Marketing

Nhượng quyền thương hiệu là gì? Quy trình và ví dụ về nhượng quyền thương hiệu

Nhượng quyền thương hiệu đã và đang là một “xu hướng” rất phát triển trong lĩnh vực marketing/phân phối/kinh doanh. Mục tiêu của phương thức nhượng quyền thương hiệu là giúp phát triển nhận diện được thương hiệu và giúp tăng trưởng về tài chính cho cả hai bên. Vậy tại sao nó lại có “sức hút” đến vậy? Hãy cùng Isinhvien tìm hiểu về nhượng quyền thương hiệu là gì, quy trình và ví dụ chi tiết trong bài viết dưới đây nhé!

1. Nhượng quyền thương hiệu là gì?

Nhượng quyền thương hiệu hay nhượng quyền thương mại (franchise) được hiểu là một hợp đồng thỏa thuận, theo đó một bên (nhượng quyền) cho phép một bên khác (nhận quyền) sử dụng nhãn hiệu, tài sản trí tuệ của mình cũng như các quy trình và hệ thống kinh doanh nhất định. Nhượng quyền thương hiệu còn bao gồm việc sản xuất và tiếp thị hàng hóa hoặc dịch vụ theo các tiêu chí của bên nhượng quyền đã được thiết lập.

Theo cách nói khác, bên nhượng quyền sẽ cấp cho bên nhận quyền sử dụng mô hình kinh doanh của mình, bao gồm cả tên thương hiệu và bán các sản phẩm và dịch vụ của mình cho khách hàng. Khi một doanh nghiệp muốn tăng thị phần hoặc phạm vi tiếp cận thị trường với chi phí thấp, doanh nghiệp có thể nhượng quyền thương hiệu và sản phẩm của mình. Bên nhượng quyền sẽ là doanh nghiệp ban đầu, doanh nghiệp đó sẽ bán quyền sử dụng tên và ý tưởng của nó. Bên nhận quyền mua và sử dụng quyền này để bán hàng hóa/sản phẩm/dịch vụ của bên nhượng quyền để kinh doanh.


Một số doanh nghiệp/thương hiệu nổi tiếng đã và đang sử dụng phương thức nhượng quyền thương hiệu này như: KFC, McDonald’s, Cricle K, 7-Eleven, Pizza Hut, Buger King, Toco Toco, Gong-cha, The Alley, Sữa chua trân châu Hạ Long,….

Nhượng quyền thương hiệu là gì?
Nhượng quyền thương hiệu là gì?

>> Có thể bạn quan tâm: Chiến lược định vị thương hiệu hiệu quả trong kinh doanh

2. Quy trình nhượng quyền thương hiệu

Sau khi đã hiểu về nhượng quyền thương hiệu là gì rồi, bây giờ Isinhvien sẽ trình bày chi tiết về quy trình nhượng quyền thương hiệu ngay dưới đây!

Kinh doanh dựa trên mô hình nhượng quyền thương hiệu có thể coi “đường tắt” giúp các doanh nghiệp mới gia nhập vào thị trường một cách dễ dàng và thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đang trong một giai đoạn khởi nghiệp mới bắt đầu thì con đường kinh doanh này sẽ có khá nhiều chông gai, nó yêu cầu bạn phải chuẩn bị một hành trang đầy đủ kiến thức và kỹ năng vững chãi để có thể khởi nghiệp thành công.


Một trong những điều căn bản để bắt đầu việc đó thì bạn phải hiểu rõ được quy trình và mô hình nhượng quyền để có đảm bảo về mặt pháp lý, lợi ích, và lên chiến lược cho chính doanh nghiệp mới của mình.

2.1. Thiết kế mô hình nhượng quyền thương hiệu

Thực tế cho rằng, những doanh nghiệp bán nhượng quyền thương hiệu đóng một vai trò vô cùng quan trọng việc xây dựng, phát triển và mở rộng thượng hiệu kinh doanh của chính mình. Từ đó, họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của chính mình chia sẻ cho các bên nhận quyền thương hiệu để hỗ trợ giúp họ phát triển hơn.

Để có thể đưa ra được một quy trình mô hình nhượng quyền hoàn chỉnh thì bạn cần chú ý đến những đặc điểm sau đây

  • Phí nhượng quyền thương mại và tỷ lệ tiền bản quyền hàng năm
  • Điều kiện gia hạn và thời hạn hợp đồng nhượng quyền của bạn
  • Các khu vực địa lý bạn sẽ đến và các quyền lãnh thổ cụ thể cho từng bên nhận quyền
  • Loại và thời gian của chương trình đào tạo bạn sẽ cung cấp
  • Bên nhận quyền có phải mua sản phẩm hoặc thiết bị từ công ty của bạn hay không
  • Bằng cấp, kinh nghiệm và vị thế tài chính bạn muốn ở một bên nhận quyền
  • Bạn sẽ tiếp thị và bán nhượng quyền thương mại của mình như thế nào?

Tất cả những yếu tố trên đây đều ảnh hưởng nhất định đến tiềm năng và lợi nhuận dài hạn của doanh nghiệp bạn. Vậy nên, hãy cân nhắc và lựa chọn phương án cho phù hợp nhé!.


2.2. Quy trình nhượng quyền thương hiệu (phía người bán)

Bước 1: Phân tích đánh giá

Người bán trong nhượng quyền thương hiệu phải hiểu về mô hình kinh doanh của mình. Đảm bảo được hai tiêu chí quan trọng là thương hiệu phải được nhiều người yêu thích trong lĩnh vực, dự trù và tính toán được chi phí sinh lợi, tỉ lệ thu hồi vốn ra sao. Đặc biệt, mô hình của bạn phải có khả năng phát triển và mở rộng được trên thị trường.

Bước 2: Chuẩn hóa quy trình

Doanh nghiệp bạn phải quy trình hóa toàn bộ hoạt động của cửa hàng. Để có thể nắm vững và hiểu rõ cửa hàng của bạn từ đó đưa nội dung đó vào trong một quy trình: quy định, quy tắc, quy phạm và các nội dung khác của cửa hàng. Chuẩn hóa về toàn bộ mặt nhận diện thương hiệu bao gồm: logo sản phẩm/dịch vụ, slogan, quy định về sản phẩm/dịch vụ màu sắc, nội thất và không gian quán, các yếu tố khác,…

Bước 3: Tìm hiểu và làm các thủ tục pháp lý


Bạn nên thuê riêng một đơn vị cố vấn về luật pháp uy tín chuyên nghiệp để hoàn thiện các hồ sơ yêu cầu như thủ tục pháp lý, bảng báo cáo tài chính về mô hình sản phẩm/dịch vụ mà bạn chuẩn bị nhượng quyền.

Bước 4: Thiết kế mô hình nhượng quyền thương hiệu

Doanh nghiệp nên công bố các chính sách, chi phí nhượng quyền, chi phí và tỉ lệ bản quyền, thời hạn cho mỗi hợp đồng nhượng quyền, điều kiện đối với bên được nhượng quyền như: tài chính, vị trí địa lý, mặt bằng thuê,…

Bước 5: Hoàn thiện các thủ tục

Bên doanh nghiệp nhượng quyền nên chuẩn bị các giấy tờ, hợp đồng nhượng quyền và mô hình sản phẩm/dịch vụ liên quan để chuẩn bị đăng kí nhượng quyền.

Bước 6: Thành lập một mô hình quản lý

Doanh nghiệp nhượng quyền nên có một đội ngũ quản lý công việc nhượng quyền và bán quyền cho việc tư vấn cho các khách hàng cũng như các nhà đầu tư một cách dễ dàng.


Bước 7: Đào tạo, hỗ trợ

Phía bên nhượng quyền có trách nhiệm phải đào tạo, hỗ trợ cho các đại lý nhượng quyền kinh doanh. Điều này sẽ được thực hiện liên tục xuyên suốt trong các quá trình sau này, bạn phải liên tục kiểm tra, rà soát các đại lý nhận quyền, để có thể hỗ trợ về các chương trình quảng cáo chi nhánh mới, báo cáo kinh doanh của tưng địa điểm bán.

2.3. Quy trình nhượng quyền thương hiệu (phía người mua)

Người mua thương hiệu cần phải quan tâm đặc biệt đến quy trình nhượng quyền thương hiệu. Bởi, khi bạn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh, bạn chưa có một kinh nghiệm quản trị, tuyển dụng, đào tạo nhân viên và cũng chưa nắm vũng về các kỹ năng khác liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu. Bạn cần phải học hỏi, tiếp thu và phát huy được mô hình kinh doanh của mình.

Bước 1: Đánh giá về bản thân

Bạn cần phải đánh giá về khả năng tài chính, mức độ đầu tư cũng như sự phù hợp với mô hình kinh doanh của mình, có đảm bảo cho hoạt động kinh doanh hay không? Đặc biệt mô hình kinh doanh này đòi hỏi người có tính kỷ luật cao, chấp hành các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt của bên nhượng quyền nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm/dịch vụ đồng đều tại các điểm bán.


Bước 2: Lựa chọn thương hiệu nhượng quyền

Bạn cần phải xem xét nhiều thương hiệu trong ngành, lĩnh vực mà mình đang quan tâm sau đó so sánh, đối chiếu về các sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu đó. Tránh mua các thương hiệu có tuổi đời thấp dưới hai năm, thường những thương hiệu mới thành lập sẽ ít người biết đến dẫn đến việc sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu đó sẽ không được yêu thích và sử dụng.

Bước 3: Tìm hiểu về công ty/doanh nghiệp nhượng quyền thương hiệu

Nghĩa là bạn phải tìm hiểu về “người chủ” của thương hiệu đó cũng như đơn vị, công ty nhượng quyền thông qua các kênh như mạng xã hội, văn phòng nhượng quyền, công ty có địa chỉ rõ ràng, đáng tin cậy.

Bước 4: Tìm hiểu về hệ thống của doanh nghiệp/cửa hàng đang nhượng quyền

Bạn có thể tham quan nhiều địa điểm cửa hàng và so sánh, đối chiếu các cửa hàng với nhau. Các tiêu chí để tìm hiểu về doanh nghiệp đó gồm: quan sát số lượng, khách hàng/ngày, đánh giá chất lượng của sản phẩm/dịch vụ đó,… Từ đó đưa ra đánh giá về doanh thu, chất lượng phục vụ của nhân viên trong doanh nghiệp đó và tiến hành cân nhắc lựa chọn.


Bước 5: Xem qua điều khoản và năng lực bên nhượng quyền thương hiệu

Bạn cần liên hệ với bộ phận nhượng quyền để tìm hiểu trước các điều khoản trong hợp đồng nhượng quyền. Tại đây bạn cần lưu ý rất nhiều điều khoản trong đó có chi phí nhượng quyền, chi phí vận hành hàng tháng/năm theo thời gian, thời hạn của hợp đồng, các điều khoản về hỗ trợ điểm bán,…

Bước 6: Tìm một mặt bằng phù hợp

Tìm một mặt bằng phù hợp với mô hình kinh doanh và điều khoản trong hợp đồng kinh doanh nhượng quyền thương hiệu là một điều vô cùng quan trọng. Bạn có thể tham khảo mặt bằng tại các điểm đã kinh doanh tốt và đem lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp/thương hiệu đó để lựa chọn địa điểm tương đồng. Nên cân nhắc tránh các địa điểm cùng thương hiệu mà quá gần địa điểm bạn muốn mở, nó sẽ gây khó khăn và cản trở cho mô hình kinh doanh của bạn.

Bước 7: Ký hợp đồn nhượng quyền


Bạn nên chắc chắn rằng các điều khoản trong hợp đông đã xem kỹ. Vì đa số các hợp đồng bây giờ là một chiều và nó đi theo hướng có lợi cho bên nhượng quyền. Vì thế, điều tốt nhất là bạn nên có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc thuê một chuyên gia tư vấn về lĩnh vực này để tham khảo thêm rồi đưa ra quyết định.

Bước 8: Chuẩn bị để bắt đầu kinh doanh

Bước cuối cùng sau khi bạn đã đưa ra quyết định là bạn sẽ phải xem xét lại mô hình và chuẩn bị và đầu tư về nội thất, nhân viên phục vụ, các yếu tố khác,… Để mô hình kinh doanh của bạn có thể bắt đầu để khai trương một cách suôn sẻ.

3. Một số ví dụ về mô hình nhượng quyền thương hiệu nổi tiếng

Để hiểu hơn về nhượng quyền thương hiệu là gì, Isinhvien sẽ đưa ra một số ví dụ về mô hình nhượng quyền nổi tiếng hiện nay để các bạn có thể tham khảo nhé!


Danh sách doanh nghiệp/thương hiệu nhượng quyềnĐặc điểm, chi phí, hình thức nhượng quyền thương hiệu
1. GuTa Coffee – Guta Cafe ra đời vào năm 2016 với mong muốn giữ gìn và duy trì nét văn hóa “cà phê vỉa hè” của người Việt. Guta Cafe hoạt động chính với ba mô hình Guta cart, Guta kiosk và Guta store, chi phí nhượng quyền dành cho từng mô hình cũng sẽ có sự chênh lệch.
– Hiện tại, Guta Cafe chỉ mở quán cafe nhượng quyền với hai mô hình “Guta kiosk” và “Guta store”. “Guta kisok” đòi hỏi chi phí nhượng quyền 30 triệu, ký quỹ nguyên vật liệu 20 triệu và chi phí đầu tư rơi vào khoảng 300 triệu. Còn “Guta store” có chi phí nhượng quyền 60 triệu, ký quỹ nguyên vật liệu 50 triệu và chi phí đầu tư 500 triệu. Thời hạn chung của hợp đồng kéo dài 5 năm.
2. Chuỗi cửa hàng lẩu băng chuyền Kichi-Kichi – Là chuỗi nhà hàng chuyên về buffet lẩu tại Việt Nam, ra đời vào năm 2009, bao gồm các món ăn ngon và đa dạng được phục vụ với hình thức băng chuyền độc đáo, hiện đại.
– Nhờ vào mô hình độc đáo, lẩu băng chuyền Kichi Kichi đã chiếm tình cảm của khách hàng bởi sự chuyên nghiệp, chất lượng, mới lạ của mình. Kichi Kichi hiện đang có 29 nhà hàng kinh doanh trên toàn quốc. Giá nhượng quyền Kichi Kichi tối thiểu là 300.000 USD.
3. Pizza Hut– Pizza Hut là công ty con của tập đoàn Yum! Pizza hiện đang có hơn 6000 nhà hàng ở Mỹ và hơn 16.000 địa điểm cửa hàng ở hơn 100 quốc gia và những vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới.
– Chi phí nhượng quyền của thương hiệu Pizza Hut sẽ dao động từ 300.000 – 2.200.000 USD.
4. KFC– Hiện tại KFC đang có mặt trên 118 quốc gia khác nhau, chiếm 50% thị trường fast food trên thế giới với số lượng hơn 14.000 cửa hàng. KFC là thương hiệu thức ăn nhanh và quá quen thuộc với người tiêu dùng trên thế giới.
– Vào cuối năm 1997, KFC xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam, đến nay đã phát triển hơn 140 cửa hàng, có mặt tại 19 địa điểm khắp nơi ở Việt Nam. Chi phí nhượng quyền thương hiệu cho KFC từ 1.300.000 – 2.500.000 USD. 
5. Ông Bầu Coffee– Cafe Ông Bầu được 3 ông bầu lớn của nền bóng đá Việt Nam là Bầu Đức (Hoàng Anh Gia Lai), Bầu Hải (NutiFood) và Bầu Thắng (Đồng Tâm) thành lập vào năm 2019. Chỉ sau 2 năm hoạt động, hiện nay Ông Bầu đã sở hữu hơn 100 cửa hàng tại khắp các tỉnh trên cả nước và vẫn đang có hơn 600 hồ sơ đăng ký mở quán cà phê nhượng quyền chờ xét duyệt. 
– Chi phí nhượng quyền Cafe Ông Bầu phụ thuộc vào mô hình mà nhà đầu tư lựa chọn. Có hai mô hình chính là mô hình quầy bar di động với mức đầu tư 127 triệu và chỉ cần 2 – 5 mét vuông diện tích mặt bằng đã có thể mở quán; còn mô hình cố định tùy vào quy mô quán theo yêu cầu diện tích từ 70 – 220m2 mà mức đầu tư có thể dao động trong khoảng 255 – 459 triệu.
Bảng liệt kê một số mô hình nhượng quyền thương hiệu

4. Các hình thức nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam

Hầu hết, các hình thức nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam sẽ luôn cần nhà đầu tư sở hữu vốn thấp và đang muốn bắt đầu thử với việc kinh doanh mới. Bên nhận quyền họ sẽ phải tự mua một số trang thiết bị, sản phẩm, phương tiện,…để có phục vụ cho việc kinh doanh của mình.


4.1. Nhượng quyền thương hiệu công việc

Đây sẽ hình thức nhượng quyền về các tài sản cố định hữu hình như: nội thất, sản phẩm/dịch vụ,…. của cửa hàng. Nó sẽ ở một số lĩnh vực tiêu biểu như: Đại lý/cơ sở du lịch, dịch vụ bất động sản, dịch vụ vận chuyến, dịch vụ giao hàng, tổ chức sự kiện, dịch vụ sửa chữa lắp đặt, các dịch vụ khác,…

4.2. Nhượng quyền thương hiệu phân phối sản phẩm/dịch vụ

Đây là hình thức dựa trên mối quan hệ giữa nhà cung cấp và các đại lý. Bên nhận quyền sẽ phân phối các sản phẩm của bên nhượng quyền. Bên nhượng quyền sẽ không cung cấp toàn bộ hệ thống vận hành mà chỉ cấp phép nhãn hiệu và một phần quy trình sản xuất.

Một số lĩnh vực tiêu biểu: Sửa chữa-lắp ráp phụ tùng ô tô, máy bán hàng tự động, các sản phẩm máy tính, xe đạp, xe máy, thiết bị gia dụng,…

4.3. Nhượng quyền thương hiệu ở mô hình kinh doanh

Với hình thức này bên nhận quyền không chỉ được sử dụng nhãn hiệu mà còn được cung cấp toàn hộ hệ thống vận hành doanh nghiệp, tiếp thị sản phẩm/ dịch vụ. Bên nhượng quyền sẽ cung cấp cho bên nhận quyền một bản kế hoạch, quy trình chi tiết về mọi khía cạnh trong hoạt động kinh doanh, đào tạo, hỗ trợ ban đầu,… 


Một số lĩnh vực tiêu biểu: Đồ ăn nhanh, các nhà bán lẻ, nhà hàng, dịch vụ kinh doanh, fitness (gym, yoga,…)

4.4. Nhượng quyền thương hiệu qua hình thức đầu tư

Hình thức nhượng quyền này sẽ thường áp dụng trong các dự án có quy mô lớn, đòi hỏi vốn đầu tư cao. Bên nhận quyền thường sẽ đầu tư tiền và tham gia vào đội ngũ quản lý, vận hành công việc kinh doanh, tạo ra lợi nhuận từ khoản đầu tư của mình và thu hồi vốn.

Một số lĩnh vực tiêu biểu: Các dự án bất động sản, khu nhà máy chiết xuất/xí nghiệp/công nghiệp, khách sạn, nhà hàng cao cấp,…

4.5. Nhượng quyền thương hiệu qua hình thức chuyển đổi

Hình thức này sẽ sửa đổi các mối quan hệ nhượng quyền tiêu chuẩn. Hiện nay, có nhiều hệ thống nhượng quyền đã phát triển bằng cách chuyển đổi các doanh nghiệp cùng ngành thành các đơn vị nhượng quyền. Bên nhận quyền được cấp phép sử dụng nhãn hiệu, chương trình tiếp thị, hệ thống đào tạo và tiêu chuẩn dịch vụ khách hàng. Bên nhượng quyền sẽ thúc đẩy tăng trưởng nhanh về số lượng đơn vị nhượng quyền và có thu nhập từ phí bản quyền.


Một số lĩnh vực tiêu biểu: Môi giới bất động sản, các công ty dịch vụ gia dụng như vệ sinh, sửa chữa, lắp đặt,…

Các công ty nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam
Các công ty nhượng quyền thương hiệu ở Việt Nam

Trên đây, Isinhvien đã liệt kê đây đủ những nội dung về nhượng quyền thương hiệu là gì và quy trình tiêu chuẩn của một mô hình nhượng quyền gồm yếu tố nào kèm ví dụ chi tiết. Hi vọng, bài viết này sẽ giúp các bạn có được thêm những kiến bổ ích, hãy nhớ lưu lại và đừng quên theo dõi những chuyên mục Marketing mới nhất từ chúng mình nhé!

Mới nhất cùng chuyên mục

Back to top button
Close