ngữ văn hoá đáng chú ý. Phần bài tập bám sát nội dung kiến thức và kỹ năng từng bài.
  7. Tiếng Trung Quốc tổng hợp II: Học phần gồm 25 bài, từ bài 31 đến bài 55 giáo trình Tiếng Trung Quốc tổng hợp sơ cấp cuốn 2. Phần này nối tiếp Tiếng Trung quốc tổng hợp I, kết câu mỗi bài giống như ở Tiếng Trung quốc tổng hợp I, điểm khác là có sự bổ sung thêm phần bài khoá phụ dùng làm bài đọc hiểu bổ trợ, các hiện tượng ngữ pháp xuất hiện lần lượt từ dễ đến khó. Ngoài ra, có một số kiến thức văn hoá được giới thiệu trong phần chú giải. Phần bài tập tăng thêm nội dung luyện nghe hiểu ở mức độ đơn giản.
  8. Tiếng Trung Quốc tổng hợp III: Học phần này gồm 20 bài, từ bài 56 đến bài 76 giáo trình tiếng Trung quốc tổng hợp sơ cấp cuốn 3, là nối tiếp học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp II, kết cấu mỗi bài như ở Tiếng Trung Quốc tổng hợp II. Bài khoá phụ đề cập đến chủ đề nhất quán với bài khoá chính nhưng độc lập về mặt nội dung. Nội hàm văn hoá của các bài phần này sâu hơn, các bài nghe hiểu cũng tăng độ dài và độ khó. Chủ điểm của các bài có thể mở rộng đề cập đến giao lưu kinh tế văn hoá Việt-Trung.
  9. Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV: Học phần gồm 15 bài, từ bài 1 đến bài 15 giáo trình Tiếng Trung Quốc tổng hợp trung cấp cuốn 1. Nội dung các bài ở học phần này đã chú ý đến sự giống và khác nhau giữa 2 hệ thống ngôn ngữ, cũng như giữa 2 nền văn hoá Trung- Việt. Bài khoá được biên soạn theo các chủ điểm và thể văn khác nhau, có độ dài vừa phải. Bài tập gồm các dạng mô phỏng, lý giải, ghi nhớ, củng cố, semina…
  10. Tiếng Trung Quốc tổng hợp V: Học phần này gồm 15 bài, từ bài 16 đến bài 30 giáo trình Tiếng Trung Quốc tổng hợp trung cấp cuốn 2, nối tiếp Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV  trong chương trình tiếng Trung Quốc trung cấp. Cấu tạo các bài cũng giống như ở Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV, chủ điểm các bài được nâng lên cấp độ cao hơn, đề cập đến các kiến thức khoa học như mặt trời, mặt trăng, sao Hoả …
  11. Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI: Học phần này gồm 12 bài trong giáo trình tiếng Trung Quốc tổng hợp cao cấp cuốn 1.  Cấu tạo của mỗi bài gồm bài khoá, từ mới, chú thích, ngữ pháp-văn hoá và phần bài tập. Bài khoá gồm nhiều chủ điểm khác nhau, phần lớn phản ánh tư tưởng và cuộc sống của người Trung Quốc hiện đại. Phần từ mới không có đối dịch mà giải thích trực tiếp bằng tiếng Trung Quốc. Phần chú thích chủ yếu tập trung giải quyết các hiện tượng lịch sử, văn hoá, không thể dựa vào ngữ cảnh để phán đoán hoặc khó tra cứu. Phần ngữ pháp chú ý tới những hiện tượng ngôn ngữ khó đối với người Việt nam học tiếng Trung Quốc.
  12. Tiếng Trung Quốc tổng hợp VII: Học phần này gồm 18 bài trong giáo trình Tiếng Trung Quốc tổng hợp cao cấp cuốn 2.  Đây là học phần nối tiếp học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI  nên kết cấu và đặc điểm của từng bài cũng giống như ở Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI. Nội dung gồm bài khoá, từ mới, chú thích, ngữ pháp-văn hoá và phần bài tập. Bài khoá gồm nhiều chủ điểm khác nhau, phần lớn phản ánh tư tưởng và cuộc sống của người Trung Quốc hiện đại. Phần từ mới không có đối dịch mà giải thích trực tiếp bằng tiếng Trung Quốc. Phần chú thích chủ yếu tập trung giải quyết các hiện tượng lịch sử, văn hoá, không thể dựa vào ngữ cảnh để phán đoán hoặc khó tra cứu. Phần ngữ pháp chú ý tới những hiện tượng ngôn ngữ khó đối với người Việt Nam học tiếng Trung Quốc.
  13. Thực hành dịch: Nội dung học phần gồm 2 phần dịch nói I và dịch viết I, trong đó phần dịch viết chủ yếu nhằm mục đích giúp sinh viên bước đầu làm quen với bộ môn dịch thông qua việc dịch các văn bản có nội dung ngắn, ngữ pháp đơn giản thường gặp trong sinh hoạt hàng ngày như danh thiếp, lý lịch, lịch làm việc, quảng cáo, biên bản họp … Phần dịch nói tập trung vào dịch các đoạn hội thoại với các chủ đề sinh hoạt thường ngày như thời tiết, mua bán, đón tiếp hoặc các vấn đề chung về đời sống xã hội, nhất quán với nội dung của bộ môn thực hành tiếng.
  14. Kỹ năng nghe hiểu I: Học phần gồm 15 bài, từ bài 1 đến bài 15 giáo trình Nghe hiểu tiếng Trung Quốc trung cấp cuốn 1. Học phần này có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV, sắp xếp theo thứ tự  từ dễ đến khó và được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV. Mỗi bài đều có phần trắc nghiệm nghe, luyện nghe và hệ thống bài tập tương ứng.
  15. Kỹ năng nghe hiểu II: Học phần gồm 15 bài, từ bài 16 đến bài 30 giáo trình Nghe hiểu tiếng Trung Quốc trung cấp cuốn 2. Học phần này tiếp nối học phần Nghe hiểu I của chương trình nghe hiểu tiếng Trung Quốc trung cấp, có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp V, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp V. Đặc điểm kết cấu và nội dung như học phần Kỹ năng nghe hiểu I.
  16. Kỹ năng nghe hiểu III: Học phần gồm 15 bài, từ bài 1 đến bài 15 giáo trình Nghe hiểu tiếng Trung Quốc cao  cấp cuốn 1. Học phần này tiếp nối học phần Kĩ năng nghe hiểu I của chương trình nghe hiểu tiếng Trung Quốc trung cấp, có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI.  So với chương trình nghe hiểu trung cấp, học phần này chú ý bồi dưỡng cho sinh viên kỹ năng nghe hiểu ngữ thể, khả năng nghe phân tích các loại câu dài, phức tạp và khả năng lĩnh hội ý nghĩa chỉnh thể của văn bản.
  17. Kỹ năng nói I: Học phần gồm 15 bài, từ bài 1 đến bài 15 giáo trình Khẩu ngữ tiếng Trung Quốc trung cấp cuốn 1. Học phần này có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV.  Các bài luyện khẩu ngữ đi sâu vào chủ điểm cuộc sống xã hội hiện thực, những vấn đề thời sự thông thường. Tình huống giao tiếp, đối tượng giao tiếp được xác định rõ ràng, tạo ra hoàn cảnh “có vấn đề” kích thích nhu cầu “muốn nói” của sinh viên. Hình thức luyện tập đa dạng, sinh động, sát hợp với thực tế giao tiếp.
  18. Kỹ năng nói II: Học phần gồm 15 bài, từ bài 16 đến bài 30 giáo trình Khẩu ngữ tiếng Trung Quốc trung cấp cuốn 2. Học phần này tiếp nối học phần nói I của chương trình khẩu ngữ tiếng Trung Quốc trung cấp, có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp V, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp V.  Đặc điểm kết cấu và nội dung như học phần Kỹ năng nói I.
  19. Kỹ năng nói III:Học phần gồm 15 bài, từ bài 1 đến bài 15 giáo trình Khẩu ngữ tiếng Trung Quốc cao cấp cuốn 1. Học phần này tiếp nối học phần Kĩ năng nói I của chương trình khẩu ngữ tiếng Trung Quốc cao cấp, có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI. So với chương trình khẩu ngữ trung cấp, học phần này tăng cường các bài luyện nói theo các chủ điểm “nóng hổi” và chủ điểm “vĩnh hằng”, chú ý rèn luyện khả năng diễn đạt thành đoạn liền ý và khả năng phản ứng nhanh.
  20. Kỹ năng đọc I: Học phần gồm 15 bài, từ bài 1 đến bài 15 giáo trình Đọc hiểu tiếng Trung Quốc trung cấp cuốn 1. Học phần này có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV. Mỗi bài gồm 2 phần: phần đọc bắt buộc (học trên lớp) và phần đọc tự chọn (đọc ở nhà). Chủ điểm các bài đọc bám sát cuộc sống xã hội hiện thực và có nội hàm văn hoá lớn. Hình thức luyện đọc chú ý cả 2 phương pháp đọc kỹ và đọc lướt.
  21. Kỹ năng đọc  II:Học phần gồm 15 bài, từ bài 16 đến bài 30 giáo trình Đọc hiểu tiếng Trung Quốc trung cấp cuốn 2. Học phần này tiếp nối học phần Kỹ năng đọc I của chương trình đọc hiểu tiếng Trung Quốc trung cấp, có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp V, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp V.  Đặc điểm kết cấu và nội dung như học phần Kỹ năng đọc I.
  22. Kỹ năng đọc III: Học phần gồm 15 bài, từ bài 1 đến bài 15 giáo trình Đọc hiểu tiếng Trung Quốc cao  cấp cuốn 1. Học phần này tiếp nối học phần Kỹ năng đọc I của chương trình đọc hiểu tiếng Trung Quốc cao cấp, có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI.  So với chương trình đọc hiểu trung cấp, học phần này có sự mở rộng về phạm vi chủ điểm, chú ý đến thể loại và phong cách viết của bài, rèn luyện cho sinh viên tốc độ đọc và khả năng đọc hiểu chính xác.
  23. Kỹ năng đọc IV:Học phần gồm 15 bài, từ bài 16 đến bài 30 giáo trình Đọc hiểu tiếng Trung Quốc cao  cấp cuốn 2. Học phần này tiếp nối học phần Kỹ năng đọc III của chương trình đọc hiểu tiếng Trung Quốc cao cấp. Đặc điểm kết cấu và nội dung như học phần Kỹ năng đọc III.
  24. Kỹ năng viết I: Học phần gồm 15 bài, từ bài 1 đến bài 15 giáo trình Viết tiếng Trung Quốc trung cấp cuốn 1. Học phần này có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV.  Kết cấu mỗi bài gồm : Tri thức  viết văn, Bài văn mẫu, Chú thích, Bài tập làm văn. Thể loại chính là văn ứng dụng. Học phần này chú trọng bồi dưỡng cho sinh viên năng lực vận dụng ngôn ngữ viết.
  25. Kỹ năng viết  II: Học phần gồm 15 bài, từ bài 16 đến bài 30 giáo trình Viết tiếng Trung Quốc trung cấp cuốn 2. Học phần này có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp IV.  Đặc điểm kết cấu và nội dung như học phần Kỹ năng viết I nhưng mở rộng thể loại bài viết với những văn bản dài, có độ khó hơn ở Kỹ năng viết I.
  26. Kỹ năng viết III: Học phần gồm 5 bài, từ bài 1 đến bài 5 giáo trình Viết tiếng Trung Quốc cao cấp cuốn 1. Học phần này tiếp nối chương trình viết tiếng Trung Quốc trung cấp, có mặt bằng kiến thức và kỹ năng đồng bộ với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI, được giảng dạy song song với học phần Tiếng Trung Quốc tổng hợp VI.  Kết cấu mỗi bài gồm: Tri thức viết văn, Bài văn mẫu, Chú thích, Bài tập làm văn. Nội dung của học phần này có đòi hỏi cao hơn về mặt kỹ năng, kỹ thuật viết các dạng văn giải thích, nghị luận …
  27. Kỹ năng viết IV          

Học phần gồm 5 bài, từ bài 6 đến bài 10 giáo trình viết tiếng Trung Quốc cao cấp cuốn 2. Học phần này tiếp nối với học phần Kỹ năng viết III của chương trình viết tiếng Trung Quốc cao cấp. Đặc điểm kết cấu và nội dung như học phần Kỹ năng viết III. Sinh viên ngoài việc luyện tập viết các dạng văn bản như tin tức, ghi chép, phóng sự … bước đầu tiếp xúc và làm quen với viết luận văn khoa học làm cơ sở cho việc viết luận văn tốt nghiệp cho sinh viên sau này.

Qua bài viết trên, Isinhvien hy vọng các bạn đã hiểu tổng quan về ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, nếu quan tâm những ngành khác, bạn có thể xem tại đây >> Danh sách các ngành nghề hệ Đại Học được đào tạo ở Việt Nam hiện nay. Nhớ like, comment và share bài này nhé, chúc các bạn học tốt!



Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close